Trong Phật môn không có đối lập, mâu thuẫn, hay xung đột. Người khác đối lập, mâu thuẫn, xung đột đối với ta, ta đối với người ấy chẳng có, đừng nên đòi hỏi người khác đối xử tốt đẹp với chính mình, mà phải đòi hỏi ta đối đãi người khác như thế nào thì quý vị mới có thể thành tựu trong Phật Pháp. Đòi hỏi người khác đối xử với ta như thế nào, trật rồi! Đó gọi là gì? Cầu pháp ngoài tâm, biến thành ngoại đạo. Phật Pháp cầu trong tự tâm, chẳng cầu ở bên ngoài, vì sao? Tâm có thể chuyển cảnh giới. Thí dụ như người khác hủy báng, lăng nhục, hãm hại ta, kẻ chẳng học Phật bèn nói: Đó là kẻ oan gia đối đầu của ta, ta phải trả thù hắn, khởi lên ý niệm ấy. Ý niệm ấy sai lầm, do chẳng biết Tự và Tha là nhất thể. Quý vị báo thù lần này, oan oan tương báo, luân hồi trong lục đạo chẳng xong, khổ chẳng thể nói nổi, trật rồi! Người giác ngộ sẽ như thế nào? Người giác ngộ biết ta và kẻ khác là nhất thể, kẻ khác hủy báng, làm nhục, tổn hại ta là vì kẻ ấy mê, chẳng giác, hãy nên tha thứ, chẳng có dấu vết gì, chẳng cần nói là tha thứ, dấu vết gì cũng không có, vẫn hoan hỷ đối với kẻ ấy. Kẻ ấy là gì? Bồ Tát. Lại suy nghĩ sâu xa hơn, người ấy tạo lợi ích cho ta, là ân nhân của ta. Kẻ ấy hủy báng ta, coi thử ta có phải là chẳng khởi tâm động niệm hay chăng? Ta chẳng khởi tâm động niệm là ta được nâng cao. Người ấy giúp ta nâng cao, ta đã vượt qua cửa ải khảo thí ấy. Kẻ ấy hãm hại ta, ta chẳng có chút tâm oán hận nào. Chư vị đọc kinh Đại Thừa thấy khi Thích Ca Mâu Ni Phật tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, Ngài được gọi là Nhẫn Nhục Tiên Nhân, gặp vua Ca Lợi cắt chặt thân thể, đó là chuyện thê thảm, đau đớn dường ấy. Thích Ca Bồ Tát chẳng có mảy may tâm oán hận nào, lại còn bảo vua Ca Lợi: Trong tương lai, tôi thành Phật sẽ độ bệ hạ đầu tiên, vì sao? Báo ân bệ hạ. Vì bệ hạ đối xử tử tế với tôi như vậy, khảo nghiệm xem tôi có tâm nhẫn nhục hay không, tôi có thể nhẫn. Tốt nghiệp Nhẫn Nhục Ba La Mật, ải cuối cùng đã tốt nghiệp rồi. Chịu nổi khảo nghiệm, phàm những ai đến khảo nghiệm đều là ân nhân. Tất cả hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, hễ có hình tướng đều là hư vọng, quý vị chấp trước chúng để làm gì? Sai lầm rồi! Thảy đều buông xuống, ai cũng là người tốt, chuyện gì cũng là chuyện tốt, lẽ nào quý vị chẳng sanh tâm cảm ơn?
Thật sự học Phật, đối với bất luận kẻ nào cũng đều cảm ơn, kẻ ấy đối xử tốt với ta, ta cảm kích kẻ ấy; kẻ ấy đối xử xấu với ta, ta cũng cảm kích kẻ ấy, đều là giúp ta nâng cao. Người đối xử tốt với quý vị, chẳng tham luyến sự tốt đẹp ấy, sẽ đoạn gì? Đoạn phiền não, đoạn tham luyến, tham ái. Kẻ xử tệ với quý vị, giúp quý vị đoạn sân khuể. Ở chỗ này, tùy thuộc quý vị buông xuống tham, sân, si bao nhiêu, thật sự buông xuống, giống như chẳng có chuyện ấy. Nếu quý vị hãy còn đôi chút oán hận, chẳng buông xuống, trong thuận cảnh còn hoan hỷ đôi chút, chưa buông xuống. Mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn được gọi là thất tình, ngũ dục, đó là phiền não, phải rèn luyện trong hoàn cảnh, tức hoàn cảnh nhân sự quan hệ giữa con người với nhau và hoàn cảnh vật chất, luyện tới mức chẳng sanh phiền não, tâm bình, khí hòa, giống như trong tựa đề bản kinh này, tâm thanh tịnh hiện tiền. Kẻ khác đối với quý vị tệ bạc như thế ư? Đại ân, đại đức! Quý vị còn muốn trả thù bậc đại ân đại đức, xong luôn! Vẫn phải tiếp tục luân hồi trong lục đạo! Khi nào sẽ có thể thoát ra? Khi nào gặp những chướng nạn, gặp những khảo đảo, tâm bình, khí hòa, sẽ có thể thoát ra. Vì vậy, người tu hành sống ở đâu? Vĩnh viễn sống trong thế giới cảm ơn. Trong thế giới này, chẳng ai đối với quý vị chẳng khởi tác dụng, chẳng có ai không giúp đỡ, thành tựu quý vị, tùy thuộc quý vị có hiểu hay không, có nhận biết hay không?
Trích đoạn: Tịnh Độ Đại Kinh, giải diễn nghĩa.
Tập 83
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng