Thị cố ngã kim đối Phật Thế Tôn, cập thiên long bát bộ nhân phi nhân đẳng, khuyến ư Diêm Phù Đề chúng sanh, lâm chung chi nhật thận vật sát hại cập tạo ác duyên, bái tế quỷ thần cầu chư võng lượng.
Đây là Địa Tạng Bồ Tát đại từ đại bi nói ra những chân tướng sự thật này cho chúng ta. Sau đó chúng ta mới biết có nhiều cách làm trong dân gian vô cùng bất lợi cho người mất, chẳng giúp ích gì cho họ, lại còn tăng thêm tội nghiệp của họ, làm như vậy thì rất tàn ác. Bồ Tát ở trước Thế Tôn, trong hội còn có “thiên long bát bộ, nhân phi nhân đẳng” để cho họ làm chứng, chứng minh lời nào của Địa Tạng Bồ Tát cũng đều chân thật. Tại sao Ngài chẳng nói chư Phật Như Lai và đại Bồ Tát đến chứng kiến? Chư Phật Như Lai, đại Bồ Tát hiểu rõ, biết quá rõ. Để các vị trời, quỷ thần đến chứng minh, khuyên răn hướng dẫn chúng sanh ở Diêm Phù Đề phải cẩn thận trong ngày lâm chung, tuyệt đối không được sát sanh, tuyệt đối không được tạo ác duyên. Cho nên khi một người qua đời, trong lúc lo hậu sự cho người ấy, người ta mời người nhà, thân quyến, bạn bè của họ, trong lúc tụ hợp lại phần nhiều đều sát sanh, ăn thịt, cúng tế quỷ thần, hết thảy đều là tạo tội nghiệp, đây là việc chúng ta thường thấy ở mọi nơi. Chúng ta muốn vì người mất cầu phước, nhưng lại sát hại chúng sanh để tế lễ, chúng ta suy nghĩ chính chắn coi, có phải là sợ người mất này lúc còn sanh tiền chưa tạo đủ sát nghiệp, còn phải giúp họ tạo thêm một chút, không phải là có ý nghĩa này hay sao? Chỉ sợ họ đọa lạc chưa sâu lắm, còn muốn đẩy họ xuống sâu thêm một chút, đều làm những chuyện như vậy, tuyệt đối là hoàn toàn sai lầm, [chúng ta] nên suy nghĩ thêm về đạo lý này.
(Lược Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – Quyển Hạ -Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Tập 26 PHẨM THỨ BẢY: LỢI ÍCH CHO KẺ CÒN NGƯỜI MẤT – Trang – 21- 22)