“Y thử kinh trung chủng chủng giáo giới, đoan chánh thân tâm, chỉ ác tu thiện, phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, hoành sanh tứ độ, viên đăng bất thoái, tài thị chân thật kính Phật dã.” “Kính ư Phật giả”, chữ kính này khó biết bao, cúi đầu đảnh lễ chưa được xem là kính, đó chỉ là vỏ ngoài của kính, thật sự phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thật sự vãng sanh, viên chứng bất thoái, viên chứng bất thoái chính là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Mấy câu này từ nông đến sâu, tuần tự tăng tiến. Đầu tiên là những giáo giới trong Kinh, phải đọc Kinh, phải tìm hiểu, từng câu từng chữ trong Kinh phải làm rõ, hiểu rõ, sau đó mới thực hành. Thực hành trước tiên phải đoan chánh thân tâm, thân phải ngay, tâm phải chánh. Nói một cách rõ ràng nhất, đoan thân là phải lễ phép, bây giờ không còn lễ nữa rồi, thân không đoan; trong tâm có vọng niệm, tâm có vọng niệm là tâm bất chánh. Tổ tiên của chúng ta, tuyệt đối không được coi thường Tổ tiên, coi thường Tổ tiên, căn bệnh này của con người thời nay rất phổ biến, cho rằng Tổ tiên không bằng chúng ta, Tổ tiên dùng đèn dầu chứ không có đèn điện, Tổ tiên đi lại bằng xe trâu, xe ngựa, làm gì có xe ô tô như bây giờ ? Cho rằng Tổ tiên kém xa chúng ta, sai rồi, sai trầm trọng. Tổ tiên thông minh hơn chúng ta nhiều, có trí tuệ hơn chúng ta, vì sao ? Tổ tiên đích thực là “đoan chánh thân tâm, chỉ ác tu thiện”, chúng ta không làm được, chúng ta thân bất đoan, tâm bất chánh.
Lấy tiêu chuẩn nào ? Trong Tứ Thư đoạn đầu trong Đại học đã nói : “cách vật chí tri, thành ý chánh tâm”. Làm thế nào để chánh tâm? Phía trước có 3 điều kiện, bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ “cách vật”. Vật là gì ? Vật là dục vọng, cách là chiến đấu, chính là nói Quý vị phải đấu tranh với dục vọng của bản thân mình, phải đánh bại dục vọng, dục vọng của Quý vị bị đánh bại. Con người nếu không có dục vọng, sau khi “cách vật” sẽ được “trí”, trí tuệ của Quý vị sẽ phát triển. Quý vị có dục vọng, chỉ có phiền não, làm gì có trí tuệ? Vì vậy thanh tịnh tâm sanh trí tuệ, đó là “cách vật chí tri”. Sau khi có trí tuệ thì thành ý, thành tâm sẽ được bộc lộ ra; tâm chân thành khởi tác dụng là chánh tâm.
Điều này không phải Đức Phật dạy, là lời của Tổ tiên chúng ta, nói rất cặn kẽ. Chỉ cần có tự tư tự lợi, còn danh văn lợi dưỡng, tâm sẽ bất chánh. Tâm bất chánh, thân sẽ bất đoan, thân có học bao nhiêu quy tắc cũng chỉ là giả, giả vờ thôi, không phải được bộc lộ bởi thành ý, người thật sự có đức hạnh, có học vấn nhìn là biết ngay thôi, giả vờ, không phải là thật. Có bốn chữ “đoan chánh thân tâm” này, Quý vị mới có thể “chỉ ác tu thiện”. Không những không có những hành vi độc ác, mà ý nghĩ độc ác cũng không còn, sẽ rất tự tại, rất vui vẻ! Thuần thiện, chân thành với con người, với sự việc, với loài vật.
A DI ĐÀ PHẬT
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa: [Tinh Hoa Khai Thị 菁華開示 ] Trích đoạn:TĐĐK ~ tập, 515