Người xưa nói: “Xử sự khó, đối xử với người còn khó hơn”. Con người là phàm phu, tâm người biến đổi muôn vàn, tâm niệm của phàm phu thay đổi tùy theo cảnh giới thì giao thiệp, tiếp xúc đương nhiên sẽ khó khăn, nguyên tắc duy nhất chính là nhường nhịn.
Phải mở rộng tâm lượng của mình, tập tánh dung hòa, tập nhường nhịn, tránh hết thảy xung đột, va chạm, hộ trì tinh thần giới luật của đạo tràng “Lục Hòa Kính”. Hộ trì Lục Hòa Kính tức là nhường nhịn, nếu chẳng thể nhẫn, chẳng thể nhường thì hòa kính sẽ bị phá hoại, trong giới luật gọi là “phá hòa hợp tăng”.
Tội phá hòa hợp tăng là một trong năm tội ngũ nghịch, đây là nghiệp nhân đọa địa ngục A Tỳ.
Trong năm tội ngũ nghịch, bốn tội kia chẳng dễ phạm đến, chỉ có tội này dễ phạm nhất, vả lại còn phạm một cách vô cớ, phạm rồi mà người đó chẳng hay biết, chỉ có người một lòng hướng về đạo, người có thể nhường nhịn mới tránh khỏi mà thôi.
Giống như lời của Lục Tổ: “Nếu là người tu đạo chân chánh thì chẳng thấy lỗi của người khác”. Họ chỉ vì việc lớn sanh tử nên luôn giữ tâm cảnh giác cao độ. Một lòng một dạ muốn liễu sanh tử, xuất tam giới, hết thảy việc trong thế gian đều chẳng liên can gì với họ. Cảnh thuận, cảnh nghịch gì cũng tùy thuận vì họ coi việc liễu sanh tử là quan trọng nhất.
Người niệm Phật chúng ta đem việc vãng sanh làm việc quan trọng hàng đầu, trừ việc cầu vãng sanh chẳng có việc gì khác đáng giữ trong tâm.
Người chân chánh từ bi gặp đồng tham đạo hữu vi phạm quy củ, phá giới, làm việc ác, không những phải bao dung nhẫn nại mà còn phải dùng trí huệ, thiện xảo cảm hóa họ, như vậy mới là đại từ đại bi.
Trích sách : Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm.
HT. Ân Sư
A Di Đà Phật xin thường niệm