Nhữ ký tất thị vãng nguyện, lũy kiếp trọng thệ quảng độ tội bối, ngô phục hà lự. (Đời trước ông đã phát nguyện, nhiều kiếp lập trọng thệ, quảng độ những kẻ có tội, thì ta còn lo gì nữa.)
Thế Tôn nghe thấy Địa Tạng Bồ Tát báo cáo cũng vô cùng hoan hỷ, nói ông đã “tất thị vãng nguyện”, Địa Tạng Bồ Tát phát nguyện độ chúng sanh không phải chỉ có hôm nay, vô lượng kiếp trước Ngài đã phát nguyện này, đời đời kiếp kiếp thực tiễn nguyện vọng của Ngài, với lại đã phát rất nhiều lần.
Giống như chúng ta mỗi ngày đều niệm Tứ Hoằng Thệ Nguyện “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Phiền não vô lượng thệ nguyện đoạn”, chúng ta mỗi ngày niệm tứ hoằng thệ nguyện chứ không phải phát tứ hoằng thệ nguyện, nếu như thật sự phát rồi thì còn phải nói nữa sao!
Nếu như chân thật đã phát nguyện này thì bạn không phải là phàm phu. Không phải phàm phu thì là gì? Bạn sẽ là Phát Tâm Trụ Bồ Tát.
Chúng ta xem trong kinh Hoa Nghiêm nói Phát Tâm Trụ Bồ Tát là địa vị gì? Là Sơ Trụ trong Viên Giáo, bạn đã siêu việt lục đạo, siêu việt thập pháp giới, tứ hoằng thệ nguyện đã phát thật sự liền siêu việt. Không những không còn trong lục đạo, bạn cũng không còn trong thập pháp giới, vừa phát liền siêu việt rồi. Mỗi ngày niệm thì không được, niệm thì không thể siêu việt, phải chân thật phát.
Chúng ta tỉ mỉ quan sát, tứ hoằng thệ nguyện có phải là Địa Tạng Bổn Nguyện hay không? Phải! Một chút cũng không sai. Hôm nay tại cung trời Đao Lợi, Địa Tạng Bồ Tát lại phát nguyện nữa, tiếp nhận lời phó chúc của Thế Tôn giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này.
Thế Tôn ở nơi đây nói lời này cũng là tán thán Ngài. “Lũy kiếp trùng thệ”, chữ này đọc là “trọng” cũng được, đọc là “trùng” cũng được, đều được hết. Trọng là lời nguyện của Ngài rất nặng. Trùng là Ngài đã phát nguyện này nhiều lần rồi, hai cách đọc âm, hai ý nghĩa này đều hợp lý cả. Phật thấy họ sốt sắng gánh vác thì cũng rất an ủi, không còn lo âu nữa, không còn bận tâm nữa.
Thật ra là hoàn toàn biểu diễn cho chúng ta xem, chư vị phải hiểu, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng hóa thân làm Địa Tạng Bồ Tát. Tại sao không dùng thân Phật để xuất hiện trong thế gian này, tiếp tục thuyết pháp cho chúng ta? Không thể được, những chúng sanh này tánh thức không định.
*** Chư vị phải biết, nếu như thấy Phật trụ thế lâu dài chúng sanh sẽ giải đãi, lười biếng: “Không phải vội, hôm nay không nghe kinh, ngày mai Ngài vẫn giảng, năm nay không học, hai năm sau học cũng không muộn, lúc nào Ngài cũng giảng mà!”.
*** Nếu như nói Phật sắp nhập Niết Bàn thì họ sẽ hoảng hốt, gấp rút học tập, nếu không học thì sẽ không còn cơ hội nữa, họ liền khẩn trương. Thế nên Phật thị hiện diệt độ, thị hiện trụ thế đều là phương tiện thiện xảo, chúng ta phải hiểu ý nghĩa này. Việc cầu học cũng giống như vậy.
Lúc trước tôi cầu học ở Đài Trung, trong một thời gian ngắn, tôi đạt được lợi ích nhiều hơn so với các bạn đồng học khác. Nguyên nhân là gì? Chúng tôi là người ở phương xa đến, đến Đài Loan làm khách, thời gian rất ngắn, phải gấp rút học, học tập rất hết lòng, không thì một ngày nào đó cơ hội sẽ không còn nữa.
Những người cư trú ở thị xã Đài Trung, họ không có quan niệm này, thầy Lý thường trú ở thị xã Đài Trung, năm nay không thành thì vẫn còn năm sau, năm sau không thành thì vẫn còn năm sau nữa. Có cái tâm như vậy thì vĩnh viễn sẽ lười biếng, mãi đến khi thầy Lý vãng sanh rồi cũng chưa học thành tựu, thầy Lý sống ở Đài Trung ba mươi tám năm, tâm thái học tập của chúng tôi không giống nhau.
Chúng tôi đến làm khách, tâm thái này rất khẩn trương, phải nắm thật chắc lấy cơ hội này, biết được cơ hội một khi đã đánh mất thì không dễ gì tìm lại được. Phật, Bồ Tát xuất hiện ở thế gian này, dùng thân phận của Phật để xuất hiện cũng là ý nghĩa này, không thể trụ mãi. Nếu trụ mãi thì chúng sanh về sau sẽ lười biếng, giáo học của Phật sẽ không linh nữa, thế nên không thể thị hiện trụ thế lâu dài.
(Trích: Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, tập 10)
**********************************************
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Tài Liệu Tham Khảo: Tịnh Không Ân Sư
Xin Thường Nhớ Phật-Niệm Phật Phát Nguyện Vãng Sanh
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật