Chúng ta xem tiếp phần kinh văn bên dưới: “Cánh cửa này chỉ có phát tâm Bồ đề, bậc thượng thiện, mới có thể vào đó, mở toang cánh cửa này, cho nên gọi là thông đạt thiện thú môn”. Cánh cửa này, trong bộ kinh này, chính là cánh cửa lớn của thế giới Cực Lạc, thế giới Cực Lạc là thiện thú.
Thế nào gọi là phát tâm Bồ đề? Trong Kinh Di Đà Yếu Giải, Đại sư Ngẫu Ích nói rất hay. Thật sự phát tâm cầu sanh Tịnh độ, đây chính là tâm vô thượng Bồ đề, người này chính là bậc thượng thiện. Ở đây tôi nói với quý vị càng rõ ràng cụ thể hơn, nếu có thể đọc thuộc Kinh Vô Lượng Thọ, tốt nhất là thuộc lòng. Trên năm, sáu mươi tuổi, trí nhớ suy thoái, không cần thuộc lòng. Nếu học thuộc, chỉ cần thuộc phẩm nói về 48 nguyện là được. Người trên 60 tuổi, hy vọng quý vị thuộc làu phẩm này. Người trên 50 tuổi, thời kinh sáng tụng 48 nguyện, thời kinh tối tụng từ phẩm 32 đến phẩm 37, như vậy là được. Trước 50 tuổi, tốt nhất là học thuộc Kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ chính là tâm của chúng ta, tâm chúng ta chính là Kinh Vô Lượng Thọ, tâm này tức là tâm vô thượng Bồ đề.
Ta niệm Phật, mỗi câu A Di Đà Phật đều tương ưng với Kinh Vô Lượng Thọ. Một câu Phật hiệu là một bộ kinh, một bộ kinh rút gọn thành một câu Phật hiệu. Tâm là tâm của Phật, nguyện là nguyện của Phật, đức là đức của Phật, hạnh là hạnh của Phật. Xin
chúc mừng, quý vị nhất định vãng sanh Tịnh độ, phẩm vị không phải Hạ phẩm hạ sanh, ít nhất cũng là Thượng tam phẩm vãng sanh trong cõi Đồng cư. Quý vị phải biết, Thượng tam phẩm là Thượng thượng phẩm, Thượng trung phẩm, Thượng hạ phẩm, Thượng bối tam phẩm. Người vãng sanh vào Thượng bối tam phẩm, đều biết trước giờ chết, mà còn sanh tử tự tại. Tự tại là gì? Nghĩa là muốn vãng sanh khi nào thì vãng sanh, muốn ở lại thế gian này thêm vài năm cũng đơn giản, không vấn đề gì, họ có công phu như vậy. Trung bối trở xuống không có khả năng đó, Thượng bối mới được đại tự tại!
“Cánh cửa của thế giới Cực Lạc mở rộng”, hoan nghênh mọi người trở về, “cho nên gọi là thông đạt thiện thú môn”. Ở sau nói: “mở rộng như thế nào? Tức chỉ có thành tựu cõi Tịnh, pháp môn Tịnh độ phổ nhiếp quần sanh”. Câu này nói quá hay, chỉ cho ta thấy một cách rõ ràng minh bạch. Cánh cửa này là Di Đà pháp môn, Di Đà thành tựu cõi Tịnh phổ nhiếp quần sanh. Ta nghe xong hiểu rõ ràng minh bạch, và thực hành, không hổ thẹn là hàng đệ tử chân chính của Phật A Di Đà. Cho nên cánh cửa của nước Cực Lạc vì chúng ta mà mở rộng.
Trích từ bài giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 265 do pháp sư Tịnh Không chủ giảng.