Đạo Phật

Đường về Phật đạo không dễ như bạn tưởng

Đức Phật và sen
Học, học nữa, học mãi. Câu khích lệ tinh thần của bao sĩ tử từ xưa đến nay. Cũng vì triết lý sống đậm bản sắc hiếu học của dân tộc ta từ xưa mà sản sinh ra cho đất nước rất nhiều những bậc vĩ nhân lỗi lạc vang danh khắp thiên hạ. Nhưng mà khoan. Học gì, thì lại không thấy mọi người nói đến.
Tôi là một đứa rất hay tò mò, ham học hỏi và tìm hiểu những thứ mới mẻ. Ngay từ lúc mới biết đọc, tôi đã ôm cuốn từ điển tiếng việt dầy cộp, nâng niu như kho báu, đến tối là chăng đèn lên giường đọc, sách. Hết sách này đến sách nọ, từ thiên nhiên khoa học, động thực vật, từ sâu thẳm đại dương cho đến tận cùng vũ trụ, trên trời dưới đất tôi đọc hết, với một niềm say mê kiến thức bất tận.
Lớn lên một chút, thì tôi đã được nhồi nhét cho một hệ tư tưởng là đi học để sau này kiếm tiền, không thì cạp đất mà ăn. Nên thôi thì cũng cố mà học. Trải qua các kỳ thi từ tiểu học cho đến trung học thì cuối cùng tôi cũng lết được lên đại học. Và rồi kết thúc sự nghiệp học dang dở, quẳng sách và bút, quá chán nản vì công cuộc học hành chả đâu vào đâu của mình. Tôi tự cảm thấy rằng, học thật là chán. Chả có gì thú vị.
Tôi thường hay đặt ra một câu hỏi, một câu hỏi xuyên suốt thời thơ ấu và cho đến lúc lớn : Ý nghĩa của cuộc sống này là gì ? Phải chăng là cũng như mọi người, sinh ra, lớn lên, lập gia đình, có con và già chết. Một vòng lặp luẩn quẩn quả thực là rất nhạt nhẽo, chả có gì thú vị. Chắc hẳn phải có gì đó hấp dẫn hơn, ẩn chứa đâu đó trong thế giới này mà tôi chưa tìm ra được. Tôi luôn ấp ủ, khao khát một ngày được tìm ra nó, tìm ra sự thật của vũ trụ mênh mông vô tận này, những bí mật thú vị.
Cho đến một buổi sáng mùa đông không đẹp trời cho lắm, tôi vô tình lướt Youtube và giật mình tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của mình. Câu hỏi mà bấy lâu nay, do guồng xoay của cuộc sống, của chuyện tình cảm yêu đương, của công việc, gia đình, xã hội, của những mệt mỏi chán chường mà tôi bỗng quên mất. Ý nghĩa cuộc sống.
Đó là điểm khởi đầu để tôi học đạo. Đạo Phật nói chung, và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng đã chỉ điểm cho tôi một con đường, thắp lên ánh sáng rực rỡ với đầy đủ các sắc màu, khiến tôi như bừng tỉnh khỏi cơn mộng mị sau khoảng thời gian ngủ quên. Càng vào sâu, càng tìm hiểu, càng đọc nhiều, tôi như bị cuốn vào một thế giới Phật pháp muôn màu muôn vẻ, tráng lệ, oai hùng, kỳ bí, rực rỡ mà cũng không kém phần kịch tính.
Và đó là lúc tôi quay lại con đường học, quay lại với đam mê bất tận thủa nhỏ của mình: Học Đạo.
BƯỚC NGOẶT
Có thể bạn đã biết, hoặc chưa biết. Phật pháp rất sâu, vô cùng sâu, với vô số các pháp môn, đường lối, tông sư, thầy tổ, kinh sách, kiến thức. Phải nói là với một người mới tìm hiểu đạo như tôi, dù có một tâm thế nhiệt huyết mãnh liệt khi mới bắt đầu, thì khoảng một thời gian sau, tôi bắt đầu thấy chùn bước.
Ban đầu là tôi tìm hiểu về thiền, vâng và đủ mọi thể loại thiền tôi mò ra, từ thiền chỉ, quán, Vipassana, Tứ niệm xứ, quán hơi thở, khí công, thiền điện nhân, khai mở luân xa, vân vân mây mây. Cũng ngồi bắt chân kiết già, để tay kết ấn, mới đầu thì chỉ được 10 phút là hai cổ chân đau nhức không chịu được, rồi lâu dần cũng quen.
Tôi bắt đầu làm quen với việc quan sát tâm, cũng dần dà cảm nhận được vọng tưởng, suy nghĩ miên man trong đầu. Nhưng một thời gian thì tôi cảm thấy xa vời, không biết tiếp theo thế nào, ngồi đến bao lâu. Đọc các bài viết, hướng dẫn về thiền thì mơ hồ, khó hiểu. Hơi sốt ruột, tôi lại mò sang học Tịnh Độ tông.
Có lẽ có cơ duyên nào đó, những miêu tả về cõi Tây Phương, với những cảnh sắc thù thắng, âm nhạc, mùi hương, ….nó khá giống với một giấc mơ tôi đã từng mơ. Trong giấc mơ đó, tôi đến một nơi có khung cảnh tuyệt đẹp, mỹ lệ, với âm thanh hòa nhã vi diệu, mùi hương nhẹ nhàng thanh tịnh, đất thì mềm mịn như nhung, tôi lướt đi trong hư không như những vị tiên trong phim thần thoại.
Vậy nên tôi có niềm tin tuyệt đối vào pháp môn này không một chút nghi ngờ. Tuy nhiên, tu tập một thời gian thì tôi cảm thấy chán. Nếu cứ hoài niệm Phật rồi vãng sinh tịnh độ, thì cũng chả cần phải đọc gì nhiều, học gì nhiều, mà tính tôi thì lại thích tìm tòi. Vậy nên tôi dừng. (mãi sau này tôi mới biết được pháp môn Tịnh Độ không chỉ có vậy )
Rồi tôi lại tìm hiểu về Mật Tông, những câu thần chú được mô tả là cực kỳ vi diệu, uy lực kinh hồn. Có lẽ tôi cũng may mắn, vì có người quen tu Mật Tông nên tôi cũng cắp sách sang học hỏi được ít nhiều. Những lễ nghi, các giáo lý của các vị Rinpoche, đức Đạt Lai Lạt Ma, các pháp quán đảnh, Du già bổn sư …nhưng rồi tu tập một thời gian, việc trì hoài một vài câu thần chú mà không hiểu ý nghĩa, những lễ nghi quá phức tạp và cầu kỳ khiến một đứa có hơi chút cẩu thả như tôi cảm thấy hơi phiền.
Quả thực lúc đó tôi cảm thấy hơi nản, mặc dù Phật pháp rất thú vị, nhưng mà khó quá. Tu mãi chả hiểu gì, cho dù thời gian đó cũng có chút thành quả ở việc tĩnh tâm, tọa thiền, thuộc nhiều câu thần chú, nhưng mà tôi biết rằng đạo Phật không chỉ dừng lại ở đó. Phải có cái gì sâu xa hơn thế nữa, vi diệu thậm thâm hơn nữa đang chờ đón ở phía trước.
Ở cái thời điểm bối rối và không biết phải làm gì tiếp theo, tôi bỗng nhớ đến một câu nói của cô tôi (người dẫn tôi tìm hiểu Mật tông ) rằng: Hãy phát tâm tìm cầu một vị minh sư, hay một vị thiện tri thức để có thể thắp sáng, dẫn lối trên con đường đạo. Vì vậy tôi phát tâm, cầu nguyện rằng bản thân mình có thể gặp một vị thiện tri thức để có thể hướng dẫn tôi với. Chứ quả thực tôi rối rồi, không biết phải làm gì nữa.
Vào một ngày đẹp trời, tôi vô tình lướt facebook và thấy một bài đăng của anh Quang Tử, muốn tìm một nhóm các bạn trẻ có mong muốn tìm hiểu về Phật pháp. Thú thực thì mới đầu tôi cũng không có kỳ vọng gì nhiều đâu, nhưng vì bản tính hiếu kỳ, thôi thì cứ apply đăng ký xem sao. Và quả thực, vào nhóm một thời gian, tôi như ve sầu thoát xác. Các kiến thức về Phật pháp mà tôi thu gom tích lũy được sắp xếp lại một cách hoàn chỉnh, các pháp môn tu tập bắt đầu hiện rõ ràng trước mặt, nền móng bắt đầu được xây lên. Và lúc đó, tôi chính thức đi sâu vào Đạo.
