Lúc tôi bắt đầu học Phật, đại sư Chương Gia dạy tôi, Ngài vô cùng khẳng định và nói: “Trong nhà Phật, có cầu ắt ứng”, chư vị phải ghi nhớ chữ Phật trong câu “Trong nhà Phật” là gì? Là Giác. “Trong nhà Phật” nghĩa là “trong nhà Giác Ngộ”, giác ngộ chẳng phải là mê hoặc, có cầu ắt ứng. Nếu bạn có cầu mà không có cảm ứng, đây là vì nguyên cớ gì? Ðại sư nói là vì chúng ta có chướng ngại, nhất định phải tiêu trừ chướng ngại thì cảm ứng sẽ hiện tiền, đây là đạo lý nhất định.
Làm sao tiêu trừ nghiệp chướng?
Tôi cũng hỏi câu này: “Nghiệp chướng khẳng định là có, làm sao tiêu trừ?”.
Ðại sư trả lời: “Sám hối”, và nói: “Sám hối chẳng có nghĩa là kêu bạn đi “bái sám”, bạn đi lạy “Ðại Bi Sám, Lương Hoàng Sám, lạy Sám gì đi nữa, chưa chắc có thể tiêu trừ nghiệp chướng”.
Tôi hỏi: “Vậy thì phải làm cách nào để sám hối?”.
Ðại sư dạy: “Sám hối nghĩa là “không làm lại việc ấy nữa”, đó mới gọi là chân chánh sám hối. Tức là bạn biết được lỗi của mình, phải mau sửa đổi trở lại, đó gọi là chân chánh sám hối”.
Chúng tôi lại hỏi: “Những pháp hội sám hối trong chùa rốt cuộc có ý nghĩa gì?”.
Ðại sư dạy: “Những pháp hội sám hối cử hành trong chùa chỉ là làm khuôn mẫu, nghi thức cho những người mới học Phật, người chẳng học Phật khi nhìn thấy những hình thức này bèn sanh khởi tâm hối hận (tàm quý), tâm sám hối, là có ý nghĩa như vậy”.
Chúng tôi mới hiểu đó chỉ là biểu diễn cho người ta coi. Tự mình tu hành chẳng coi trọng những hình thức này, coi trọng sự quay về chân thật, tự biết mình sai lầm, biết sai thì lập tức sửa đổi, sau đó không làm [lỗi đó] nữa, như vậy mới là sám hối thật sự, như vậy mới có thể cảm ứng đạo giao cùng Phật, Bồ Tát.
Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh Giảng Ký tập 18 – Phẩm 6 Như Lai Tán Thán.
Chủ Giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Hoan nghênh copy đăng tải rộng rãi kết thiện duyên !