Trong hết thảy mọi lúc, hết thảy mọi nơi, niệm nào cũng đều chẳng bỏ! Tấm lòng của cha mẹ, nhất là lòng mẹ, được gọi là “từ mẫu”. Có thể nói lòng Từ của mẹ còn mãi cho đến hết tuổi thọ. Chỉ cần mẹ sống một ngày, chẳng có ngày nào không nghĩ tới con cái của chính mình.
Con cái quên khuấy cha mẹ, chỉ vào dịp lễ Tết mới nhắc đến; chẳng phải là tết, lễ, sẽ quên bẵng! Gặp dịp lễ Tết bèn nghĩ đến mẹ. Hôm nay là ngày lễ Mẹ bèn nghĩ tới mẹ, nhằm sinh nhật của mẹ bèn nhớ đến mẹ. Mẹ đã khuất bóng, nhằm ngày giỗ của mẹ bèn nhớ tới mẹ. Trừ mấy ngày như vậy ra, ý niệm ấy bị đoạn mất. Có biết hay chăng, người làm mẹ gần như hằng ngày đều nghĩ tới con cái, rất ít khi không nghĩ!
Khi công việc bận bịu, trong lúc ấy, mẹ bận việc túi bụi, hễ buông việc ra, bèn nghĩ tới con cái. Do vậy, đức Phật nói “ân mẹ khó báo”. Cha có lúc quên bẵng con cái, có [lúc như vậy], chứ mẹ chẳng quên! Vì thế, trong bốn loại ân, ân mẹ được xếp đầu tiên, đạo lý ở ngay chỗ này!
Chúng ta hãy ngẫm xem, cái tâm ân đức của Phật đối với chúng sanh vượt trỗi cha mẹ, vì cha mẹ chỉ nghĩ đến con cái của chính mình, chẳng nghĩ tới con cái của kẻ khác. Phật, Bồ Tát tuyệt diệu, [nghĩ tưởng] hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới, thật sự bao gồm thai, noãn, thấp, hóa.
Trong mỗi niệm tâm luôn nghĩ tưởng hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới, niệm nào cũng vì chúng sanh. Thấy chúng sanh làm chuyện sai trái, mê hoặc, điên đảo, do làm quấy phải chịu ác báo, tâm các Ngài áy náy vì [tự trách chính mình] chẳng dạy các chúng sanh ấy đến nơi đến chốn. Đức Phật có trọn hết trách nhiệm hay không? Đức Phật đã thật sự trọn hết trách nhiệm, vì sao chúng sanh vẫn chẳng nghe theo? Ương bướng, khó giáo hóa! Chớ nên không biết điều này!
Trích: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, tập 1545
Hoan nghênh copy chia sẻ công đức Vô Lượng
A Di Đà Phật