Hôm nay chúng tôi sẽ nói một số cách thức tu hành phổ thông, Phật tử tùy theo căn cơ, sở thích mà tự chọn pháp tu thích hợp với mình. Được vậy công phu mới tinh tấn liên tục, niềm tin vững chắc, không bị lay chuyển bởi bất cứ trở lực nào bên ngoài.
Nói về những điều kiện tu hành, người xưa thường dạy chúng ta, thứ nhất là không sợ sệt. Dù mình thấp kém, nghèo khó hơn người nhưng một khi đã nhận được pháp tu rồi, vững tin Tam Bảo thì không sợ sệt gì hết. Từng bước, từng phút giây ta thực hiện công phu tu hành. Hiện tại con người có nhiều thứ để sợ quá. Cái làm cho chúng ta sợ nhất là chết. Cho nên anh em chúng tôi hay nói với nhau “Chết không sợ thì thôi, không sợ gì hết”.
Quả thật như vậy, ai cũng sợ chết. Người con Phật không sợ chết thì nhất định không sợ những thứ gì khác. Trong cuộc đời này, cơm ăn, áo mặc, danh vọng, tiền tài, sắc đẹp là những thứ mà con người ngược xuôi cả đời tìm kiếm đuổi bắt. Cũng từ đó mà phát sinh ra đủ thứ lo sợ. Sợ thiếu cái này, mất cái nọ v.v… Phật tử phải là người bình tĩnh hơn ai hết, tự nghiệm lại mình xem ta cần phải chuẩn bị những gì.
Thật ra danh vọng, tiền tài, giàu nghèo đẹp xấu, thân bằng quyến thuộc có mất đi chưa phải là cái đáng sợ. Còn một cái quan trọng nhưng chúng ta xem thường, cứ để thời gian qua, không chịu chuẩn bị. Đó là gì? Như các Thiền sư nói đến đêm ba mươi tối, ta phải từ giã tất cả người thân, bỏ lại những gì đã từng ôm giữ, quý mến. Lúc ấy ta không còn giữ được sự chủ động về thân này, tâm này, hà huống là những thứ chung quanh. Nếu có sợ thì nên sợ phút giây đó. Cho nên người ta sợ chết cũng phải. Bởi chưa chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi nguy hiểm, mà chỉ có một mình mình thôi. Đi bằng nghiệp lực, bằng phúc báu hoặc những vốn liếng gì ta đã tạo lúc sinh tiền. Chỉ người nào đã chuẩn bị sẵn sàng, không thiếu gì cả, đầy đủ tư lương và biết rõ con đường mình đi thì mới không sợ.
Vậy thì những tư lương ấy là gì? Là nghiệp là phúc, là tất cả những công đức do sự tu tập liên tục của chúng ta. Nếu có công đức thì ta vượt qua chỗ tăm tối đã không làm cho mình phải sợ sệt. Muốn có các thứ tư lương ấy thì ngay trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta phải chuẩn bị. Phật dạy làm lành lánh dữ chính là chỉ dẫn cho chúng ta cách tạo vốn liếng, tư lương để dành lúc ra đi không bị sợ hãi vây khốn. Do đó giáo lý nhân quả trong Phật giáo là nền tảng căn bản cho Phật tử tu tập.
Chúng ta phải nắm vững, hiểu rõ và liên tục tu hành mới có đầy đủ công đức. Khi hiểu được Phật pháp rồi, quan trọng là sự hành trì liên tục, tinh tấn. Không thể một nắng mười mưa, hôm nay siêng ngày mai lười nhác mà được kết quả tốt đẹp. Người có tâm dễ duôi xem thường như thế, dù trải qua ba bốn mươi năm tu hành cũng chẳng được kết quả gì. Có những vị tu hành cũng năm mười năm, thậm chí hai ba mươi năm cũng chưa hết sân. Một quá trình tu tập dài như thế mà vẫn còn đầy dẫy phiền não, thì thử hỏi người ấy tu cái gì? Cho nên điều này, mỗi chúng ta cần phải kiểm nghiệm lại chính mình, xem cách thức tu hành ra sao, kết quả thế nào? Tự vấn như thế đôi khi giúp ta có tỉnh.
Nếu sợ, ta nên sợ những điều này. Sợ sự tăm tối của vô minh điên đảo, sợ không kiểm soát được những thói hư tật xấu của mình, để nó tạo nghiệp lẫy lừng, sợ sự cố chấp ngông cuồng của chính ta. Chúng ta phải biết sự hiện diện của mình đây là do nghiệp báo đời trước. Nghiệp báo ấy chỉ có công phu tu hành mới giải tỏa nổi thôi. Nếu không chịu tu thì ta cứ cụng đầu trả vay nợ nần mãi thôi. Cho nên chỉ người tu mới có đủ lực hóa giải nghiệp báo. Ta chuẩn bị là chuẩn bị tu tập như vậy.
Nếu tư lương đã đủ, sự chuẩn bị đã kỹ càng thì ta không sợ gì nữa hết. Tu là đầu tư lực dụng, trí tuệ để phá tan tất cả si mê điên đảo của chính mình. Bởi nghiệp lực không thể dùng danh vọng tiền tài khống chế được. Danh vọng tiền tài đắp vô càng làm nó tăng trưởng dữ dội. Chỉ có định tuệ và sự tu hành tinh tấn liên tục mới trừ khử những điên loạn của chúng ta.
Người hiểu đạo, biết lo cho mình rồi sẽ thấy không đủ thì giờ, để làm việc gì gì nữa cả. Vì tất cả đều tập trung vào chủ đề duy nhất là làm sao tiêu vọng hoặc điên đảo trong lòng mình. Ngày nào chưa dẹp được nó thì ta phải sợ, vì nó sẽ dẫn mình đi trong những chỗ tối tăm đau khổ. Ngày xưa, dòng họ Thích Ca phải chịu đại nạn bị vua Lưu Ly giết sạch, đức Phật đã không ngăn nổi vì đó là nghiệp của họ Thích đã gây tạo. Đến lúc phải trả, không ai có thể cứu được, ngay cả bậc Vô thượng như Phật cũng đành bó tay.
Nói thế để trở về vấn đề nghiệp, vấn đề nhân quả. Đây mới là những vấn đề chúng ta phải đầu tư lo sợ, chuẩn bị cho mình. Bởi trên mặt nghiệp thì không ai có thể thay thế cho ai được. Chí thân như cha mẹ, anh em, hay thầy tổ chúng ta tu hành đắc đạo cũng không thể cứu vớt được mình. Ngoài đời cũng thế, ví dụ người giàu có muôn hộ, mà con cháu nhậu nhẹt, hút xì ke ma túy, cuối cùng chúng phải vào khám đường thôi. Nếu nó chịu cải tạo thì có ngày được trở về với cha mẹ, trái lại nếu không chịu cải tạo thì cuộc đời kể như đi đứt, không còn gì để nói nữa. Tu hành cũng vậy, bản thân ta không chịu tu sửa, chuẩn bị cho mình thì nghiệp quả phải tự chuốc lấy.
Cho nên mỗi người cần ý thức, tự lực bảo trì, lo lắng cho mình, không đổ thừa cũng không nhờ vả ai. Đức Phật, thiện hữu tri thức chỉ là người nhắc nhở, hướng đạo, còn tự thân chúng ta phải thực hành, chuyển đổi những nghiệp xấu thành tốt. Từng bước tu sửa như vậy, lâu ngày tích lũy thiện nghiệp thì ta sẽ được hưởng quả an vui.
Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương đãù nêu lên một ví dụ như vầy: “Như có một khúc gỗ trôi trên dòng sông theo thủy triều lên xuống không dừng. Muốn cho khúc gỗ ấy trôi tới bến đỗ, thì phải đủ những điều kiện thế này: Đừng mục nát giữa chừng, đừng tấp bên này hoặc bên kia, đừng bị nước xoáy nhận chìm, đừng bị người vớt lấy. Với những điều kiện đó, bảo đảm khúc gỗ ấy sẽ trôi được tới bến”.
Cuộc đời tu hành của chúng ta cũng vậy, muốn tu tới nơi tới chốn, được dự vào dòng Thánh, được an vui vĩnh viễn thì phải như khúc gỗ Phật đã dạy. Nghĩa là đừng tấp bờ bên này hay bờ bên kia, vì tấp bên nào cũng bị người ta vớt lấy, hoặc bị kẹt trong các lùm bụi. Hai bên bờ không phải là nơi yên ổn cho chúng ta, đó là điều hẳn nhiên rồi. Kế nữa là giữ đừng để mục rã, tự mình đừng gây tạo nhân gì làm thối hóa tâm Bồ Đề, làm tan vỡ niềm tin đối với Phật pháp, đối với Tam Bảo. Đó là những điều cần thiết chúng ta cần phải nhớ.
