Trong Thất Giác Chi, cái thứ nhất là “trạch pháp”. Chọn lựa pháp môn tu học có lợi đối với chính mình, chọn lựa hoàn cảnh đời sống có lợi đối với tu học của chính mình, ngăn ngừa sự DỤ HOẶC, ngăn ngừa sự NHIỄU LOẠN, hy vọng ngay trong đời này không đến nỗi luống qua vô ích, đó là người có trí huệ chân thật, là người chân thật có thành tựu. Chính mình phải có tâm nguyện này, nhất định phải cầu Phật Bồ Tát gia trì. Không có Phật lực gia trì, phàm phu chúng ta không làm được.
Ngày trước, vào thời kỳ tôi còn đang cầu học, lúc vừa mới ra hoằng pháp, khó khăn trùng trùng. Cả đời tôi đều bị dày vò, thế nhưng tôi bằng lòng nhận chịu. Lão sư nói với tôi, đời này đều là Phật Bồ Tát an bài cho chúng ta, cho nên bất luận hoàn cảnh thế nào, tôi đều vui vẻ tiếp nhận. Tôi ở trong đó tôi luyện chính mình, đem phiền não tập khí của chính mình gọt mài cho hết, vậy mới có thể được chút thành tựu. Không qua được khảo nghiệm thì chắc chắn không thể thành tựu. Chọn lấy hoàn cảnh tu học là then chốt thành bại của chúng ta ngay trong đời này.
Tôi ngay trong một đời cũng gặp được rất nhiều người nhiệt tâm, muốn giúp đỡ tôi, nhưng tôi không tiếp nhận. Tôi chỉ tiếp nhận một người chăm sóc là Hàn Quán Trưởng.
Người hiểu được đạo lý này không nhiều. Một người chăm sóc, tôi chỉ cảm ân, cảm tạ một người; tám người, mười người chăm sóc, tương lai tôi phải cảm ân tám người, mười người, vậy thì quá mệt. Đạo lý này phải nên biết.
Có rất nhiều người có hoàn cảnh tốt hơn nhiều so với Hàn Quán Trưởng, tôi đều như như bất động. Người ta bố thí ân huệ, không dễ tiếp nhận đâu, tương lai bạn phải báo ân. Một nơi ở không tốt, lại đổi một nơi khác, ở lại thấy không tốt, lại đổi một nơi khác nữa, vậy thì cả đời của bạn xong rồi, ai dám lo cho bạn nữa?
Ở đất nước chúng ta vào thời xưa, người xuất gia là ở nhờ các chùa chiền. Cho phép ở nhờ là việc của thầy tri khách. Thầy tri khách nhất định sẽ hỏi “bạn từ nơi đâu đến?”, “bạn ở nơi đây bao lâu?”, “ngày trước đã ở qua những nơi nào?”. Nếu như bạn ở mỗi một nơi trong thời gian rất ngắn, thầy tri khách trong lòng sẽ rất rõ ràng, con người của bạn không dễ ở, cho nên sẽ không níu giữ bạn. Nếu bạn có thể ở một nơi từ ba đến năm năm, thì bạn là một người không tệ, có thể ở chung với mọi người, người ta sẵn lòng lưu giữ bạn.
Từ ngay chỗ này liền có thể quan sát được là bạn có thể nhẫn nhục hay không, bạn có lòng nhẫn nại hay không. Bạn nghĩ xem, bạn có tâm nhẫn nại lớn bao nhiêu thì bạn sẽ có thành tựu lớn bấy nhiêu; bạn có sự nhẫn nhục lớn bao nhiêu thì bạn có định huệ lớn bấy nhiêu.
Ở chung với người mà không thể nhẫn, hoàn cảnh làm việc không thể nhẫn thì thành tựu của người này chắc chắn có hạn. Trong câu Kinh văn này, không những đối với “người”, “sự việc” phải có thể nhẫn, mà với “vật” cũng phải có thể nhẫn. Vật ở đây thông thường là chỉ động vật nhỏ, nhìn thấy những động vật nhỏ này, chúng ta có khởi một cái ý niệm chăng?
Trong đời quá khứ, ta cũng đã từng giống như chúng vậy, có khởi lên cái ý niệm này hay không? Ngay đời này nếu như không thể vãng sanh, đời sau kiếp sau khả năng giống như chúng sẽ rất nhiều. Nếu như cái ý niệm này hiện tiền, đây gọi là “thỉ giác”, bạn bắt đầu giác ngộ. Bạn sẽ khích lệ chính mình, sẽ cảnh giác chính mình, không dám giải đãi.
Chúng ta đời đời kiếp kiếp đã làm thân kiến, làm thân muỗi, cũng đã làm thân ruồi, bất cứ thân gì đều đã nhận qua, nhưng đều quên mất rồi. Chúng ta cũng đã từng đọa địa ngục, cũng đã từng làm ngạ quỷ, cũng đã từng làm Thiên vương, một giấc mộng dài mà còn tiếp tục muốn gặp những ác mộng này nữa hay sao?
Cho nên, đối với tất cả động vật, chúng ta phải có tâm từ bi, phải thương yêu chúng, phải chăm sóc chúng. Nghĩ đến ta không khác gì với chúng, chỉ là thân tướng khác nhau, phương thức đời sống không giống nhau mà thôi. Tàn nhẫn là tâm của ba đường ác, là ở cõi thấp trong sáu cõi, trong tâm thường ôm lấy hung ác tàn nhẫn, chớp mắt một cái thì đi vào địa ngục, ngạ quỷ, muốn làm thân súc sanh cũng không dễ gì được, chúng ta làm sao có thể không cảnh giác?
Trích THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 50
Lão Pháp Sư Tịnh Không
A Di Đà Phật