NHÂN QUẢ – LUÂN HỒI
Bài học đầu tiên chúng tôi được học đó là Nhân quả luân hồi. Lúc mới vào đạo, tôi tìm hiểu rất ít về nhân quả, thực ra cũng không tìm hiểu gì nhiều. Lao đầu vào các pháp môn cao siêu trên ngọn mà chả thu được kết quả gì. Cho đến khi được học về nhân quả, đọc các câu truyện nhân quả, phân tích sâu xa căn nguyên, đường đi của cái quy luật này, tôi mới nhận ra tại sao mà người ta hay gán đạo Phật là đạo của nhân quả.
Quy luật nhân quả thực sự là rất phức tạp, đan xen chồng chéo mà lại hết sức chuẩn xác, chi li từng tí một. Các nhân duyên liên kết nhuần nhuyễn với nhau qua các yếu tố: thân, khẩu, ý, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không gian, thời gian…rất phức tạp và khó hiểu.
Nhưng cũng thật may mắn, Đức Thích Ca Mâu Ni với lòng từ bi vô hạn, vì thương xót chúng sinh mà Ngài đã để lại các câu chuyện, kinh điển, lời dạy ẩn chứa những bài học nhân quả vô cùng quý báu. Phải nói là thực sự quý báu, một kho tàng vô giá không có gì sánh bằng. Giống như bạn lái xe ra đường mà hiểu rõ luật giao thông, hay mua bán đất mà hiểu rõ giấy tờ thủ tục vậy. Bạn khó có thể mắc sai lầm.
Thông qua các câu chuyện nhân quả, kinh điển, chúng tôi đi vào điều tra, săm xoi, bới móc các tiểu tiết, lần tìm manh mối, những dấu vết của luật nhân quả. Những dấu vết tưởng chừng như nhỏ nhưng lại là những manh mối quan trọng để mở toang ra cánh cửa, cho phép ta hiểu rõ cái quy luật Nhân quả rộng lớn bao trùm khắp tận cùng hư không vũ trụ này.
Các bài phân tích được làm đi làm lại, đối chiếu, lập bảng, thống kê, chúng tôi tụm năm tụm ba, suy nghĩ tư duy, vặn hết những gì có trong bộ não toàn bã đậu dưới sự hướng dẫn của anh Quang Tử để tìm ra vấn đề, rút ra kết luật, và đi đến quy luật.
Cho đến hiện tại, khi viết những dòng này, đối với tôi, việc nắm vững quy luật nhân quả cực kỳ cần thiết trong quá trình tu hành. Hiểu rõ luật khiến cho cuộc sống của bạn, hiện tại, tương lai, và xa hơn nữa là vô số kiếp sau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu nắm vững luật nhân quả, bạn sẽ là một nghệ sỹ thực thụ. Nghệ sỹ của số phận. Bạn có thể quy hoạch ra con đường của số phận, tùy ý bạn chọn. Bạn có thể thiết kế một khu vườn tâm thức với đầy đủ các hạt giống thiện căn, mầm cây Bồ Đề và loại bỏ được thứ cỏ dại, cây độc không cần thiết.
Với việc khéo léo quan sát, tính toán, tư duy, phân tích nhân quả thì trí tuệ bạn được khai mở rõ rệt, bạn sắc sảo hơn, tinh tế hơn, óc quan sát nhanh nhạy hơn. Và lúc đó bạn và góc nhìn của bạn về cuộc đời sẽ thay đổi. Khi bạn hiểu rõ được nguyên nhân, bản chất vấn đề, các phiền não sẽ không còn làm ảnh hưởng đến bạn nhiều nữa. Ngay hiện tại, cuộc sống bạn sẽ được lập trình lại, bạn bắt đầu biết cách gieo nhân lành.
Ví dụ: bạn muốn giàu ư ? Hãy bố thí, hay cho đi bằng tất cả tấm lòng và đừng mong cầu báo đáp. Bạn muốn khỏe mạnh, sống lâu ư? Hãy phóng sinh, ăn chay, và cầu nguyện cho chúng sinh nương nơi cửa Phật để giải thoát triệt để khổ đau luân hồi. Bạn muốn trí tuệ ư? Hãy chia sẻ những kiến thức Phật pháp hữu ích, ấn tống. Và bạn muốn thành Phật ư ? Hãy phát Bồ Đề tâm và khiến chúng sinh thành Phật. Bên cạnh đó, bạn càng tin sâu nhân quả thì có cho tiền, bạn cũng không dám làm ác. Giới hạnh của bạn tự khắc vào khuôn.
Luật nhân quả tinh tế, chính xác bao nhiêu thì nó cũng đáng sợ bấy nhiêu. Và rồi tôi nhận ra, chúng sinh rất khổ, khổ vô cùng. Kẹt trong cái luân hồi này mà nếu không biết tu đạo giải thoát thì…như Đức Phật đã dùng từ biển khổ để diễn tả. Khổ không để đâu cho hết.
Vũ trụ này giống như một trại giam, và dùng luật nhân quả để vận hành. Chúng sinh là những tù nhân, những tù nhân đau khổ, đui mù, câm điếc, ốm đau bệnh tật, ngu si, bị kẹt ở trong đó và không thể thoát ra được. Những nỗi khổ cứ hằng ngày dày vò, giằng xéo chúng sinh, người có được chút phước mỏng tuy được sinh cõi trời đi nữa, nhưng rồi cũng bị bào mòn nhanh chóng, người nghiệp nặng thì đau khổ, thậm chí phải thường xuyên vào rồi ra, rồi lại vào các tầng địa ngục, trải qua hàng trăm ức kiếp không thể thoát ra khỏi.
Và bạn biết không, điều đau lòng nhất mà tôi cảm thấy thương xót vô cùng đó là chúng sinh sống trong khổ mà nghĩ là sướng, rồi coi cái yên vui, vắng lặng nơi đạo là khổ, u mê không thuận theo lời Thánh Hiền chỉ dạy, mặc tình phóng túng không biết hối lỗi. Thật là đáng thương xót.
NỀN MÓNG VỮNG CHẮC
Phải nói rằng, với một đứa ưa tìm tòi khám phá như tôi, thì việc loạn kiến thức trong đạo là một điều dễ hiểu. Tám mươi tư nghìn pháp môn, khối lượng kiến thức khổng lồ và đồ sộ, ví như việc xây nhà, nếu bạn không xây được nền móng vững chắc thì sớm muộn có ngày ngôi nhà bạn sẽ đổ sập. Và trong đạo cũng vậy.
May mắn thay, đến với nhóm học đạo, tôi đã được tiếp cận với một pháp môn vi diệu, là nền móng vững như bàn thạch giúp cho việc tu hành trải vô lượng kiếp của tôi trở nên chắc chắn, cũng như kẻ một con đường thẳng tắp đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đó là Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Thật không ngoa khi nói rằng, đây là tinh hoa của Phật giáo đại thừa.
Phát nguyện giống như một lời thề, một lời hứa hẹn đối với chính bản thân mình và với vũ trụ. Khi bạn phát lên lời nguyện và kiên định với nó, có thể sang kiếp sau bạn quên mất lời nguyện đã từng phát. Nhưng hãy yên tâm rằng, một khi bạn đã phát nguyện, thì cho dù bạn có lang thang khắp sáu nẻo luân hồi, cuộc đời của bạn sẽ luôn vận hành theo những lợi nguyện bạn đã phát.
Có thể ví như việc, trong cái dòng chảy sinh mệnh từ vô thỉ kiếp này, bạn tự tay nắn lại dòng chảy của mình. Thông qua thân, khẩu, ý với việc thành tâm phát nguyện, dòng chảy của luân hồi nhân quả của bạn sẽ được thiết lập lại, con đường mới được hình thành, và rồi việc bạn cần làm chỉ là bước đi.
Thật may thay, Bồ Tát Phổ Hiền với đức hạnh không gì sánh, với lòng từ bi và trí tuệ vượt bậc đã tích tập, thu gom lại cốt tủy của toàn bộ con đường tu đạo và dồn nén hết vào mười nguyện này. Mới đầu khi thực hành pháp môn này, tôi có chút mơ hồ, chỉ là phát nguyện, giống như một lời hứa, có gì đâu mà anh Quang Tử lại phải quan trọng đến vậy. Ngày nào cũng vậy, cứ phát đi phát lại hạnh nguyện Phổ Hiền. Nhưng một thời gian sau, khi thấm nhuần tư tưởng của Phổ Hiền Hạnh Nguyện, tôi đã thực sự bất ngờ vì sự vi diệu của pháp môn này, và tôi bắt đầu nhận ra, con đường của lời nguyện.
Ví dụ đơn giản cho dễ hình dung, với lời nguyện thứ nhất: Lễ kính chư Phật. Một Phật tử khi mới bắt đầu vào đạo, việc quan trọng nhất, đặc biệt cần thiết là phải lễ kính đối với vị thầy, hay Đức Bổn Sư của mình. Trước khi tôi phát nguyện, đối với tôi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một nhà triết học, một nhà tư tưởng, một vị giảng sư tuyệt vời, tôi tôn trọng và cung kính Ngài. Nhưng đối với một Phật tử đã xác định đi trên con đường Phật đạo, như thế là chưa đủ. Cho đến khi thực hành phát nguyện một thời gian, tôi mới thực sự hiểu, lễ kính là như thế nào.
Đó là khi, với mỗi lần tôi quỳ xuống chắp tay lạy Ngài, khi năm vóc sát đất, toàn thân tôi rúng động vô cùng bởi sự uy nghiêm, đức hạnh, trí tuệ và lòng từ bi của Ngài.
Đó là khi, tôi gìn giữ, nâng niu tất cả những pháp ngài nói, lời ngài thuyết, từng câu từng chữ, dù chưa hiểu gì, tôi vẫn cố ghi nhớ, lưu lại, và cố gắng áp dụng, vì tôi biết, đó là lời Ngài thuyết ra, và nó là châu báu.
Đó là khi, tôi cố gắng làm theo những lời dạy bảo của Ngài, không dám trái ý, vì tôi biết Ngài chỉ muốn tốt cho tôi. Và đó là khi, với cuộc sống bộn bề lo toan, đầy những cạm bẫy, những cám dỗ cuộc đời, những miệng lưỡi dèm pha, những sự bất công vô lý, tôi vẫn nhẫn chịu, vững bước trên con đường đã chọn, vì tôi biết rằng, Ngài luôn ở bên tôi và sẽ không bao giờ rời bỏ tôi, cũng như các đệ tử của Ngài vậy.
Thực hành một thời gian, tôi nhận ra rằng, một lời nguyện với tâm kiên định, vững chắc sẽ có một sức mạnh lớn, nắn chỉnh dòng chảy của thân và tâm. Dẹp trừ được các tập khí xấu ác, những tam độc hừng hực, những cạm bẫy rình rập, chỉ trực chờ mà ăn tươi nuốt sống bạn. Đó mới chỉ là lời nguyện đầu tiên, còn chín lời nguyện nữa với đường đi nhân quả vi diệu sâu xa vô cùng, kết hợp nhuần nhuyễn, bổ trợ cho nhau, tạo thành một trận pháp vĩ đại khôn cùng.
CÁC PHÁP QUÁN
Bên cạnh phát nguyện, chúng tôi được làm quen với các pháp quán: Quán Vô Thường, Quán Bất Tịnh, Quán Từ Bi. Và khi bắt tay vào thực hành các pháp quán, tôi nhận ra rằng, quán tưởng giống như việc, thay vì bạn dùng đầu ngón tay để chọc thủng miếng vải, rất khó, thì ở đây bạn dùng kim vậy, sẽ dễ xuyên thủng hơn nhiều. Miếng vải dụ cho tấm màn giả dối của xã hội, của bản ngã, của những điên đảo mộng tưởng, ngăn che bạn nhìn ra sự thật, chân lý vũ trụ; còn cây kim dụ cho sự nhận thức, trí tuệ, tư duy, thế giới quan của bạn.
Quán tưởng giúp cho tôi phá màn si mê, u tối, lọc sạch những phiền não, cấu uế của thế gian, như mặt nước trong không chút gợn bẩn, như mặt gương sáng được lau sạch sẽ, tôi nhìn thấy được rõ hơn bản chất của các pháp.
