Một người có tam nghiệp bất tịnh thì sẽ thường xuyên bị những quả xấu như sống trong cắn rứt, bị những bậc hiền trí, người lành quở trách, bị tiếng xấu đồn xa, lúc mạng chung sẽ hoảng loạn, và đọa vào cõi khổ. Ngược lại người có tam nghiệp thanh tịnh thì không phải sống trong những tháng ngày cắn rứt, trong mắt người trí thì họ là người đáng được tán thán, tiếng lành đồn xa và khi mệnh chung tâm không mê loạn.
Ở đây chúng tôi xin lạc đề một chút khi đang giảng kinh này. Nhiều người không hiểu chữ ‘mạt pháp’ là như thế nào. Có nhiều định nghĩa ‘mạt pháp’, tôi không nói nguyên nhân mà nói về tình trạng mạt pháp. Có thời kỳ chúng ta khó tìm được một vị minh sư, người hướng dẫn mình tu học đến nơi đến chốn, đó là nói về thầy. Còn nói về trò, ngày nay nhu cầu học đạo của chúng ta không giống như ngày xưa. Ngày xưa người ta học đạo để tìm vốn liếng, xây dựng nền tảng tu tập, bây giờ chúng ta học do tiện, lâu lâu nghe nói có thầy bà nào về gần gần nhà hoặc có chùa nào quen quen rước ai về thì nhào vô học, vì tiện. Thứ nữa là do tò mò ái mộ, nghe danh tiếng như HT Nhất Hạnh, HT Thanh Từ thì tìm tới học. Có trường hợp học là để cầu phước, nghĩ rằng học đạo, nghe kinh, tụng niệm, bố thí trì giới là để có phước chứ không có nhu cầu cầu giải thoát như người xưa.
Khi đến với đạo không bằng lý tưởng giải thoát mà chỉ bằng lý do như trên thì có đi chùa năm chục năm đi nữa vẫn có tuổi già rất đỗi đáng buồn. Khi còn trẻ thì lo đi làm có tiền để mua sắm tiêu xài hoang phí, lâu lâu xẹt vô chùa ngồi thiền ba mớ làm phước ba mớ rồi cho là đủ, đến lúc cận tử thì cái đầu trớt quớt không có Phật pháp gì cả vì lâu nay có học gì đâu, những thứ nạp vô thì lõm bõm. Lúc đó là không đủ hành trang để đi đâu. Thầy bà tăng ni Phật tử có kéo tới rần rần hộ niệm cũng chỉ là thổi bụi ngoài da mà thôi, vì chính mình mới là quan trọng. Mấy chục năm qua mình đi chùa học đạo kiểu gì, thiền định kiểu gì, bố thí kiểu gì… đó mới là thứ mình cầm đi vào quan tài. Tôi phải đi một vòng hơi xa như vậy để nói về cái chết hoảng loạn.
Tam nghiệp thanh tịnh không phải là lâu lâu thọ giới một lần, lâu lâu nghe pháp một lần, lâu lâu hành hương một lần v.v… Tam nghiệp thanh tịnh là mỗi ngày thường xuyên nhớ chừng mình làm như vậy có hại ai hay không, mình nói như vậy có hại ai không, mình suy nghĩ như vậy có nên hay không. Đó là tu tà tà đó, thường xuyên mỗi ngày. Nếu được thì phải là mỗi giờ, hourly chứ không phải daily. Vì lòng từ bi tôi nói thiệt, phải nhắc lần nữa, ngay bây giờ thì mình phải tự siêu độ cho mình từng ngày. Giảng đến chỗ này tôi cũng hơi oải nữa. Trong Chú giải có kể một vị tỳ kheo trẻ ngồi học Tam Tạng, học theo kiểu ‘khẩu khẩu tương truyền’, không có bút mực gì, thầy đọc một câu trò nhắc lại. Học cũng nhiều, nào là Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi… Học đến chỗ nói về địa ngục, vị tỳ kheo học trò hết hồn. Ông là người có túc duyên giải thoát, không phải như mình, mình nghe giảng thì cứ cho rằng trong kinh thêm bớt, kinh sách qua nhiều đời chép lại chắc không chính xác, hoặc tôn giáo thì hù dọa tín đồ v.v…. Riêng vị tỳ kheo này, đến chỗ đó thì suy nghĩ đơn giản: nếu không có thì thôi, nếu quả thật có cõi địa ngục như vậy thì mình chết rồi đi về đâu đây. Nghĩ vậy ông hết hồn, quì xuống nói với sư phụ:
– “Sư phụ ơi con học không nổi nữa rồi, sư phụ cho con ngưng, con phải đi tu thiền khẩn cấp, con kiếm gốc cây ngồi liền, con sợ quá…”
Sư phụ là vị A-la-hán, biết duyên ở đây chín rồi, ngài bèn nói sơ sơ hai ba câu thôi. Vị tỳ kheo này ra gốc cây ngồi đúng ba nốt nhạc đồ rê mí là đắc Tu-đà-hoàn liền. Một vị Sơ quả thì đoạn trừ thân kiến hoài nghi, vĩnh viễn không còn sa đọa, chắc chắn dự phần chánh giác. Cho nên vị này sau khi chứng Tu-đà-hoàn thấy êm quá, biết chắn chắn không bị sa đọa rồi nên mới quay trở vô nói: Thưa sư phụ bây giờ con có thể học từ đây cho tới chết, không có vấn đề gì hết. Sư phụ nói: Ta cũng nghĩ như vậy. Thế là vị tỳ kheo đệ tử cứ vậy mà học hết Tam Tạng.
Còn mình thì sao, Ba-la-mật thiếu, không gặp được thầy xịn, không gặp được bạn xịn, bản thân mình cũng không xịn. Ba cái dỏm này cộng lại nên mình có nghe pháp cũng như nước đổ lá môn, nước đổ đầu vịt. Thậm chí có những người vào trong room này nghe để bắt lỗi, vào room nghe có dụng ý gian tà, vào room không phải mục đích cầu đạo giải thoát…, nhiều lắm, nói ra là người ta chém mình nhưng phải nói. Thời mạt pháp là vậy, pháp không mạt mà người mạt.
Tam nghiệp thanh tịnh là một công phu dài hạn, ngày dài tháng rộng chứ không phải một ngày một bữa. Chuyện tu hành không phải chỉ gói gọn trong một vài thời kinh mỗi đêm tụng một hai phẩm Pháp Hoa, Phổ Môn là xong, cũng không phải là một hai lần bố thí, một hai lần nghe pháp giảng kinh trong tháng, mà là một công phu “trường kỳ kháng chiến” ngày dài tháng rộng. Thường xuyên kiểm soát xem điều mình nói có lợi cho mình cho người hay không, có hại cho ai hay không, đó là công phu trau dồi tam nghiệp thanh tịnh.
Người có tam nghiệp thanh tịnh thì được những quả lành sau đây:
– Không phải sống trong những tháng ngày cắn rứt triền miên.
– Trong mắt người trí họ sẽ là người đáng tán thán.
– Tiếng lành đồn xa.
– Cận tử lâm chung không bị mê loạn, hoảng sợ.
– Có cơ hội sanh thiên
Tam nghiệp bất tịnh là nói những điều không thanh tịnh, suy tư những điều không thanh tịnh, hành động những điều không thanh tịnh. Không thanh tịnh nghĩa là nói làm, và suy nghĩ với sự can dự sai sử của phiền não (sân hận, bủn xỉn, ganh tị, tham lam, bất mãn…). Tất cả những phiền não đó can thiệp vào sinh hoạt thường nhật của chúng ta dù nói hay là làm thì tất thảy những việc làm ấy được gọi là Tam nghiệp bất tịnh.
Một người sống trong tam nghiệp bất tịnh thì sẽ bị các quả xấu sau đây:
– Bản thân những tư tưởng đó là bất thiện.
– Những thiện pháp đã có sẽ bị hao mòn theo năm tháng.
Mỗi người chúng ta ai cũng có bản năng thiện và bất thiện giống như mỗi người có hai bàn tay, tay phải và tay trái, tùy người thuận tay nào; có người thì cái thiện là bản năng thuận (mạnh), có người thì cái ác là bản năng thuận. Có người thiện nhiều hơn ác, có người ác nhiều hơn thiện, có người thiện ác bằng nhau. Gặp cơ hội làm thiện thì cũng làm dữ dội mà gặp chuyện bậy ai xúi cũng làm tới nơi, đây là trường hợp 50/50, thiện ác bằng nhau. Có người khi được xúi tu thì không nghe, hoặc cũng làm thì làm qua quít, khi xúi làm bậy thì dốc sức hết mình, hạng này là ác nhiều hơn thiện. Đã là phàm phu thì bất thiện làm sao dứt sạch được, nhưng có người thiện căn mạnh hơn ác, như các vị Bồ tát, còn tham sân si y chang – đây là nói Bồ tát Nam Tông chứ Bồ tát Bắc Tông thì còn… ngon lành hơn A-la-hán nữa – nhưng so với mọi người thì khả năng thiện mạnh hơn, ví dụ vì điều thiện các ngài có thể lăn ra chết, hy sinh mạng mình cho điều lành điều thiện, hy sinh mạng mình cho lợi ích người khác. Lỡ trót làm bậy thì Bồ tát nhanh chóng hồi quang phản chiếu, tự tỉnh quán sát, nhận ra ngay và hồi đầu hướng thiện. Đây là hạng người thiện nhiều hơn ác. Còn chúng ta thì đối với cái thiện không dám hết mình. Mình nói mình là sư, là người tu, là Phật tử, vậy chứ nếu ai đụng tới sức khỏe, vật chất, tài sản của mình thì lúc đó Phật pháp chỉ là thứ yếu mà thôi. Đụng tới túi tiền của mình là mình đã nổi điên lên rồi, nói gì đụng tới vợ chồng con cái, bạn gái bạn trai của mình, chưa kể sức khỏe, tánh mạng và danh dự của mình. Vị Bồ tát khác mình ở chỗ với họ pháp là tất cả. Họ sẵn sàng bỏ vật chất nhỏ đổi lấy vật chất lớn, phần này giống mình; nhưng họ sẵn sàng bỏ tất cả tài sản để giữ lại đạo nghĩa, thiện pháp. Bồ tát có thể bỏ tài sản để giữ lấy thân thể, có thể bỏ thân thể để giữ tánh mạng, nhưng rốt cùng thì có thể bỏ tánh mạng để giữ lại pháp. Nghĩa là Bồ tát có rất nhiều kiếp thà chết chứ không phạm giới, thà chết chứ không nói dối, thà chết chứ không hại người, thà chết chứ không lìa bỏ tư tưởng tu hành, thà mất danh dự, mất bao nhiêu tiền bạc, kể cả mất mạng nhưng không lìa bỏ lý tưởng, thiện pháp của mình.
Có một kiếp đó Ngài là một vị triệu phú. Buổi sáng hôm đó Ngài nhìn thấy một vị Phật Độc Giác ôm bát trước nhà. Trong kinh nói vị đó mới vừa xả đại định Diệt thọ tưởng. Vị đó suy nghĩ rằng:
– “Hôm nay Ác Ma thiên tử sẽ quấy rối không cho ai cúng dường ta hết, vì Ác Ma biết rõ ta bảy ngày không ăn, hôm nay mà không ăn nữa thì ta sẽ viên tịch. Ác Ma biết rất rõ như vậy. Ác Ma muốn ép chết ta. Tuy nhiên, trong thành phố này có một người dám vì bữa ăn của ta mà bỏ mạng.”
Nghĩ vậy Ngài ôm bình bát đến đứng trước cửa nhà của Bồ tát – lúc đó là một triệu phú. Bồ tát từ trong nhìn thấy Đức Phật Độc Giác ôm bát đứng trước nhà, ngài vui lắm, ngài đâu biết chuyện nhập định xuất định gì đâu. Ngài chỉ biết vị Độc Giác đó là một nhà tu hành với gương mặt ánh mắt mà ngài thương lắm. Ngài ôm nguyên mâm thực phẩm ra đặt bát. Vừa ra tới cửa thì trước mặt ngài xuất hiện một hố sâu lửa cháy phừng phừng, do Ác Ma tạo ra cản trở.
Ác Ma là một vị đại lực tiên ông, vua của cõi Dục giới cao nhất. Trong kinh nói thời nào cũng có Tứ thiên vương, thời nào cũng có Đế Thích và thời nào cũng có Ác Ma vì đó là trật tự của thế giới. Ác Ma thường ghét người tu hành. Ác Ma thấy Bồ tát ôm mâm thực phẩm ra để bát cho Phật Độc Giác nên Ác Ma mới tạo ra hố than hừng. Bồ tát nhìn thấy bên kia hố là vị Phật Độc Giác hiền từ còn bên đây là hố than, Ngài đứng khấn:
– Con đã có lòng bữa ăn cho ngài, con không biết ngài là ai, nhưng con biết ngài là Bậc đáng cúng. Hôm nay có chuyện cúng dường này mà con lọt xuống hố này và đi thẳng xuống địa ngục thì con cũng cúng.
Khiếp chưa, mình mà thấy vậy là mình teo rồi. Vậy mà ngài thì không, ngài tu quá nhiều kiếp, ngài nhìn không thấy sợ, nhưng ngài biết là ‘có chuyện’ rồi, bữa nay là trò chơi của ai đây nè. Ngài khấn xong rồi bước thẳng xuống hố và ngài không lọt. Ngài đi tỉnh bơ, hố than tự tắt rụi, trở thành mặt đất bình thường. Ngài bước tới đặt bát cho Phật Độc Giác và ngài chỉ nguyện là:
– Con xin sau này được thành tựu những gì ngài đã thành tựu, cho con được giải thoát như ngài đã được giải thoát.
Vị Độc Giác biết rõ ngài là vị Chánh Đẳng Giác tương lai, vị Độc Giác chỉ chú nguyện: “Xin cho người hãy được toại nguyện.” Nói xong ngài dùng thần thông bay đi mất. Có nhiều người vô thần, Thiên Chúa, Hồi Giáo… trong room này sẽ không tin chuyện đó, nhưng giảng kinh thì tôi phải giảng thôi. Tôi muốn nhấn mạnh một điều: một người có đạo căn, thiện căn, huệ căn sâu dày thì họ dám chết cho cái thiện của họ. Những kẻ tấn công liều chết bên Hồi Giáo, họ dám vì lý tưởng tào lao mà ôm bom tự sát, tại sao chúng ta không dám vì cái thiện của mình mà hy sinh? Như vậy phải xét lại, cái lý tưởng mục đích giải thoát của mình hình như là có vấn đề, trong khi người ta dám bán mạng cho một “lý tưởng trời ơi”. Không phải tôi khen chuyện tự sát, chuyện giết người, nhưng tôi muốn nói đến cái can đảm của họ, dám vì mục đích ruồi bu mà bỏ mạng. Nói rốt ráo như vậy để thấy rằng, tam nghiệp thanh tịnh, trước mắt giúp cho chúng ta có một cái chết ngon lành.
Dù chết già, chết bịnh, chết tai nạn… không cần biết, chỉ cần có thiện căn ngon lành thì cứ nhớ: Chết-không-phải-là- kết thúc-mà là sự khởi đầu.
Thân này đã quá nặng nề, cũ xì, xấu xí, hôi hám; nếu ra đi trong lúc này mình sẽ có “đồ mới” để xài. Trong hình hài này mình không làm được nhiều việc lắm đâu. Nếu có công đức mình sẽ về trời, sẽ gặp được các vị hiền thánh ở đó; có dịp mình xuống hầu Đức Phật Di Lạc tương lai. Phải có lòng tin dũng mãnh như vậy. Chứ còn cứ tà tà, qua quít, vô chùa lai rai làm phước chút đỉnh, nghe giảng năm ba câu nhớ không tới đâu, rồi cứ hai ba chục năm như vậy, tới hồi tuổi già ập tới, ra đi trong sự hoảng loạn, tiếc nuối, sợ hãi thì rất là đáng tiếc.
Kể từ hôm nay hãy nghĩ trong lòng thế này, đừng dòm ngó ai hết, cứ tập trung trau dồi tam nghiệp của mình từng ngày, để lỡ mình có lăn đùng ra chết thì mình cũng ra đi trong sự thanh thản. Sống-tốt-thì-sẽ-chết-đẹp. Nghĩ tưởng nhiều về cái chết thì sẽ sống tử tế hơn.
Chúng ta cứ nghe pháp hời hợt nên không thấy rằng sống và chết là hai đề tài rất quan trọng trong cuộc sống của mình. Kể từ bây giờ hãy nhớ, sống đàng hoàng thì chết ngon lành, “mát lạnh thơm phức”. Ngay trong lúc sống làm ơn nghĩ tưởng về cái chết để sống đàng hoàng hơn.
Người có tam nghiệp bất thiện thì sẽ khiến cho bất thiện tăng trưởng và thiện pháp mất đi. Khi có tam nghiệp bất tịnh thì mình sẽ không có cơ hội làm theo lời dạy của chư Phật. Khi bản thân mình có tam nghiệp bất tịnh thì mình sẽ làm gương xấu cho người đời sau (Bản dịch của Ngài Minh Châu là: “thế hệ tiếp bắt chước tà kiến”).
Tổng hợp từ NhậtKýChépBằngKinh,
Sư Giác Nguyên giảng, Nhị Tường ghi chép,