Tây Phương quả thật có thế giới Cực Lạc, có Phật hiệu A Di Đà. Thế giới và Phật cũng chẳng ở ngoài tự tâm. Phải biết cái tâm của chính mình hết sức rộng lớn “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” (tâm chứa đựng hư không, có phân lượng trọn khắp các cõi nhiều như cát). Do vậy, cái tâm này chẳng thể quá nhỏ, nhỏ nhoi sẽ đáng thương, tâm lượng phải lớn. Tận hư không, trọn pháp giới là chính mình, thật sự bỏ đi chính mình, nếu chấp trước một tí nào trong ấy, ngỡ nó là chính mình, sẽ rất đáng thương! Kinh Lăng Nghiêm có tỷ dụ, sánh ví chân tâm như biển cả, dùng bọt nước trong biển cả để ví người điên đảo mê hoặc. Kẻ nào chấp bọt nước là biển cả, bỏ quên toàn bộ biển cả thì là kẻ mê, là phàm phu. Người giác ngộ biết toàn bộ biển cả là chính mình, bọt nước ấy cũng là chính mình, bọt nước chẳng tách lìa biển cả. Do đây biết rằng: Chúng sanh sở dĩ trở thành chúng sanh là do phân biệt, chấp trước, vọng tưởng tạo ra. Lìa khỏi phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, thì trí huệ và đức tướng của mỗi cá nhân sẽ chẳng khác gì chư Phật Như Lai. Theo kinh Hoa Nghiêm, khi Thích Ca Mâu Ni Phật lúc mới thành đạo, đã rất cảm khái, nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”. Câu nói này rất rõ ràng, lại nói: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”. Khuyết điểm, sai lầm của chúng sanh là do phân biệt, chấp trước hết thảy pháp nên chẳng thể chứng đắc.
Do vậy, Phật pháp từ đầu đến cuối nhằm dạy chúng ta phá trừ chấp trước. Phá được Ngã Chấp sẽ là Chánh Giác, trong Phật pháp gọi là Chánh Giác. Phá được Pháp Chấp sẽ là Chánh Đẳng Chánh Giác. Đoạn sạch hai thứ Pháp Chấp và Ngã Chấp sẽ gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chánh Giác là A La Hán, Chánh Đẳng Chánh Giác là Bồ Tát, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là Phật. Phật, Bồ Tát và phàm phu khác biệt ở chỗ một đằng có chấp trước, một đằng không chấp trước. Người không chấp trước gọi là Bồ Tát, kẻ có chấp trước gọi là phàm phu. Người không chấp trước, tâm to lớn, “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Có chấp trước, tâm nhỏ nhoi. Tâm chấp trước là vọng tâm, là vô minh; tâm không chấp trước là chân tâm, vốn sẵn sáng suốt. Chúng ta phải hiểu rõ những đạo lý này, phải rèn luyện trong cảnh giới hòng mở rộng tâm lượng của chính mình.
( A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không. Tập 6 )