Với việc Quán Vô Thường, tôi dần dần buông bỏ những bám chấp, ham muốn giả tạo của thế gian. Những sự việc khiến tôi bị cuốn vào cái lối sống ô trược đầy thị phi và gian dối này. Vì tôi biết rằng, tất cả mọi thứ đều sẽ hoại diệt, không có gì là tồn tại mãi mãi. Khi ham muốn những thứ vật chất không còn, thì phiền não mỏng dần. Phiền não mỏng rồi, thì thân tâm hoan hỷ, việc tu hành sẽ tinh tấn hơn, quyết tâm hơn, và tập trung hơn rất nhiều.
Quán Thân Bất Tịnh cũng rất tuyệt vời. Phàm những ái luyến, bám chấp, những điên đảo mộng tưởng, những luân hồi trói buộc đều xuất phát từ vô minh. Vô minh là việc chấp cứng vào cái tôi, cho rằng cái thân tứ đại ảo giả, như bóng nước, như sương mai này là của mình rồi chấp chặt vào đó mà tạo ra vô số việc bất thiện mà luân hồi trong sáu nẻo sinh tử mãi không thoát ra khỏi. Quán Thân Bất Tịnh khiến tôi tỉnh táo ra hơn, giảm bớt được sự bám chấp không đáng có này nữa, vì tôi biết rằng, cái thân thể hôi thối này sớm muộn rồi cũng mục tan vào đất, đâu có gì đáng trân quý. Bản ngã theo đó cũng dần tiêu trừ, lửa ái dục dập tắt. Bản ngã giảm thì tâm cung kính tăng, hạn chế được tâm kiêu mạn, loại trừ ghen tị,…
Càng quán sâu, tôi càng nhận ra vấn đề của bản ngã, các tập khí xấu lần lượt hiện ra một cách rõ ràng, bản ngã thì cứ luôn rình rập muốn vùng lên, cực kì khó kiểm soát. Và khi đó, tôi hiểu được rằng, chúng sinh đều đang bị cái bản ngã nuốt chửng không thể thoát ra khỏi.
Về pháp môn Quán Từ Bi, phải nói rằng tâm từ bi là gốc rễ của con đường Bồ Tát đạo. Lấy từ bi làm gốc, Bồ Tát luân hồi trong sáu nẻo đường dữ mà cứu độ chúng sinh. Nếu không có tâm từ bi, con đường tu hành trắc trở sẽ rất dễ thối thất. Và pháp Quán Từ Bi sẽ giúp hình thành nên tâm từ bi. Lợi ích của tâm từ bi thì rất lớn, rất nhiều, sau một thời gian dài kiên trì thực hành pháp quán này, tôi đã có được một số công phu nhất định. Tâm từ bi phát khởi rõ ràng, chắc chắn, duy trì được lâu hơn so với hồi mới tu.
Lòng từ càng lớn thì càng tinh tấn tu học, mong cầu trí tuệ tối thượng để đem an vui, lợi ích cho chúng sinh. Lòng bi càng sâu thì càng thương xót, mong muốn tìm đủ mọi phương tiện, thí xả mọi vật sở hữu để khiến chúng sinh bớt khổ. Lòng từ bi chân thật, rõ ràng thì dụng công tu hành sẽ không hư dối, tương ưng với pháp, tâm Bồ Đề phát khởi mãnh liệt, ví như dòng nước mát thấm nhuần các hạt giống thiện căn, vun bồi và nuôi dưỡng Bồ Đề tâm mau lớn mạnh.
CHÁNH KIẾN
Chánh kiến là gì? Nói đơn giản thì là kiến thức đúng đắn. Đúng là như thế nào ? Là đúng với sự thật, thực tướng của các pháp.
Chánh kiến đứng đầu tiên trong Bát Chánh Đạo, nói lên một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc tu hành, đó là phải có kiến thức đúng đắn. Có Chánh Kiến, sẽ làm bàn đạp cho Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Và Chánh Định. Bánh xe Bát Chánh Đạo lăn chuyển đúng, thì con đường tu hành sẽ thuận lợi, không sai lệch. Nếu không có Chánh Kiến, mà là tà kiến, thì sẽ kéo theo bát tà đạo, dẫn đến sai lệch trên đường lối tu hành. Cực kỳ nguy hiểm.
