Khi xưa đức Khổng Tử và đồ đệ bị giặc vây giữa nước Trần và nước Thái, thầy trò tuyệt lương đã 7 ngày, song Ngài vẫn ngày ngày khẩy đàn vui cười. Tử Cống thấy thế mới hỏi rằng:
– Tại sao gặp hoàn cảnh sống chết không định ngày, mà phu tử hãy còn vui cười được?
Ngài đáp rằng:
– Việc gì ta đã cố gắng hết sức để làm rồi mà vẫn xẩy ra chuyện không như ý, thì đều là do mệnh trời, dù có buồn rầu khóc thương cũng có ích gì?
Đức Khổng Tử đã hiểu rõ ràng mình bạch, do đời trước tạo nhân không thiện, nên đời này mới cảm thọ lấy quả báo không tốt. Vì thế nên Ngài an nhiên tự tại mà đền trả cái quả báo này, không một chút oán Trời trách người.
Vậy còn chúng ta thì sao? Cũng không ngoại lệ, những quả báo dù là thiện, là ác mà ngày hôm nay chúng ta nhận chịu đó đều là do cái nhân là thiện, là ác chúng ta đã gieo trong đời quá khứ. Chứ chẳng phải do quỷ thần thêm cho chúng ta, cũng không phải Phật, Bồ Tát, không phải Thượng Đế hay Diêm Vương mang đến cho chúng ta. Đây chính là tự làm tự chịu.
Chúng ta chỉ khi nào thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật này rồi, thì lòng mới có thể bình thản trong mọi hoàn cảnh. Tuy gặp phải tai hoạ cũng quyết không oán Trời trách người. Dù bị người sĩ nhục, bị người hãm hại cũng quyết không oán giận. Vì sao? Vì biết đây chính là quả báo. Khi xưa là do tôi đã đắc tội với người, nên nay người tìm đến để đắc tội lại với tôi. Nếu trước đó tôi không hại người, thì ngày nay làm sao có người đến hại tôi được chứ?
Cho nên, khi gặp phải những quả báo không như ý, chúng ta hãy cứ hoan hỷ mà nhận chịu, hoan hỷ mà trả nợ cho người. Nợ mạng thì đền mạng, thiếu tiền thì trả tiền, kết toán nợ nần xong xuôi rồi thì tâm chúng ta liền được tự tại.
Đừng bao giờ nghĩ rằng, chúng ta làm việc ác với người để kiếm chút ít lợi lộc, chiếm chút ít tiện nghi của người, sau này nợ nần có muốn không trả cũng chẳng sao. Nói thật, đây chỉ là tự mình gạt mình mà thôi. Vì sao? Vì ngày hôm nay ta không trả thì ngày mai vẫn phải trả. Ngày mai không trả thì năm sau cũng phải trả. Đời này không trả thì đời sau vẫn phải trả. Đời sau không trả thì đời sau nữa cũng vẫn phải trả. Nhân-Quả là thông 3 đời, chúng ta làm sao có thể chạy thoát chứ? Trốn không thoát đâu.
Trong Kinh, Phật nói cho chúng ta biết:
– Dù bạn đã thành Phật, đến lục đạo thị hiện để hoá độ chúng sanh, cũng không thể thoát khỏi nghiệp báo của đời trước.
Nếu đã trốn không thoát, vậy thì cứ an nhiên mà sống, vui vẻ mà trả nợ, nợ trả xong rồi thì phước lộc, an vui liền đến.
A Di Đà Phật!
– Pháp sư Tịnh Không-