Đối với những trở lực chung quanh, nếu không biết tu, không sáng suốt bình tĩnh, chúng ta sẽ đổ thừa tại cái này, tại cái kia, tại hoàn cảnh hay tại thầy lôi thôi, tôi tu không được… đủ thứ “tại”. Những dòng nước xoáy ấy nhận chìm mình không hay vì ta chỉ hướng ra bên ngoài. Người tu phải sáng suốt, vững tin hơn ai hết, tinh tấn liên tục, sáng suốt liên tục, không để lầm bất cứ thứ gì, dành lấy thế làm chủ cho mình. Những cái “tại”, “bị” chung quanh chúng ta phải dùng ánh sáng trí tuệ, thiền định mà phá tan hết.
Niềm tin là một yếu tố quan trọng trong việc tu đạo của chúng ta, nhưng phải tin như thế nào mới đúng? Trước hết là tin mình có khả năng thành Phật. Chư Phật tu thành Phật, chư Thánh tu thành Thánh, thì không lý do gì chúng ta tu không thành Phật. Các Ngài cũng là con người, các Ngài tu được, chúng ta cũng là con người nên cũng phải tu được. Nếu mình luôn thắp sáng ý thức ấy, trí tuệ ấy thì tâm Bồ Đề không bao giờ bị lui sụt và nghiệp lực không còn là vấn đề đáng sợ nữa.
Người Phật tử phải gan dạ, dũng mãnh khắc phục tất cả trở lực chung quanh. Ai đi không nhanh thì đi chậm, chớ nhất định không dừng bước hoặc bỏ cuộc. Chúng ta nên nhớ điều này, hễ có đi thì có tới, chỉ trừ khi ta đứng ì một chỗ thì không tới đâu hết. Chúng ta là những người đang đi, quyết đi và nhất định phải đi đến nơi. Phật nói tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành, nếu chúng ta đứng ì một chỗ thì câu nói của Phật sai mất. Nói sẽ thành Phật mà không chịu tu làm sao thành được. Thế nên ai không tu là vô tình làm cho lời nói của Phật giảm giá trị. Nói đủ là thế này, tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật nếu sửa bỏ tham sân si, những nghiệp tập điên đảo loạn tưởng của mình.
Chúng ta tu để phát triển trí tuệ, gầy dựng chủng duyên Phật thì xin nhớ cho, đừng bao giờ để các duyên bên ngoài tác động làm cho trí tuệ, chủng duyên ấy tắt ngủm. Bởi chỉ có trí tuệ mới giải quyết được tất cả. Cho nên dù gặp bất cứ duyên thuận nghịch thế nào, làm ảnh hưởng đến việc tu tập, chúng ta nhất định gác qua một bên, quyết tâm tu đạo đến nơi đến chốn. Vì thế Phật dạy đừng để khúc gỗ bị người vớt đi. Nhiều vị chủ quan, hơi xem thường ngoại duyên, để rồi cuối cùng bị mất mình bởi các duyên đó.
Đức Phật trải qua ba A tăng kỳ kiếp khổ cực, chịu đựng tất cả mọi gian nan mới thành tựu được giác ngộ giải thoát. Ngài truyền dạy lại cho chúng ta pháp tu để an vui như Ngài. Thế nên trong quá trình tu học, chúng ta đã đốt được một đoạn đường quá dài. Nếu nửa chừng đổ vỡ thì thật uổng phí biết bao!
Khi thấu suốt được thực tướng của các pháp, đức Thế Tôn cho chúng ta biết tất cả các pháp trên thế gian đều là tướng duyên hợp, không thật, chớ khổ nhọc theo đuổi nắm bắt nó nữa. Vì lâu nay thấy thật nên ta tranh đấu, ngược xuôi vật lộn cả đời, gầy dựng đủ thứ. Cho tới khi hơi thở sắp chấm dứt, con mắt muốn mở mở không được, cái miệng muốn nói nói không xong thì sự việc đã muộn quá rồi. Nghiệp lực gây tạo cuốn hút đi không làm gì được. Nên khi còn trai trẻ mạnh khỏe, có người chỉ cho ta biết con đường về nhà, ta không phải ra công tìm kiếm đào xới gì cả, chỉ có cất bước. Công ơn ấy lớn lao biết chừng nào!
Phật dạy những loạn tưởng lăng xăng điên đảo không thật, bỏ đi. Bỏ được thì sống với thể thanh tịnh tròn đầy, trí tuệ chánh định đầy đủ. Chánh định đó không phải trên bồ đoàn, trước điện Phật mới có, mà ngay khi ta đang làm việc, tiếp khách, ăn cơm… bất cứ loạn tưởng nào dấy khởi cũng đều biết nó là vọng, buông đi thì được đại định. Thấy như vậy, áp dụng được như vậy, lóe lên chút ánh sáng trong cuộc đời, nếm chút chút hương vị ấy rồi, mình mới thấy công ơn của những bậc đã tái tạo cuộc đời chúng ta to lớn đến chừng nào.
Cho nên trong lúc ta còn bén nhạy tinh nhuệ nên dụng công tu đắc lực, đừng để các giác quan kém đi thì việc tu khó hơn. Phật tử nên nhớ tu không phải nhắm mắt, đóng lỗ tai, khép miệng suốt ngày. Con mắt cứ mở, lỗ tai cứ nghe, miệng cứ nói, tất cả đều bình thường nhưng biết rõ ràng. Những gì loạn tưởng thì bỏ đi, đó chính là gốc của sự tu. Lục tổ bảo ấy là đại định hiện tiền.
Chúng ta sống trong hoàn cảnh bận bịu việc nọ việc kia, thì cần phải tự khắc tự hứa với lòng, thực hiện cho bằng được công phu như thế. Pháp tu này chú trọng trên trí tuệ, cho nên chúng ta có thể tu trong mọi hoàn cảnh, động cũng như tịnh. Đừng để thời gian trôi qua, trễ quá ta sẽ già nua đi lụm cụm, không làm chủ được thì tu không nổi nữa. Thế nên tôi nói chuẩn bị là lúc mạnh khỏe mình phải lo tu, không nhất thiết trong hình thức nào.
Trong nhà thiền, “biết” là chủ đạo. Dùng trí tuệ quán chiếu cái nhà không thật, con người không thật… tự khắc chúng ta sẽ hiểu tất cả đều không thật. Áp dụng như thế thì đâu còn tranh giành với nhau nữa. Cho nên phải sáng suốt vững vàng chúng ta mới tu được. Tu hành cốt phải hết phiền não, phát tâm Bồ Đề. Nếu hóa giải được phiền não thì phiền não tức là Bồ Đề. Ví dụ như có người nói mình là con bò, ta cứ bình tĩnh nghe họ nói từ sáng đến tối cũng được, thử xem mình có thành con bò không? Ngay việc phiền não mà ta không phiền não tức tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là Bồ Đề chứ gì?
Người đời không như thế, vừa nghe nói con bò là đấm người ta rồi. Phải chi họ nói con bò, ta thành con bò thật thì nên giận. Đằng này nói khô cả cổ họng ta vẫn không biến thành con bò, như vậy có mất mát tổn thương chi đâu mà ta nổi trận lôi đình. Thì ra tuy thân mình không biến thành bò, nhưng tâm cũng ngu si như con bò nên mới phiền não như vậy. Cho nên người biết tu hay không biết tu là ở chỗ đó. Nếu nhận được các pháp không thật, ngôn ngữ không thật, tâm lúc nào cũng yên ổn thì phiền não tức là Bồ Đề.
Trong kinh A Hàm kể lại. Một hôm đức Phật đi khất thực, có một ông Bà La Môn lẽo đẽo theo sau chửi Phật hoài. Nhưng đức Thế Tôn vẫn im lặng đi, gương mặt bình thản không một nét phiền giận. Ông kia tức quá, mới chận đường Phật và hỏi:
– Cồ Đàm! Ông có điếc chăng?
Đức Phật trả lời:
– Ta không điếc.
– Vậy tại sao tôi chửi ông không trả lời?
Phật dùng một ví dụ để trả lời:
– Ví như nhà ông có giỗ, mọi người đến dự xong ra về, ông gởi mỗi vị một gói quà. Nếu những người ấy không nhận thì quà đó thuộc về ai?
Ông ta trả lời:
– Nếu họ không nhận thì số quà đó thuộc về tôi, chứ còn về ai nữa!
– Cũng thế, ông chửi ta nhưng ta không nhận thì những lời đó thuộc về ai?
Ông Bà La Môn nghe Phật nói thế liền nhận ra đạo lý, nên quy kính và nguyện làm đệ tử của Phật. Bài thuyết pháp của đấng Thế Tôn quả thật là đặc biệt, chỉ một câu thôi đã chuyển được tâm của vị Bà La Môn kia.
Chúng ta thấy rõ ràng tu hành như thế có khó khăn gì đâu. Từng phút giây cải thiện những tâm niệm hẹp hòi, tăm tối của chính mình, loại bỏ nó đi. Chúng ta ngồi thiền cũng để loại bỏ nó, tụng kinh cũng để loại bỏ nó, đi chùa cũng để loại bỏ nó, lạy Phật cũng để loại bỏ nó, làm tất cả công đức đều hồi hướng cho mình đủ lực để loại bỏ những tăm tối nhỏ nhen, ích kỷ tỵ hiềm ra hết. Chính những tâm này là hàng rào kẻm gai ngăn bó ta lại, không thể phát huy trí tuệ được. Bây giờ muốn tháo gỡ hàng rào kẽm gai ấy thì phải chặt đứt hết dây mơ rễ má, những thứ ràng buộc tăm tối.
Tôi nhớ câu chuyện thời Phật còn tại thế. Một cô gái mất mẹ sớm, sống bên cạnh người cha và anh của mình. Cả hai người đàn ông rất cưng chiều cô gái, họ sống hạnh phúc được một thời gian. Sau đó ông già mạng chung, cô gái đau đớn khóc cha chưa nguôi thì chẳng bao lâu sau người anh trai duy nhất cũng từ giã cõi đời. Trước nỗi thống khổ ấy, cô gần như sảng sốt vì mất nơi nương tựa nên cuối cùng bỏ nhà đi lang thang, xin ăn đầu đường cuối chợ. Tuy nhiên, đến tối cô tìm về nương náu trong Tinh xá hoặc các ngôi miếu.
Hôm đó, một Tôn giả đại đệ tử của Phật đi khất thực nhìn thấy người con gái tiều tụy, nhưng gương mặt và dáng dấp không phải là người thường. Tôn giả nghĩ chắc cô gặp một hoàn cảnh như thế nào đó, nên liền dùng huệ nhãn xem thấy cô có duyên với Phật pháp. Bấy giờ Tôn giả nghĩ cách muốn hóa giải sự đau khổ cho cô, Ngài bèn đi đến mái hiên cái miếu hoang, chỗ cô nghỉ để khất thực. Thấy Tôn giả đến, cô nói:
– Bạch Ngài, con nghèo khổ lắm không có gì để cúng, thỉnh Ngài đi nơi khác.
Tôn giả nói:
– Phước cúng dường chư Tăng rất lớn. Nếu con muốn hết khổ thì nên phát tâm cúng dường, bất luận thứ gì cũng được.
Cô gái nghe thế, nhìn thấy chung quanh mình không có gì khác hơn miếng cơm cháy. Cô vui vẻ phủi sạch miếng cơm cháy ấy dâng lên cúng dường Tôn giả bằng tất cả lòng thành. Tôn giả cũng rất hoan hỷ nhận vật cúng dường và nhất tâm hồi hướng phước đức cho vị đại thí chủ này.
Bởi công đức cúng dường ấy nên thời gian sau cô chết và được sanh lên trời Hóa Lạc, tức là nơi vui vẻ hạnh phúc, đầy đủ tất cả. Nơi đó không mất người thân, không thiếu cơm gạo, hoàn toàn an vui khoái lạc. Nhớ lại ân đức của Tôn giả, cô trở lại đảnh lễ tạ ơn và báo cho Ngài biết do công đức cúng dường ngày trước mà cô đã được sanh thiên. Tôn giả nhắc nhở thêm cho cô:
– Ngày xưa trong hoàn cảnh nghèo khổ, con đem hết lòng thành cúng dường cho ta nên thoát được khổ đau. Bây giờ đã an hưởng hạnh phúc cõi trời, cũng nên nhớ nuôi dưỡng tâm lành, làm việc phước thiện, vun bồi trí tuệ, đừng ích kỷ nhỏ nhen thì phước báu ấy sẽ không mất, lại còn tăng trưởng. Nếu không như thế, con chỉ hưởng phước một thời gian, sau khi hết phước cũng phải đọa lạc trong cảnh khổ nữa.
Từ bài pháp ấy, vị trời phát tâm tu tiếp, do đó nên đời đời kiếp kiếp hưởng phúc lạc vô biên.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy, cô gái chỉ phát tâm cúng dường một miếng cơm cháy với lòng thành mà được kết quả như thế. Nhưng với người nghèo đói thì một miếng cơm cháy là cả sự sống của họ, muốn phát tâm cúng dường không phải là chuyện dễ. Từ đó chúng ta kiểm lại trong cuộc đời, trong sự tu tập của mình để tinh tấn tạo phước duyên nhiều hơn.
Ta dám đánh đổi, dám bỏ những gì gắn liền với mạng sống của mình, gan dạ buông bỏ, bố thí, thì phúc lạc ấy dĩ nhiên sẽ chờ đón ta. Không đợi sau khi chết mình mới được an vui, mà ngay trong hiện đời cũng được an vui, vì cõi lòng được cởi mở. Nhà Phật gọi sự an vui ấy là hiện tại lạc trú Niết bàn, tức niềm vui ngay trong hiện tại. Ngược lại, nếu lúc nào ta cũng bo bo chấp giữ thì chẳng những hiện đời sống đau khổ mà đời đời phải chịu khổ đau.
Cho nên Phật nói người khổ là người chấp, người nắm lại. Người dám buông là hết khổ. Chúng ta đa số nắm chứ không dám buông thành ra khổ hoài. Như tôi đã nói lẽ ra người tu không sợ gì hết, nhưng quả thật chúng ta đang sợ. Sợ đủ thứ hết. Sợ cho miếng cơm cháy, lát nữa không có gì ăn, sợ cho hết mấy trăm đồng lát nữa đi xe không có tiền, sợ già bệnh không có ai nuôi… Bởi sợ nên bo bo cất giữ thủ trước, nên chưa mở rộng lòng ra thì Niết bàn, Bồ Đề làm sao có được! Nói thì hay lắm mà không có gì tương ứng, không có gì là kết quả cụ thể. Nếu chưa cởi mở được, chưa chuẩn bị sẵn sàng thì việc tu khó lắm, không phải dễ đâu.
Thêm một câu chuyện nữa. Như chúng ta đã biết Tôn giả Mục Kiền Liên là vị đại đệ tử thần thông đệ nhất của đức Phật. Một hôm Tôn giả du hành xuống địa ngục, thấy vô vàn sự khổ đau. Những chúng sanh ở đó gặp Ngài vây quanh than khóc về những nỗi thống khổ mà họ phải chịu. Đồng thời họ nhắn gởi về người thân còn sống trên nhân gian nên tu tập, làm các việc công đức, đừng gây tạo các nghiệp ác để chuốc quả khổ như họ.
Tôn giả nhận lời và làm tròn nhiệm vụ của mình xong, Ngài thưa với đức Phật tìm cách cứu vớt chúng sanh đang chịu khổ đau dưới địa ngục. Đức Thế Tôn chấp nhận tổ chức những buổi lễ cho Phật tử về Tinh xá cúng dường trai tăng, nhờ công đức tu hành của chư Tăng hồi hướng cho những thân nhân khổ đau dưới địa ngục. Sau đó, Tôn giả Mục Kiền Liên dạo xuống địa ngục một lần nữa, thì được biết nhờ công đức cúng dường và sức chú nguyện của chư Tăng, các chúng sanh đó đã chuyển đổi tâm dữ nên được sanh lên cõi trời, hết khổ.
Lần sau Tôn giả dạo lên thiên đàng, thấy chúng sinh trên đó sung sướng không gì sánh bằng, sắc diện tươi đẹp vô cùng. Nhưng có một điều nguy hại, là vì chúng sanh ở đây không có khổ, nên họ không được nghe âm thanh khổ, không thấy sự kiện khổ và lòng họ không có niệm gì về sự khổ nên họ cũng không chút nghĩ tới việc tu hành. Nhân đó Ngài thuyết pháp nhắc nhở: Các vị có phước nếu chỉ lo hưởng thì sẽ hết phước. Chi bằng cố gắng vun bồi thêm phước đức. Nếu không, khi hết phước sẽ rơi xuống địa ngục thọ các quả báo xấu mà mình đã tạo trong những đời trước.
Qua lời cảnh tỉnh ấy, có một số vị trời khắc tỉnh nhưng cũng có một số chưa tỉnh. Bấy giờ ngài Mục Kiền Liên mới vận thần thông đem một chút lửa dưới địa ngục lên cho các vị trời thấy. Chỉ một chút lửa thôi mà vị nào vị nấy sém mày sém mặt hết, bởi sức nóng của nó có thể thiêu đốt tất cả. Lửa ấy là lửa gì? Lửa tham sân điên đảo, lửa ham vui ngũ dục, lửa không biết tu hành. Các vị trời hoảng quá, tất cả đều phát tâm tu hành.
Ở đây tôi muốn nói trong từng bước, chúng ta tu là có kết quả, có công đức. Hết tham thì được Niết bàn an vui. Hết sân thì lửa giận không còn thiêu đốt thân tâm nên được mát mẻ thanh lương. Hết si mê điên đảo thì trí tuệ sáng suốt, không còn mê lầm tạo nghiệp đi trong trầm luân sanh tử nữa. Những điều này chúng ta có thể thực hiện được ngay trong cuộc đời hiện tại. Từng niệm, từng khắc thực hành thì sẽ được kết quả. Chứ nếu không tu mà nói cao tột thì khi nghiệp đến, mình chỉ như nắm bụi bị cơn lốc cuốn đi vùn vụt.
Trở về vấn đề tu hành của chúng ta, làm sao từng phút, từng khắc chúng ta đừng bỏ quên Niết bàn hiện thực. Đó là gì? Là bỏ tham, bỏ sân, bỏ si. Rõ ràng chính mỗi chúng ta đang có Niết bàn mà mình không dám nhận. Chúng ta cứ nguyện cứ mong cái gì bên ngoài, ở đâu đem đến hoặc cầu trời khẩn Phật ban cho mà không nhớ Phật ở trong tâm mình. Ví dụ bây giờ muốn thành Phật thì phải tu, phải siêng năng liên tục, áp dụng đúng pháp Phật dạy thì nhất định đạt được kết quả như ý.
Tu nghĩa là sửa. Sửa những gì ta đã sai quấy. Như phiền não là sai quấy, bây giờ biết tu rồi ta đừng phiền não nữa. Hết phiền não là an vui, chớ có gì lạ. Nhưng muốn hết phiền não, được an vui thì phải có trí tuệ. Trí tuệ mà thiếu đi thì phiền não dẫy đầy, nghe một câu nói chướng tai là nổi nóng liền, rõ ràng như vậy. Phật tử đi chùa sửa được những điểm dở của mình, khắc phục được vọng tưởng, phát huy trí tuệ của mình thì đi chùa lạy Phật ấy là tu. Còn đi chùa lạy Phật mà loạn tưởng điên đảo hoài, si mê chấp chặt đủ thứ hết thì không phải là tu.
Việc tu hành thật ra không phải là khó, nhưng nói cho đúng cũng không phải dễ. Biết thế rồi chúng ta cố gắng sắp đặt cho việc tu của mình có kết quả. Ví dụ tháng này vọng tưởng của mình một trăm phần, thì tháng sau bớt được còn chín mươi chín phần chẳng hạn. Tháng sau kế bớt chút nữa. Năm này bớt được một phần trăm, năm sau bớt được một phần trăm. Từ đây cho đến ngày thân này tan rã, những loạn tưởng si mê của mình cũng mất đi kha khá. Được vậy, đó là người sáng suốt, người có trí, người tu đúng chánh pháp, có kết quả. Trái lại cứ ù lì ra đó, ngày nào cũng tụng kinh, lạy Phật sám hối mà kể lể đủ thứ chuyện phiền não, thì đó chưa phải là người biết tu, chưa phải đệ tử Phật.
Cho nên yếu tố tinh tấn trong nhà Phật rất quan trọng. Tinh tấn ở đây là siêng năng quán chiếu liên tục để buông bỏ vọng tưởng, phiền não. Sửa những nghiệp dở, những sai lầm tăm tối, khắc phục, loại bỏ chúng. Đó là gốc của sự tu, chớ không phải tụng kinh nhiều lạy Phật nhiều mà đầy dẫy tham sân phiền não. Chúng ta chỉnh được mình rồi thì đốt nhang thưa với Phật thế này: “Kính bạch Phật, hôm nay con đã sửa được tật nóng giận rồi… Tính ra con đã lạy Phật bao nhiêu ngàn lạy, mà chỉ hôm nay mới biết sửa mình, biết tu”. Đó là niềm vui lớn nhất của chúng ta.
Mong rằng với sự tinh tấn ấy, nhất định chúng ta sẽ thành tựu được lời của đức Phật đã nói: Tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành.