Đức Phật hộ niệm cho hành giả Pháp Hoa sau khi Ngài diệt độ, vì Ngài biết rõ trong đời mạt pháp, người hung dữ nhiều vô số. Họ không từ chối một thủ đoạn xấu ác nào để gây khó khăn chướng ngại cho hành giả Pháp Hoa trên bước đường tu không ít. Tuy nhiên, điều kiện chính yếu muốn được Phật hộ niệm, hành giả phải có căn lành; nghĩa là tâm niệm tốt và việc làm thánh thiện lợi ích của hành giả trên cuộc đời. Thiếu căn lành không khác chi thiếu ngọn đèn chánh pháp soi sáng, hành giả không thể nào đến với Phật được. Nhưng căn lành quá nhỏ, trong khi nghiệp ác quá lớn, Đức Phật cũng không thể cứu được. Như câu chuyện anh học trò trên đường đến trường thi, đã cứu một con nhện thoát chết. Khi anh đọa địa ngục vì tạo nhiều tội lỗi hơn là làm phước thiện, đến ngày rằm tháng 7, nương nhờ công đức lực của ngài Địa Tạng Bồ Tát phát nguyện cứu độ bất cứ chúng sanh nào đã có một hành động thiện dù nhỏ bằng cây kim. Anh được con nhện mà trước kia anh từng cứu sống thòng sợi dây tơ xuống. Anh vội nắm sợi dây để trèo lên và quay lại thấy sau lưng anh bao nhiêu chúng sanh đau khổ khác cũng đang bám theo sợi dây. Anh co chân đạp họ rớt xuống để lên một mình. Thế là sợi dây nhện này bị cắt đứt và anh học trò lại té xuống theo tâm niệm và hành động ích kỷ của mình. Câu chuyện hàm chứa triết lý của Phật giáo Đại thừa, để chúng ta suy nghĩ cứu người chính là cứu mình. Nhưng khi lòng tham của chúng ta quá lớn, có muốn cứu cũng không được.
Hành giả nuôi lớn căn lành, tạo sự liên hệ giữa Phật và chúng ta bằng cách tịnh hóa tâm mình. Cố gắng giữ gìn tâm tương ưng với Phật thì cầu nguyện mới có kết quả. Hành giả tập trung tâm tư nguyện vọng để duy trì làn sóng liên lạc giữa hành giả và Phật. Đến khi ra khỏi sanh tử mới được an lành.
Nhờ nhân duyên căn lành làm nhịp cầu nối tiếp với Phật, giúp cho hành giả sống trong Tịnh độ Hóa thành. Như vậy, mới tiến tu được trong đời ác, mới sử dụng được pháp phương tiện của Phật, mới không lùi bước nản lòng trước những nguyện lớn phải dấn thân. Nếu đánh mất sự tương ưng với Phật, vì tâm niệm và việc làm của chúng ta hoàn toàn trái với Phật, thì chúng ta không thể nào tiếp nhận được sự gia bị và ta cũng xác xơ như bướm rụng cánh.
Đức Phật dạy ngay khi Ngài tại thế, còn có người oán ghét kinh Pháp Hoa, huống là sau khi Ngài diệt độ. Vì vậy nhân duyên căn lành là điều kiện cần thiết dùng để bổ túc cho năm pháp tu phương tiện của chúng ta ngày nay là thọ trì, đọc, tụng, biên chép, giảng nói. Tuy chưa phải là Phật, nhưng tác dụng của hành giả giống như Phật. Ví như Đức Phật là đài phát thanh, hành giả có radio nên bắt được làn sóng điện và âm thanh của Phật, làm cho chánh pháp còn mãi trên thế gian, lợi lạc cho chúng hữu tình.
(Trích Phẩm Thọ Ký – Lược giải Kinh Pháp Hoa – HT.Thích Trí Quảng giảng giải)