Qua bài này tôi cũng muốn nói cho quí vị thấy rõ tinh thần Thiền tông đời Trần.
Từ ngài Trần Thái Tông về sau, các ngài tu thiền mà không chống niệm Phật, tức không chống Tịnh độ.
Ngược lại còn chỉ cho chúng ta cách tu Tịnh độ thế nào cho hợp lý, cho đúng pháp.
Như vậy Tịnh độ và Thiền hòa hợp chớ không chống đối.
Chúng ta thấy tinh thần các vị Thiền sư đời Trần không những là ở trong pháp niệm Phật và pháp tu Thiền, mà còn dung hòa luôn cả Khổng giáo, Lão giáo, không chia rẽ, không đối nghịch.
Lấy Thiền tông làm chỗ tựa để dung hợp Lão, Khổng thành một nhà.
Đó là để cho chúng ta thấy người tu không đặt ai là kẻ thù, không thấy ai là người đáng cho mình chống đối, mà phải cùng chung hòa hợp để mình và mọi người đều tiến tu không thối chuyển.
Như vậy quan niệm rộng rãi bao dung của Thiền tông đời Trần chứng tỏ các ngài đã vượt qua chỗ riêng tư của mình, mà trong nhà Phật gọi là “cuộc”, cuộc là chấp.
Cũng như chúng ta ngồi trong nhà nhìn ra bốn phương, chúng ta chỉ thấy bốn phương qua cửa sổ, cửa cái mở. Nếu thấy qua cửa sổ, cửa cái thì cái thấy bị hạn chế, nên gọi là cuộc.
Nếu chúng ta bước ra khỏi nhà, đứng ngoài trời nhìn bốn phương, thì chúng ta không bị vật gì ngăn cách, đó là thông.
Người tu khi đến chỗ thấy tâm mình tức Phật, thì ai không có tâm?
Nếu ai cũng có tâm thì ai cũng có Phật.
Dầu người tu theo Khổng giáo cũng có Phật, người tu theo Lão giáo cũng có Phật và chúng ta tu theo Phật cũng có Phật.
Ai cũng có Phật thì đều giống nhau.
Không thể ông Phật này khác ông Phật kia được, nếu khác thì không phải là Phật. Cho nên nói Phật Phật đạo đồng, Phật Phật không khác.
Như vậy ai cũng có Phật tánh thì có ai đáng cho mình thù ghét đâu. Chẳng lẽ Phật lại ghét Phật, Phật thù Phật sao?
Vì vậy đối với mọi người dù không tu theo đạo Phật, cũng thấy họ có Phật. Đã thấy họ có Phật thì không thể ghét họ được.
Vậy muốn cho ông Phật mình sống trọn vẹn là Phật thì thấy Phật nào mình cũng quí.
Cho nên ngài Bồ Tát Thường Bất Khinh nói một câu rất hi hữu:
“Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật.”
Không dám khinh tức là phải trọng, phải quí. Còn thù ghét là không trọng không quí.
Hiểu được chỗ này mới thấy tinh thần đạo Phật tràn khắp. Lâu nay chúng ta chỉ nói theo thế gian là tất cả nhân loại đều là đồng loại nên phải thương nhau.
Nói như vậy nghe cũng tốt, nhưng chỗ này nếu nói theo Thiền tông thì nhân loại đều là Phật.
Đã là Phật thì không dám khinh ai, không dám ghét ai.
Nếu có thương có ghét thì ông Phật của mình đã ẩn mất.
Tôi nhắc cho quí vị biết rằng chúng ta tu không phải cố gắng, không phải dằn ép, không phải dẹp bỏ mà phải nhìn cho tường tận ai cũng có tánh giác.
Mình biết mình có tánh giác hiện hữu, thì tánh giác của người cũng thật có hiện hữu, nhưng khác nhau chăng chỉ là một bên biết và tìm mọi cách khai thác được sáng tỏ, còn một bên không biết thì có tánh giác mà vẫn để mờ mịt, tối tăm.
Vì vậy mình không nên khinh khi ai, cũng không dám giận ai, vì người nào cũng đáng quí hết thì giận sao được. Có giận ghét là hết quí rồi.
Như vậy sống trong đời này chúng ta mới thấy tâm mình bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, nếu không thì sẽ phân biệt người này hay, kẻ kia dở.
Từ cái phân biệt đó lại sanh ra nhiều bệnh chướng khác.
Chỉ một câu của ngài Bồ Tát Thường Bất Khinh mà chúng ta tu suốt đời không xong.
Thấy được như vậy thì sống trong cuộc đời không có phiền não, những cái xấu, cái dở chỉ là bụi che lấp gương, lau đi sẽ hết.
Hiểu được ý này quí vị mới thấy được tinh thần của các vị Thiền sư ngày xưa đối với mọi người, hoặc thấy tinh thần của các vị Bồ Tát nhìn chúng sanh một cách rộng mở bao dung, chớ không như cái nhìn phàm tục rồi gây phiền não cho nhau.
Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trích trong : LUẬN VỀ NIỆM PHẬT.