Nói năng chẳng thể không gánh trách nhiệm, nếu viết thành sách lại càng chẳng được. Viết thành sách thì đến khi nào quý vị mới có thể thoát tội? Khi nào quyển sách do quý vị viết bị tiêu diệt trong thế gian này, chẳng còn một quyển nào, quý vị mới có thể thoát khỏi. Nếu thế gian này, hãy còn một quyển sách chưa mất, quý vị sẽ chẳng có cách nào thoát lìa tội ấy, quý vị nói xem có đáng sợ lắm hay không? Những vị đại đức giảng kinh, thuyết pháp thời cổ chịu trách nhiệm, viết thành sách càng đáng ngại hơn. Các Ngài như thế nào? Các Ngài sợ nhân quả. Người hiện thời chẳng tin nhân quả. Nhân quả chẳng phải là nói “hễ tin bèn có, chẳng tin thì không”, chẳng phải vậy! Không tin thì nó vẫn có y hệt, phiền phức ở chỗ này!
Chúng ta chưa khai ngộ, có dám giảng kinh hay không? Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chưa khai ngộ có dám chú giải kinh hay không? Chúng ta đọc bản chú giải của cụ, chẳng phải là lời chú giải của chính cụ. Cụ đọc một trăm chín mươi ba loại kinh luận, tham khảo tài liệu, toàn là trích lục những lời chú giải, nên cụ có căn cứ. Chẳng phải là tôi sai. Quý vị nói tôi sai thì là trong kinh luận của họ đã phạm sai lầm, chứ tôi chẳng phạm lỗi. Đó là gì? Nhằm thị hiện cho người trong thời đại này. Chúng tôi học giảng kinh, khi ấy, đã biết một chút đạo lý này, chẳng dám! Thầy khuyên dạy chúng tôi: “Nếu chờ đến khai ngộ rồi mới giảng kinh, chẳng biết đợi tới năm nào. Nếu suốt đời này, anh chẳng khai ngộ, tức là suốt đời này chẳng thể giảng kinh! Vậy là chẳng có ai giảng kinh, Phật pháp sẽ bị diệt trên thế giới này”. Giải quyết vấn đề này như thế nào? Do đó, thầy dạy chúng tôi. Chính bản thân thầy cũng khiêm hư. Thầy nói: “Không chỉ quý vị chẳng dám, mà chính tôi cũng chẳng dám. Nay chúng ta giảng kinh là giảng gì? Giảng chú giải!” Câu nói ấy đã cảnh tỉnh chúng tôi, chúng ta chọn lọc chú giải của cổ nhân, diễn dịch chú giải thành lời văn Bạch Thoại để nói, chắc chắn chẳng thể nói sai ý nghĩa.
Chúng ta giảng theo cách như vậy, nếu nẩy sanh vấn đề, họ (những vị chú giải) chịu trách nhiệm, chúng ta chẳng lãnh trách nhiệm. Do hiểu chỗ này, chúng tôi mới dám làm. Vì thế, lúc mới học giảng kinh, tôi tìm [chú giải] của những vị lão pháp sư trong hiện thời, tôi nói đến những bản chú giải bằng văn Bạch Thoại. Về sau, dần dần tương đối thâm nhập, mới tìm chú giải của cổ đại đức. Thầy còn dặn dò, ắt phải lấy chú giải của cổ đại đức làm chủ. Vì sao? Các Ngài đã thật sự khai ngộ. Thời cổ, chưa khai ngộ, chẳng ai dám viết lách. Hơn nữa, sách cổ gần như đều đã trải qua tra xét nghiêm ngặt, người tra xét là ai? Những vị cao tăng đại đức thuở ấy. Các Ngài tra duyệt, nhận định là chẳng có vấn đề rồi mới tấu trình Hoàng Thượng. Hoàng Thượng phê chuẩn cho nhập tạng (đưa vào Đại Tạng Kinh). Vì thế, Đại Tạng Kinh đáng tin cậy nhất, vì đã được kiểm tra nghiêm ngặt. Quý vị nói chú giải, vậy thì bản chú giải ấy có trong Đại Tạng Kinh hay không? Hễ trong Đại Tạng Kinh mà có thì [bản chú giải ấy] rất đáng tin cậy.
Hiện thời chẳng có hoàng đế, đã đổi thành Dân Quốc. [Chánh quyền] Dân Quốc gạt chuyện này sang một bên, mặc cho nó tự sanh tự diệt. Vì thế, xã hội Dân Quốc động loạn to lớn so với thời đại đế vương trước kia, thật sự là có mối quan hệ nhân quả. Vì sao? Đế vương hộ pháp, đế vương học Phật, đế vương cung kính Tam Bảo, nên quốc thái dân an, Phật là phước điền lớn nhất của hết thảy chúng sanh. Do đó, người đại phú đại quý trong thế gian, quá nửa là đã gieo phước nơi Phật môn trong đời quá khứ, nay họ hưởng phước. Hưởng phước mà không biết gieo phước lần nữa, nên hưởng hết phước thì làm như thế nào? Chẳng phải là lại xuất hiện vấn đề ư? Cổ nhân tin tưởng, kính trọng tổ tông, tín ngưỡng bậc thánh hiền. Hiện thời, tổ tông cũng chẳng kính, cũng chẳng ngó ngàng tới hiền nhân, tuyên bố Phật, Bồ Tát là mê tín. Xã hội hiện tại trở thành nông nỗi này, địa cầu lắm tai nạn ngần ấy, rốt cuộc là do nguyên nhân gì, người thâm nhập kinh tạng bèn hiểu rõ.
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 138.