“Thứ ba là Từ bi, nghĩa là tu tập tâm từ bi, ngày nay chúng ta nói là tình thương. “Vị nhân thành tựu nhẫn độ”, Nhẫn nhục Ba la mật, cho nên tu tập tâm đại bi, nhiêu ích chúng sanh. Nếu không trường thời nhẫn chịu và không nhiêu ích chúng sanh, thì nhẫn độ không thể đạt được viên mãn. “Nhẫn” nghĩa là tâm nhẫn nại, trong tâm nhẫn nại là tình thương.
Tâm đại bi dùng ngôn từ ngày nay chính là tình thương, tình thương đầu tiên là phải thương chính mình, không thương chính mình thì sẽ không biết thương người khác.
Thật sự thương chính mình, là tánh đức thương chính mình. Lão Tổ tông cho chúng ta biết, “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, chúng ta phải khẳng định bản thân mình bổn tánh bổn thiện.
Chúng ta bắt đầu tình thương từ đâu? Thương bổn thiện của chính mình, trong bổn thiện chắc chắn không có một niệm ác, tánh đức viên mãn, bạn cần nên phát tâm này, ở trong Phật pháp gọi là “Tâm bồ đề”.
Chúng tôi vì muốn cho mọi người dễ dàng cảm nhận được, dễ dàng hiểu rõ được, chúng tôi dùng 10 chữ để hiển thị nó.
Thứ nhất là chân thành, tâm chân thành là bổn thể của chân tâm, tự thọ dụng của tâm chân thành là hưởng thụ, là tâm thanh tịnh, là tâm bình đẳng, là tâm chánh giác, tự thọ dụng. Tâm của chúng ta an trú trong sự thanh tịnh bình đẳng giác, đại từ đại bi đối với tất cả chúng sanh bên ngoài, thông thường nói là bác ái.
Trong Đệ Tử Quy nói: “Phàm là người, đều nên thương”, ý nghĩa này là Tiểu thừa, trong Đệ Tử Quy có Đại thừa không? Có! Có hai câu là Đại thừa, “Phiếm ái chúng, nhi thân nhân”, hai câu này là Đại thừa. Phiếm ái, chính là đại ái, là bác ái. Chúng là gì?
Đạo Phật nói chúng, là hiện tượng chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi, gọi là chúng sanh. Phạm vi chúng sanh rất lớn, con người là chúng sanh, động vật cũng là chúng sanh, chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi, thực vật cũng là chúng sanh, khoáng vật cũng là chúng sanh, hiện tượng tự nhiên cũng là chúng sanh.
Nói cách khác, tình thương này, chẳng những thương nhân loại, mà thương hoa cỏ cây cối, thương sơn hà đại địa, thương hư không pháp giới, bạn xem tình thương đó có lớn không? Bạn thương được thì bạn sẽ không làm tổn hại chúng, nếu bạn làm tổn hại chúng là bạn không thương chúng.
Tu tập môn học này, thì nhất định bạn phải có tâm kiên nhẫn, đặc biệt là hữu tình chúng sanh, họ mê hoặc điên đảo, họ đang tạo nghiệp tội, bạn có thể nhẫn chịu, đối với họ bạn không sanh tâm sân hận. Bạn đứng một bên quan sát, hết sức cẩn thận, dùng phương tiện thiện xảo cách nào, giúp cho họ giác ngộ, giúp cho họ quay đầu.
Cho nên tuy họ làm tổn hại bạn, làm tổn hại bản thân chúng ta, quyết định không oán hận, không oán hận thì chắc chắn không có báo thù. Vì sao vậy? Vì chúng ta nhận biết rõ ràng, khắp cả vũ trụ và bản thân chúng ta là một thể sanh mạng cộng đồng. Họ phạm sai lầm, làm sao bạn có thể oán hận họ được? Vì sao họ phạm sai lầm? Vì họ không được học qua, họ không hiểu rõ chân tướng sự thật, chân tướng sự thật là một thể sanh mạng cộng đồng!
Trong chân tướng sự thật, con người và chúng sanh chắc chắn không có tham – sân – si – mạn, vì mê thất tự tánh mới sanh ra những quan niệm sai lầm này, sau khi giác ngộ thì những thứ này không còn nữa.
Chúng sanh và Phật chỉ khác ở chỗ mê ngộ mà thôi, người mê thì có oán hận, người giác ngộ thì làm sao có oán hận được, làm gì có lý như thế? Tâm của bậc giác ngộ là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ.
Cho nên tôi đến Úc Châu, đại diện cho trường học Úc Châu, không ít lần đi tham dự hội nghị hòa bình của Liên Hiệp Quốc, xung đột hóa giải cách nào? Làm thế nào để thực hiện được hòa bình, không có gì khác ngoài tình thương. Tình thương bản thân mình vốn sẵn có, có thể tìm lại nó và chăm sóc nuôi dưỡng nó, mở rộng tình thương!
Thật sự làm được “Phiếm ái chúng, nhi thân nhân” (Yêu bình đẳng, gần người nhân), thì không còn xung đột nữa, xã hội sẽ an định thế giới sẽ hòa bình, đạo lý này rất nhiều người đã đánh mất.”
Trích từ bài giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 47 do Pháp Sư Tịnh Không chủ giảng.