Xã hội hiện tại đang ở thời kỳ Mạt pháp. Chánh kiến thì ít mà tà kiến thì nhiều. Thực ra, ít ở đây không phải là giáo pháp không còn, thực tế ngược lại, sách vở kinh điển không thiếu, lên mạng search cũng ra cả kho. Nhưng đáng tiếc thay, chúng sinh thời này mắc nghiệp tà kiến nặng, xa rời giáo pháp. Cũng vì nguyên nhân đó, nên anh Quang Tử đã dạy chúng tôi một bài học cực kỳ cần thiết ở thời điểm này. Đó là các phép tư duy.
Một hệ thống tư duy được lập trình lại, logic hơn, chặt chẽ hơn, phức tạp hơn, được gọi là “ Con đường thứ 4 ”. Tuy có chút hại não, nhưng đó lại là chiếc chìa khóa cần thiết để mở con đường chánh đạo rực rỡ đầy lôi cuốn, hạn chế tối đa ảnh hưởng của tà kiến thế gian. Cụ thể thì chúng tôi có rất nhiều bài học, bài tập, làm đi làm lại, với phương pháp dùng bộ 3 bằng chứng – lý luận – quy luật nhằm tìm ra sự thật trong vô số thông tin thật giả lẫn lộn.
Bên cạnh đó còn phải áp dụng các cách tư duy, suy luận, quan sát, lập sơ đồ,… rất nhiều. Càng học cách tư duy, càng có chánh kiến, tôi lại càng thấy, chúng sinh thời này thật mê muội. Mê mà không biết là mình mê, bị dẫn dắt, dụ dỗ như những chú lừa bị buộc vào cối xay và buộc trên lưng cành cây có treo lủng lẳng củ cà rốt. Chú lừa ta cứ mãi chạy đuổi theo củ cà rốt luôn ở phía trước, mệt mỏi và khổ sở không ngừng. Chẳng hề hay biết mình bị biến thành động cơ cho cái cối xay của ông chủ. Thật đáng tiếc.
SỰ NGHIỆP VĨ ĐẠI
Khi xưa, lúc chưa tìm hiểu về đạo Phật, thì tôi nghĩ, đi tu là phải lên chùa gõ mõ tụng kinh, hoặc lên núi ẩn cư như những vị cao tăng ngày xưa, ngày ăn vài cọng rau, uống nước suối cầm hơi. Loanh quanh với cỏ cây núi rừng hay bốn bức tường. Đại khái là một cuộc sống tẻ nhạt, vô vị, xa lánh sự đời. Nhưng tôi đã lầm, sự thật thì ngược lại hoàn toàn.
Đạo Phật không phải là xa lánh sự đời, tận hưởng cuộc sống tĩnh lặng nơi núi non, mà kỳ thực, đạo Phật, đặc biệt là con đường Bồ Tát đạo là lao vào đời. Tôi dùng từ “lao” để miêu tả rõ nét về lòng từ bi, sự dũng mãnh và trí tuệ của chư vị Bồ Tát tu hành theo con đường này. Dẫu biết thế gian là khổ, là đủ những cạm bẫy, ô trược và cực kỳ khốc liệt, nhưng với tấm lòng từ bi sâu xa, gạt bỏ bản ngã, buông bỏ mọi sở hữu mà lao vào biển khổ, hiến dâng thân mình để cứu khổ chúng sinh. Chúng tôi được anh Quang Tử giới thiệu cho con đường đạo khác biệt so với tôi nghĩ ngày xưa, cực kỳ chông gai, hiểm trở, đầy ắp máu và nước mắt. Nhưng thành quả đổi lại là không gì có thể so sánh.
Bắt đầu từ việc up bài trên các trang mạng xã hội, trau dồi kỹ năng đọc, viết, và nhiều kỹ năng khác. Chúng tôI biết được cách đưa giáo pháp đến với mọi người, bắt đầu bằng những câu chuyện nhân quả, từ cơ bản đến phức tạp, rồi luyện viết, làm video, … rất nhiều kỹ năng. Tất cả đều nhằm mục đích phụng sự chúng sinh. Sau đó thì độ khó bắt đầu tăng dần, nhẹ nhàng là các buổi làm Phật sự cúng dường, phóng sinh, ấn tống,.. rồi đến các việc phải cần một chút dũng cảm như đi nghĩa trang cầu siêu… rất nhiều thứ khác.
Mang ơn Đức Thế Tôn thương xót, được lãnh ngộ giáo lý sâu xa vi diệu của Ngài, lòng tôi rất đỗi hạnh phúc và vui mừng cùng cực, cũng chỉ mong đem chút tài hèn, sức mọn này mà phục vụ chúng sinh, báo ơn Như Lai. Cố gắng hoằng dương chánh pháp vi diệu, lan tỏa ánh sáng Phật pháp chiếu rọi khắp nơi, khiến cho tất cả đều được giải thoát.
Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn có dặn dò các hàng đệ tử của Ngài rằng: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đối với tôi, lời căn dặn này có ý nghĩ sâu sắc vô cùng. Càng về sau, thế gian càng thống khổ, con người thì hung hiểm độc ác, tà kiến hừng hực, kẻ làm ác thì nhiều mà kẻ làm lành thì ít, tà sư nhiều không kể hết, con đường tu hành phía trước dự liệu sẽ rất gian nan. Chư hiền Thánh tăng thì cũng đều rời bỏ thế gian dần, biết nghiệp chướng còn nặng, nhân duyên còn sâu dày chưa thể đi được, cho nên tôi cũng tự nhủ bản thân, sẽ cố hết sức mình, thắp lên ngọn đuốc pháp, phá tan u tối, đưa giáo pháp cứu khổ đến khắp tất cả chúng sinh.
Con đường tu hành tương lai chắc chắn sẽ gặp vô số khó khăn và trở ngại. Nhưng chung quy thì có lẽ vẫn nằm trong mấy chữ: nhìn không thấu, buông không đành.
Nhìn không thấu do vẫn còn chấp trước, phân biệt, tà kiến, vô minh…mà không nhận ra được sự thật.
Buông không đành do tập khí hừng hực, vì tham lam, ái dục, đắm luyến si mê vào thế gian mà bị 6 căn dẫn dắt mà tạo vô số ác nghiệp.
Đây hầu như là vấn đề mà ai cũng mắc phải, và cách khắc phục không còn cách nào khác là phải kiên trì, bền bỉ, phát tâm từ bi rộng lớn, phát thệ nguyện sâu rộng, sám hối nghiệp chướng, thân cận thiện tri thức, tu các pháp quán, tạo nhiều công đức, huân tập thiện căn …. dần dần mọi chướng ngại đều sẽ vượt qua được. Tôi tin là vậy.
LỜI KẾT
Cho đến hôm nay ngồi viết những dòng này, ngẫm thấy con đường đạo thời Mạt pháp thật gian nan, chúng sinh u mê tà kiến, tập khí hừng hực thật khó mà nhiếp thọ. Sức bản nguyện của tôi thì yếu kém, thiên căn, phước đức, trí tuệ đều thiếu sót khiến tôi tự cảm thấy tủi hổ đối với bản thân, đối với chư Phật, Bồ Tát và đối với chúng sinh. Tự hứa với bản thân, sẽ phải cố gắng hơn nữa, tinh tấn hơn nữa, để không phụ lòng mong mỏi của Đức Từ Phụ, để có thể góp phần gánh vác sự nghiệp vô thượng của mười phương ba đời chư Phật, để có thể làm con thuyền lớn đưa chúng sinh vượt dòng sinh tử qua đến bờ Niết Bàn.
“Nguyện xin Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thường gia hộ, nguyện xin Đức A Di Đà từ bi nhiếp thọ chúng sinh vãng sinh Cực Lạc quốc, nguyện xin Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai đem nước cam lồ tiêu tai giải nạn, nguyện xin Bồ Tát Quán Thế Âm tầm thanh cứu khổ mỗi khi con khẩn cầu, nguyện xin Bồ Tát Đại Thế Chí thường hộ niệm khi con niệm Phật, nguyện xin Bồ Tát Địa Tạng dũng mãnh tinh tấn nhiếp thọ chúng sinh địa ngục không mỏi nhàm, nguyện xin Bồ Tát Phổ Hiền dẫn dắt con luôn đi theo con đường chánh đạo, nguyện xin Bồ Tát Văn Thù thương xót khai mở con mắt trí tuệ cho con và chúng sinh, và nguyện xin Đức Di Lặc Thế Tôn từ bi dìu dắt vô lượng chúng sinh thoát luân hồi sinh tử”.
(Nhã Phong)
_________________
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *