Chúng ta lại đọc tiếp, “thị cố nguyện sanh bỉ An Lạc Tịnh Độ giả, yếu phát vô thượng Bồ Đề tâm dã. Nhược nhân bất phát vô thượng Bồ Đề tâm, đản văn bỉ quốc độ thọ lạc vô gián, vị lạc cố nguyện sanh, diệc đương bất đắc vãng sanh dã” (vì thế, kẻ nguyện sanh về cõi An Lạc Tịnh Độ kia, phải phát vô thượng Bồ Đề tâm. Nếu ai chẳng phát vô thượng Bồ Đề tâm, chỉ nghe trong cõi kia hưởng sự vui chẳng gián đoạn, vì [ham chuộng] vui sướng mà nguyện vãng sanh, cũng chẳng thể vãng sanh). Chúng ta phải nhớ kỹ câu này, nghe nói cõi nước ấy quá tốt đẹp, nhưng ta chẳng phát tâm độ chúng sanh, chỉ vì thế gian này quá khổ sở, ta đến đó hưởng lạc, thế giới ấy quá tốt đẹp, vô cùng hâm mộ, như vậy thì có thể vãng sanh hay chăng? Chẳng thể vãng sanh! Vì chẳng tương ứng với bổn nguyện của A Di Đà Phật, mà cũng chẳng tương ứng với nguyện vọng của tất cả những người đã vãng sanh thế giới Cực Lạc; do vậy, quý vị không đi được. Đây là nói về tầm quan trọng của nguyện thứ mười chín của A Di Đà Phật, trọng yếu hơn bất cứ điều gì khác, chẳng thể xem nhẹ!
Nguyện mười tám là “mười niệm ắt sanh”, nguyện mười chín là “phát Bồ Đề tâm”. Bồ Đề tâm là gì? Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy Bồ Đề tâm có ba ý nghĩa. Thứ nhất là chí thành tâm, đây là Thể của Bồ Đề tâm, chân thành. Thứ hai là thâm tâm, tức tâm sâu hay cạn. Thâm tâm là Tự Thụ Dụng. Trong tựa đề kinh nói tới thanh tịnh tâm, bình đẳng tâm và giác tâm. Ba món này là Tự Thụ Dụng Bồ Đề tâm. Nói cách khác, chính mình hằng ngày tu hành, cũng có nghĩa là trong cuộc sống, trong công việc, xử sự, đãi người, tiếp vật, đều phải dùng tâm “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, đấy là Tự Thụ Dụng. Tâm thứ ba nhằm dành cho người khác, chúng ta dùng tâm gì để đối đãi người khác? Hồi hướng phát nguyện tâm. Hồi hướng phát nguyện là đại từ đại bi, giúp hết thảy chúng sanh nhận biết Tịnh Độ, liễu giải Tịnh Độ, và cũng phát tâm cầu sanh Tịnh Độ giống như chúng ta. Đó gọi là hồi hướng phát nguyện tâm. Ba tâm này là một tâm, chẳng phải là nói có ba tâm, mà chúng là một tâm, nhất tâm. [Nói ba tâm là nói tới] Thể và Dụng của một tâm, trong Dụng lại chia thành hai loại: Tự Thụ Dụng và Tha Thụ Dụng. Phàm là người tu Tịnh Độ, nếu không có ba tâm ấy, dẫu niệm Phật hiệu giỏi giang cách mấy, vẫn chẳng thể vãng sanh! Phải ghi nhớ điều này!
Ở đây, nói rất rõ ràng: Nếu chẳng phát Bồ Đề tâm, sẽ không thể vãng sanh, có thể thấy phát tâm trọng yếu. Ngẫu Ích đại sư nói rất hay: Có thể vãng sanh hay không được quyết định bởi có tín nguyện hay không! Quý vị có tin Tịnh Độ hay không? Quý vị có phát Bồ Đề tâm hay chăng? Chỉ cần quý vị tin tưởng Tịnh Độ, phát Bồ Đề tâm, chắc chắn được vãng sanh. Công phu niệm Phật sâu hay cạn [quyết định] phẩm vị sanh về thế giới Cực Lạc của quý vị, phẩm vị cao hay thấp khác nhau. Công phu niệm Phật sâu, phẩm vị sẽ cao; công phu kém hơn một chút, phẩm vị sẽ thấp. Trong hai thứ này, thứ nào trọng yếu? Phát tâm trọng yếu. Thật sự phát tâm, cổ đại đức bảo: Mỗi ngày quý vị tu pháp Thập Niệm là được rồi. Cả đời chẳng gián đoạn, sáng tối mỗi ngày, buổi sáng thức dậy bèn niệm Phật mười tiếng, buổi tối đi ngủ niệm Phật mười tiếng, mỗi ngày chẳng gián đoạn, cả đời chẳng gián đoạn, đấy là “tịnh niệm tiếp nối”. Quý vị thấy pháp môn này dễ lắm, đơn giản lắm, đúng như Thiện Đạo đại sư nói: “Vạn người tu, vạn về”, chẳng sót một ai!
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 23.