“Hàng phục ma oán” là tướng thứ năm. Ma oán cũng là thị hiện, đã thành Phật rồi, lấy đâu ra ma, lấy đâu ra oán? Oán là oán thân trái chủ, Ma là các thứ thử thách, đều chẳng còn nữa; nhưng phải thị hiện như vậy, nhằm giáo hóa những bậc đại đức tu học: Nếu đi theo con đường thành Phật thì cũng chẳng dễ dàng như thế, quý vị phải chịu được khảo nghiệm. Ma oán là khảo nghiệm, phải chịu đựng được. Nhiều nỗi vùi dập để diệt hết các tập khí phiền não trong tâm quý vị thì quý vị mới có thể thành tựu, thuần tịnh, thuần thiện, lúc ấy mới có thể thành tựu.
Do vậy, Bồ Tát phải tu sáu Ba La Mật, thứ nhất là buông xuống tâm tham, keo kiệt, tham lam, dùng gì? Dùng bố thí để buông bỏ keo kiệt, tham lam. Dùng trì giới để buông ác nghiệp xuống, chẳng còn làm ác nữa. Dùng nhẫn nhục và tinh tấn để buông giải đãi xuống. Dùng Thiền Định để buông xuống tán loạn. Dùng trí huệ để buông xuống ngu si. Những thứ ấy đều là ma oán, thật sự có thể buông xuống.
Quý vị thấy tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, trong kinh Kim Cang chỉ nhắc tới bằng một câu, nhưng câu chuyện ấy được kể chi tiết trong kinh Đại Niết Bàn, tức câu chuyện vua Ca Lợi cắt chặt thân thể [Nhẫn Nhục tiên nhân]. Khi Bồ Tát đang tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, vua Ca Lợi thí nghiệm, khảo đảo xem Bồ Tát có thể nhẫn hay không? Được rồi! Lăng trì xử tử, chẳng cho ông ta chết tử tế, mà xẻo từng mảnh thịt, xẻo đến chết mới thôi. Hỏi ông ta có thể nhẫn hay không? Có oán hận hay chăng? Không oán hận, đến chết vẫn không oán hận, bảo vua Ca Lợi: “Trong tương lai ta thành Phật, người thứ nhất ta độ là nhà vua”. Không oán hận, chỉ có cảm ân, cảm ân gì? Vượt qua lần khảo nghiệm ấy, đã tốt nghiệp, Nhẫn Nhục Ba La Mật đã thành công; vì thế, sớm thành Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật vốn là vị sẽ thành Phật sau Di Lặc Bồ Tát, nhưng do công đức ngần ấy, công đức thù thắng khôn sánh, vua Ca Lợi đã ban cho tiên nhân cơ hội này, Ngài có thể nhẫn chịu, tâm chẳng có mảy may oán hận, nên thành Phật trước.
Ở đây, Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện, thị hiện thành Phật, chuyển pháp luân. Người đầu tiên chứng quả A La Hán là tôn giả Kiều Trần Như, vị này đời trước là vua Ca Lợi, Thích Ca Mâu Ni Phật là Nhẫn Nhục tiên nhân. Nói sao làm vậy, khi thành Phật đích xác độ ông ta đầu tiên.
Chúng ta phải học tập điều này! Nếu đôi chút khó khăn, vất vả, thử thách mà chẳng chịu được, làm sao quý vị có thể thành Phật? Thứ gì quý vị cũng đều phải nhẫn nại chịu đựng thì mới có thể thành tựu.
(Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa [Tinh Hoa Khai Thị 菁華開示 ] Trích đoạn:TĐĐK – tập, 103)