Cúng Hoa, chúng ta nhìn thấy Hoa thì tưởng đến phải tu nhân, nhân hoa của lục độ vạn hạnh. Đặc biệt là trong kinh Hoa Nghiêm hiển thị, kinh điển nói với chúng ta, trong kinh Hoa Nghiêm có nói bất cứ người nào, bất luận sống cuộc sống như thế nào, thân phận gì, làm nghề gì đều chẳng có trở ngại, đều có thể tu Bồ Tát hạnh. Bồ Tát hạnh là gì?
Tức là đời sống của họ, tức là công việc trong hành nghiệp của họ, thù tạc hằng ngày, làm sao đem những chuyện này biến thành Bồ Tát hạnh?
Biến thành lục độ vạn hạnh? Mấu chốt ở tại Bồ Đề Tâm. Bồ Đề tâm là tâm giác ngộ, chân chánh giác ngộ. Giác ngộ cái gì? Giác ngộ chư pháp thật tướng. Kinh Bát Nhã nói “tam tâm bất khả đắc”, “chư pháp vô sở hữu”, đây là chân chánh giác ngộ, tâm hạnh của bạn tương ứng với tự tánh, và cũng là tương ứng với thật tướng của hết thảy pháp, được vậy thì bạn làm sao chẳng tự tại cho được? Sau khi chân chánh giác ngộ mới biết tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là chính mình, bạn mới thực
sự hiểu rõ, thế nên đối với hư không pháp giới hết thảy người, sự, vật sẽ tự nhiên sanh khởi tâm thương yêu chân chánh. Trong Phật pháp gọi tâm thương yêu này là đại từ, đại bi, vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, tận hư không, trọn khắp pháp giới và mình có cùng một Thể. Thể này là gì?
Thể là Chân Tâm, Chân Tâm tức là Chân Như, tức là Bổn Tánh, trong kinh Phật dùng rất nhiều danh tướng nhưng đều nói về một sự việc. Y báo, chánh báo trang nghiêm trong thập pháp giới đều do Chân Tâm này biến hiện ra, thế nên tình và vô tình cùng một thể. Chư Phật Như Lai nhìn thấy chúng sanh thọ khổ, thực sự như là chính mình thọ khổ, thấy chúng sanh được vui, thực sự như là chính mình được vui, chúng sanh và mình là một thể, đó mới là chân chánh giác ngộ.
(Lược Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không.
Quyển Thượng. PHẨM THỨ SÁU: NHƯ LAI TÁN THÁN: – Tập 20-Tr -477)