Đọc Kinh là phương pháp tốt nhất tu chánh tư duy của chúng ta, đặc biệt là đối với người căn tánh trung hạ, nên bắt tay từ đọc tụng, thọ trì.
Sau khi đọc rồi phải hiểu rõ ý nghĩa ở trong Kinh. Không có người giảng không sao cả, người xưa thường nói: “Đọc sách ngàn lần sẽ tự thấy nghĩa”. Hằng ngày niệm, không có vọng tưởng, không có tạp niệm, chúng ta gọi là chuyên tâm niệm Kinh, niệm lâu rồi trí tuệ sẽ mở thôi.
Tại sao vậy?
Niệm lâu rồi thì tâm sẽ được định, tâm đã thanh tịnh rồi. Bởi vì bạn chuyên tâm tụng Kinh, ở trong đây không xen tạp vọng tưởng, không xen tạp phân biệt, chấp trước, tụng Kinh sẽ được định. Đây là một phương pháp tu định.
Sau khi tâm thanh tịnh rồi thì ý nghĩa ở trong Kinh dần dần sẽ sáng tỏ, chúng ta “sẽ tự thấy nghĩa”. Sau khi sáng tỏ, chúng ta nhất định phải làm theo, nhất định phải kiên trì y giáo phụng hành. Đây gọi là “thọ trì”. Thọ trì là tự lợi, bản thân chúng ta có được lợi ích. Sau khi bản thân có được lợi ích rồi, nhất định phải đem lợi ích này hưởng chung với người khác. Đó chính là “vì người diễn thuyết”.
Ở trong “diễn thuyết”, quan trọng nhất là diễn. Diễn là gì vậy? Bản thân ta làm được rồi thì biểu diễn cho người khác thấy. Sau khi làm được rồi thì mới nói. Phật đem “diễn” để ở phía trước, “nói” để ở phía sau. Ngài không hề nói là “thuyết diễn”, mà nói là “diễn thuyết”. Vì người diễn thuyết, đây chính là tự lợi lợi tha, công đức vô lượng vô biên.
Học Phật, nếu như kiến giải, tư duy của chúng ta bất chánh thì toàn bộ phía sau đều không có.
Tại sao vậy?
Vì không có căn, cho nên bất kể tinh tấn dụng công tu trì như thế nào cũng đều rơi vào đường ma chứ không phải Phật đạo. Tâm bất chánh, trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhân địa không thật, chiêu quả khúc khuỷu”, rơi vào ma đạo, không phải Phật đạo. Điều quan trọng nhất là nhân phải chánh.
Trích từ: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo Giảng Giải
Lão Pháp Sư Tịnh Không chủ giảng (Tập 71)