Có một đồng tu đến hỏi : Con muốn niệm chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi, vì con nghe nói những chú ấy tiêu nghiệp chướng rất nhanh.
Chúng ta hãy thấu hiểu sâu xa câu nói này, thật sự nói đến công phu đắc lực, tiêu nghiệp chướng, tiêu tai miễn nạn thì càng đơn giản, càng đắc lực, càng phiền phức càng khó đắc lực! Quý vị hãy xem nhé: Chú Lăng Nghiêm chẳng đắc lực bằng chú Đại Bi vì chú Đại Bi đơn giản hơn. Chú Đại Bi, nói thật ra chẳng đắc lực bằng chú Vãng Sanh, vì chú Vãng Sanh ngắn hơn chú Đại Bi. Chú Vãng Sanh lại chẳng bằng chú Lục Tự Đại Minh “Om, mani padme hum”. Nói thật ra chú Lục Tự Đại Minh chẳng bằng câu A Di Đà Phật
Trong “Trúc Song Tùy Bút”, Liên Trì Đại Sư đã viết rất rõ ràng: Đã từng có người hướng về Ngài thỉnh giáo pháp môn Niệm Phật, hỏi rằng: “Sư dạy người khác niệm Phật ra sao?” Sư đáp: “Tôi dạy người ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật, niệm sáu chữ”. Người khác bèn hỏi Sư: “Bản thân lão nhân gia niệm như thế nào?” “A Di Đà Phật”, bốn chữ! Dạy người khác niệm sáu chữ, còn chính mình niệm bốn chữ, người ta hỏi Sư: “Vì sao?” Trong ấy có đạo lý, Sư giảng: “Bản thân tôi quyết tâm muốn sanh về Tịnh Độ trong một đời này. Kinh dạy chúng ta tu hành chấp trì danh hiệu, danh hiệu chỉ có bốn chữ, tôi y giáo phụng hành”. Hai chữ Nam Mô có nghĩa là “quy y” hay “cung kính”, là lời khách sáo; vì thế, chẳng cần phải dùng phương cách khách sáo, chẳng dùng đến lối nói khách sáo. Dạy người khác, vì sao phải dạy niệm sáu chữ? Người khác chưa chắc đã hạ quyết tâm trong một đời này phải sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới; vì thế, phải thêm vào lời khách sáo để kết duyên với A Di Đà Phật mà thôi! Người ấy chưa chắc đã phát tâm.
Nếu quý vị hiểu, là người thật sự đọc thông suốt Tam Tạng mười hai bộ loại, không một ai chẳng niệm Phật! Thật sự tiêu nghiệp chướng, có sức mạnh lớn nhất, mạnh mẽ nhất, không gì hơn một câu niệm Phật.
Nếu dùng cái tâm thanh tịnh để niệm câu Phật hiệu này thì mới có thể tiêu nghiệp chướng. Dùng cái tâm vọng niệm, dùng cái tâm phân biệt để niệm sẽ không được, chẳng có hiệu quả! Vì thế, trước khi niệm Phật, phải tụng một biến kinh Di Đà để định tâm, hoặc là niệm ba biến chú Vãng Sanh rồi mới niệm Phật hiệu. Phật hiệu ấy câu nào cũng đều là “hữu cảm tức thông, bất tật nhi tốc, bất hành nhi chí” (hễ có cảm liền thông, chẳng nhanh mà chóng, chẳng đi mà đến).
* Bài giảng: A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Tập 68
* Chủ giảng: Hoà Thượng Tịnh Không
Nam Mô A Di Đà Phật
Xin thường niệm A Di Đà Phật