Có ở chỗ nhất tâm bất loạn. Chuyên trì danh hiệu, dĩ xưng danh cố, chư tội tiêu diệt. Tức thị đa thiện căn phước đức nhân duyên. Chính là 21 chữ này. 21 chữ này thật sự vô cùng quan trọng. Trong kinh Di Đà hiện nay không có 21 chữ này. Nhưng trong bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư có, ông đã thêm 21 chữ này vào trong đó.
Nếu chúng ta hỏi rằng: nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu được chăng? Diệt tội được chăng? Cổ đức từng nói, một câu Phật hiệu, niệm Phật một tiếng, có thể diệt được trọng tội sanh tử trong 80 ức kiếp. Tôi nghĩ, hàng đệ tử Phật học theo tông tịnh độ đều có nghe qua câu này. Đây là lời tổ sư dạy, là thật không giả đâu. Chúng ta suy nghĩ thử xem, nó có sức mạnh lớn như vậy sao? Đọc đoạn văn này rồi, trong đây có phương pháp. Vì sao? Một tiếng niệm Phật đó phải niệm như thế nào? Nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu, sẽ có sức mạnh lớn như vậy.
Ngày nay chúng ta niệm Phật rất nhiều vọng tâm, xem tạp vọng niệm thì công lực của chúng ta bị phá hoại mất rồi. Khi niệm Phật nếu niệm thành tâm thành ý, không có một vọng niệm nào, sức mạnh đó giống như trong đoạn này nói vậy- “chư tội tiêu diệt”. Vì sao? Trong kinh đức Phật thường dạy, ngài đã nói lên một nguyên lý nguyên tắc: “tất cả pháp tùng tâm tưởng sanh”. Chúng ta tạo tội là ý niệm bất thiện, ngày nay niệm một danh hiệu Phật là thiện niệm. Hơn nữa câu Phật hiệu này, từ tánh đức viên mãn lưu xuất ra, thì tội gì không diệt được? Ngày xưa chúng ta không hiểu được đạo lý này, ta niệm Phật hiệu sức mạnh đó rất yếu ớt. vì sao? Bởi đối với câu Phật hiệu này chúng ta có nhiều nghi vấn, hoài nghi. Sự hoài nghi này đã phá hoại công đức niệm Phật.
Cho nên Đại Thế Chí Bồ tát dạy ta niệm Phật: “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế”, có đạo lý của nó. Công đức niệm một tiếng Phật không thể nghĩ bàn. “Đô nhiếp lục căn”, mắt chúng ta thấy sắc, tai nghe tiếng, thức thứ sáu ở chỗ lục căn duyên ra ngoài, “đô nhiếp” nghĩa là kéo nó trở lại. Kéo cách nào? Mắt thấy sắc không động tâm, không khởi tâm không động niệm. Tai nghe âm thanh không khởi tâm không động niệm. Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, đều làm được đến chỗ không khởi tâm không động niệm, đó gọi là đô nhiếp lục căn. Người như thế quá giỏi! Đó là bậc thánh nhân chứ không phải hàng phàm phu. Hàng phàm phu làm sao có thể khống chế được? Tâm của họ luôn hướng ra ngoài. Ngày nay chúng ta dùng tâm gì? Dùng tâm tán loạn niệm Phật. Nếu chúng ta nhất tâm niệm Phật, thì quá giỏi rồi. Niệm Phật giống nhau, nhưng dụng tâm không giống, cho nên hiệu quả bất tương đồng. Chúng ta phải hiểu đạo lý này.
Chúng ta học giáo lý nhiều năm như thế, hiểu điều này, không còn hoài nghi nữa. Công đức của nhất tâm niệm Phật thật sự rất lớn. Cho nên nói “nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”, tương ưng mà. Tương ưng với ai? Tương ưng với tự tánh, tương ưng với tánh đức. Tương ưng với tánh đức chính là tương ưng với Phật A Di Đà. Tương ưng cách nào? Đồng tâm, đồng đức, đồng nguyện, đồng hạnh với đức Phật A Di Đà. Làm được đến chỗ bốn điều đồng này, thì ta và đức Phật A Di Đà là một thể. Quí vị nghĩ xem tội gì không diệt được?
Xưng danh ở đây, ngày nay chúng ta gọi là chấp trì danh hiệu. Chúng ta niệm câu nam mô A Di Đà Phật, hoặc niệm A Di Đà Phật. Đứng về hành môn mà nói, tám vạn bốn ngàn pháp môn. Trong tứ hoằng thệ nguyện nói: “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Trong vô lượng vô biên vô tận pháp môn, thì niệm Phật là đức thứ nhất.
Danh hiệu của đức Phật A Di Đà, là đức hiệu của chân như tự tánh, chứ không phải điều gì khác. Niệm Phật A Di Đà là niệm tự tánh của ta.
Danh hiệu này có thể dịch thành tiếng Hán. Không dịch là vì tôn trọng. Dịch ra có nghĩa là gì? A là Vô, Di Đà là Lượng, Phật là Giác. Vô Lượng Giác. Vô lượng giác là tự tánh, là tánh đức. Ngạn ngữ có câu: “vô sở bất tri vô sở bất năng”, có nghĩa là như vậy, danh hiệu này có nghĩa là như vậy. Tự tánh mới được tôn xưng như vậy- vô sở bất tri vô sở bất năng.
Ngày nào chúng ta cũng niệm, niệm niệm không ngừng, lâu ngày chày tháng thì minh tâm kiến tánh. Quí vị nghĩ xem công đức lợi ích này có lớn không, bất giác kiến tánh. Đến khi nào thì kiến tánh? Chuyên trì danh hiệu nhất tâm bất loạn thì kiến tánh. Ngày nay chúng ta niệm Phật hiệu quả không nhiều, là do chúng ta không nhất tâm, mà là tạp tâm niệm Phật, loạn tâm niệm Phật chứ không phải nhất tâm. Vấn đề là ở chỗ này. Chẳng phải Phật hiệu không linh, mà do chúng ta không biết dụng tâm.
Nghiệp chướng của chúng ta rất nặng. Không cần nói đến quá khứ, nghiệp do đời này tạo, chúng ta dùng phương pháp nào để tiêu trừ? Đời đời kiếp kiếp trong vô lượng kiếp, không biết tạo bao nhiêu nghiệp tội. Chắc chắn tạo thiện nghiệp ít, tạo ác nghiệp nhiều. Vì sao? Quí vị thấy hiện tượng này, dụng tâm tư duy quan sát sẽ thấy, con người học điều hay khó, học điều xấu rất dễ dàng. Từ đó quí vị có thể nhận ra, vô lượng kiếp, chúng ta tạo thiện nghiệp nhiều hay ác nghiệp nhiều? Chắc chắn là ác nghiệp nhiều.
Trong kinh đức Phật nói cho ta biết một sự thật. Trong Bách Pháp Minh Môn Luận nói, A lại da của chúng ta tương ưng với thiện, thiện tâm sở có 11, ác tâm sở có 26. Nhiều hơn quá một nửa, cho nên khởi tâm động niệm, dĩ nhiên sức mạnh của ý niệm rất lớn, sức mạnh của thiện yếu ớt, không mạnh như ác niệm. Huống nữa là môi trường bên ngoài, cám dỗ chúng ta.
Học thánh hiền, học Phật Bồ tát, nhân duyên này rất thù thắng. Bởi đây là môi trường rất tốt, có thể dẫn khởi thiện tâm sở của quí vị. Rời điện Phật, đi vào xã hội, sự nhiễm ô của xã hội sẽ dẫn khởi ác tâm sở của quí vị. Ác tâm sở có 26. Nên biết rằng thiện tâm sở chỉ có 11. Sức mạnh nào lớn?
Người học Phật ở trong điện Phật cũng không tồi, đến nghe kinh hai tiếng đồng hồ. Nhưng ra ngoài 2-3 phút, thì hiệu quả của hai tiếng đồng hồ sẽ không còn nữa. Cho nên những sự và lý này, chúng ta cần nên hiểu rõ ràng minh bạch. Sau đó mới thật sự tin tưởng không nghi ngờ nữa. Thật sự tin tưởng công đức niệm Phật thù thắng không gì sánh bằng.
Người xưa có câu: “đọc kinh không bằng đọc chú, đọc chú không bằng niệm Phật”. Có lý đấy! Vì sao đọc kinh không bằng đọc chú? Bởi kinh dài, chú ngắn, chú ngắn nên dễ nhiếp tâm. Đọc chú không bằng niệm Phật, bởi chú vẫn dài. Một câu Phật hiệu chỉ có bốn chữ, không có gì ngắn hơn nữa. Càng ngắn càng dễ nhiếp tâm.
Đức Phật dạy chúng ta tịnh niệm tương kế, đặc biệt là lâm mạng chung mười niệm ắt vãng sanh. Một ý niệm tiếp một ý niệm, cứ như thế 10 niệm. Thời gian 10 niệm rất ngắn, thời gian khoảng 1 phút là đủ rồi. A Di Đà Phật A Di Đà Phật, một phút là đủ rồi. Trong đó thật sự không có một tạp niệm. Từ phương diện này, quí vị dụng tâm quan sát, lãnh hội. Quí vị sẽ biết được sự thù thắng của pháp môn niệm Phật. Vì sao đức Phật Thích Ca Mâu Ni đặc biệt giới thiệu cho chúng ta, trong đời nhiều lần ngài tuyên giảng bộ kinh này. Ngài thật sự từ bi đến tột cùng. Khiến cho chúng ta chư tội tiêu diệt, thành tựu đa thiện căn phước đức nhân duyên. Đây là điều kiện tối quan trọng để vãng sanh về thế giới tây phương cực lạc.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 71
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày: 06 tháng 07 năm 2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong