“Như người nghe đến Địa Tạng danh, thậm chí thấy hình cùng chiêm lễ. Hương hoa, thực phẩm, và y phục, cúng dường trăm ngàn hưởng diệu lạc. Nếu đem hồi hướng khắp pháp giới, Rốt ráo thành Phật, thoát sanh tử”. Chúng ta đọc đoạn kinh này mới biết công đức tạo tượng thù thắng chẳng thể nghĩ bàn, nguyên nhân ở chỗ nào? Làm cho hết thảy chúng sanh có cơ duyên nghe danh hiệu, nhìn thấy hình tượng, bạn tạo cho họ có cơ hội này, cho nên công đức ấy rất thù thắng. Nhưng trong đó có một việc chúng ta nhất định phải biết, lúc Phật pháp thịnh hành thì mới có công đức thù thắng, tại sao vậy? Mọi người nhận biết, nghe tới danh hiệu Địa Tạng, nhìn thấy hình tượng Địa Tạng sẽ sanh tâm hiếu thuận cha mẹ, tâm tôn sư trọng đạo, tâm học theo hạnh nguyện của Bồ Tát khởi lên, đây là danh hiệu hình tượng khơi gợi thiện niệm của chúng sanh, công đức đó quá thù thắng. Nếu Phật pháp suy thoái chẳng có người tuyên dương, mọi người đều coi hình tượng của Phật, Bồ Tát là ngẫu tượng, cho là mê tín, không thể nói là không có công đức, nhưng công đức này hiện nay sẽ không đạt được, hiện nay đạt được gì? Làm cho hết thảy chúng sanh tạo nghiệp, làm cho xã hội đại chúng nghĩ rằng quý vị đề xướng mê tín, quý vị sùng bái ngẫu tượng. Tuy tạo tội nghiệp nhưng những hình tượng này một phen lọt vào nhãn căn, danh hiệu lọt vào nhĩ căn sẽ vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo, công đức là ở chỗ này. Nhưng những tội nghiệp mà họ tạo, họ phải chịu quả báo hay không? Họ phải chịu quả báo, quả báo của tội nghiệp ở ba đường ác, sau khi chịu hết quả báo, khi họ thoát ra khỏi ba đường ác rồi gặp được thiện duyên, lúc đó thiện căn chín muồi, nhờ nhân duyên đó mới được độ, chúng ta phải hiểu những đạo lý này.
Lúc nào là lúc thích hợp nhất để tạo dựng tượng Phật? Mọi người đều biết sau khi kinh giáo được tuyên dương phổ biến thì đúc nặn hình tượng Phật, Bồ Tát sẽ đem lại chánh tri chánh kiến cho người ta, công đức đó vô lượng vô biên. Do đó chúng ta có nghĩa vụ phải làm cơ hội giáo dục, việc này trọng yếu phi thường! Hiện nay ở các nơi trên thế giới, hết thảy những kiến trúc Phật giáo, bất luận là cổ đại hay hiện đại hơn phân nửa đều biến thành những nơi cho người ta tham quan du lịch, người đi du lịch thường tới đó. Ở những chỗ đó nếu có thiện tri thức bất luận là xuất gia hay tại gia giới thiệu đơn giản ý nghĩa tiêu biểu pháp của hình tượng Phật, Bồ Tát [cho những người đi du lịch nghe], đó là cơ hội giáo dục. Họ đến tham quan đạo tràng, trong đạo tràng có thờ những hình tượng Phật, Bồ Tát, giới thiệu từng vị cho họ biết, mỗi vị tượng trưng ý nghĩa gì, làm vậy cũng như giảng một bài học cho người đi du lịch, làm cho họ không đến nỗi hiểu lầm Phật pháp. Nói cho họ biết đó tuyệt đối không phải là thờ cúng ngẫu tượng. Hết thảy những thiết trí trưng bày trong nhà Phật đều chứa đựng ý nghĩa giáo học sâu sắc trong đó. Chúng ta nói về những vật dùng để cúng như hương, hoa, tràng phan, bảo cái đều có ý nghĩa tiêu biểu pháp. Dùng danh từ giáo dục hiện nay mà nói thì đó gọi là giáo cụ, công cụ giáo học. Để khi sáu căn chúng ta tiếp xúc tới liền nghĩ về ý nghĩa của vật đó, nghĩ mình nên học tập như thế nào, dùng những vật này để nhắc nhở chúng ta từng giờ từng phút, vì sợ chúng ta quên mất, sợ chúng ta lại mê hoặc trong đời sống hằng ngày, dùng những phương pháp nghệ thuật này làm cho chúng ta vừa vui mừng vừa nhắc nhở chúng ta. Đây là sự dạy học có trình độ nghệ thuật cao độ, chẳng phải là mê tín. Mê tín là quý vị hiểu lầm, hiểu sai, tại sao quý vị lại hiểu lầm? Tại sao hiểu sai Vì chẳng có ai giải thích rõ cho quý vị, do đó sự hiểu lầm của đại chúng trong xã hội là điều có thể tha thứ. Lỗi lầm là lỗi của chúng ta, chúng ta là đệ tử Phật trong số những người xuất gia và tại gia, chúng ta chẳng làm tròn trách nhiệm, chẳng giải thích việc này rõ ràng cho xã hội đại chúng. Vì sao nghe danh hiệu, nhìn thấy hình tượng sẽ được lợi ích, họ được lợi ích bao lớn chúng ta đều phải hiểu rõ ràng, rành rẽ.
– HT. Tịnh Không, Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Ký, tập 49.