Vào thời quá khứ tại Ấn Độ, Thiên Thân Bồ Tát đã từng hủy báng về pháp Tiểu Thừa, Ngài là người thông minh tuyệt đỉnh; Luận là chú giải của hết thảy kinh điển; Ngài viết [năm trăm bộ luận] hủy báng Đại Thừa. Anh của Ngài là Vô Trụ Bồ Tát học Đại Thừa, anh Ngài có thiện xảo phương tiện hướng dẫn Ngài tiến vào Đại Thừa, sau khi học Đại Thừa mới biết mình đã phạm tội nghiệp to lớn nên Ngài hết sức hối hận.
Vì dùng ngôn ngữ hủy báng cho nên Ngài muốn cắt đứt lưỡi trước Phật xin sám hối; dùng tay viết văn chương nên Ngài muốn chặt tay xin sám hối. Anh Ngài nói: “Không cần làm vậy, trước kia em dùng lưỡi để hủy báng Đại Thừa thì tại sao bây giờ không dùng lưỡi ấy để tán thán Đại Thừa? Trước kia dùng tay viết văn hủy báng Đại Thừa thì tại sao không dùng bàn tay ấy để viết văn tán thán Đại Thừa?” Từ đó Ngài giác ngộ và soạn năm trăm bộ luận tán thán Đại Thừa, trong lịch sử xưng Ngài là Thiên Bộ Luận Sư, do đó có thể thấy trong cửa nhà Phật quay về là bến bờ. Những chuyện giống như vậy hầu như đời nào cũng có.
Chúng ta coi vị tổ sư gần thời đại chúng ta nhất là đại sư Ấn Quang, chư vị kiếm cuốn Ấn Quang Đại Sư Hành Nghiệp Ký, tức là truyện ký của đại sư Ấn Quang, trong Toàn Tập có, mỗi người trong quý vị đều có một bộ Toàn Tập. Bạn coi truyện ký của đại sư Ấn Quang, lão nhân gia lúc trẻ tuổi hủy báng Tam Bảo, Ngài đọc sách của Khổng Tử, coi Nho gia là chánh thống, Phật pháp là bàng môn. Sau này khi tiếp xúc Phật pháp mới biết mình đã tạo tội nghiệp, lúc trước đã sai lầm. Ngài có thể sám hối, quay về, xuất gia tu hành, hoằng dương Phật pháp, tẩy trừ tội nghiệp hủy báng Tam Bảo lúc còn trẻ. Sau này chúng ta biết Ngài là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai, nói cách khác, những việc Ngài làm cả đời đều là biểu diễn, diễn kịch cho chúng ta coi. Đó chẳng phải là thật, Ngài diễn cho chúng ta coi, Ngài biết đời này chúng ta rất dễ phạm tội hủy báng Tam Bảo, rất nhiều người phạm, lão nhân gia làm một gương mẫu cho chúng ta xem. Phạm những tội nặng này vẫn có thể được độ, chúng ta coi trong lịch sử, truyện ký thấy có rất nhiều. Quan trọng nhất là phải quay về, quan trọng là phải đoạn phiền não, đoạn dứt tập khí, phải coi trọng việc này, phải mang việc này vào trong đời sống sinh hoạt của chúng ta, coi nó như là một việc lớn phải làm, được vậy thì đời này chúng ta tu học mới mong thành tựu. [Nếu được vậy thì] khi chúng ta giúp đỡ chúng sanh tu học Phật pháp mới nói được là có [chút ít] công đức, nếu không thì bạn giúp đỡ hết thảy chúng sanh tu học Phật pháp đều là phước đức. Phước đức khác công đức, trong Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ nói rất hay: “Phước đức không thể giúp con người liễu sanh tử, xuất tam giới, người dù có phước đức to lớn cách mấy thì cũng chỉ sanh lên cõi trời hưởng phước mà thôi, chẳng thể thoát khỏi tam giới, [chỉ có] công đức mới có thể thoát tam giới”. Chúng ta phải phân biệt công đức và phước đức cho rõ ràng. Dùng tâm thanh tịnh tu hết thảy thiện pháp, đoạn hết thảy điều ác là công đức, dùng tâm tạp nhiễm để đoạn ác tu thiện là phước đức, quan trọng là ở chỗ này.
(Lược Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – Quyển Hạ -Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Tập 33 : Phẩm Thứ Chín: Xưng Danh Hiệu Chư Phật – Trang -170 -171)