TT Thích Chân Quang

[Media] Ánh trăng chung

Ánh Trăng Chung - Thiền Tôn Phật Quang
Trời về khuya, khi màn đêm buông xuống, chỉ còn lại ánh đèn mờ ảo nơi hè phố thì trên cao, trăng vẫn nằm lặng lẽ, chiếu ánh sáng rọi xuống Trái Đất.
Ánh trăng ấy đã gắn liền và đồng hành cùng tuổi thơ của biết bao em nhỏ. Con còn nhớ những ngày lên 8, lên 9, khi gần đến Trung thu, mấy đứa trẻ con cùng xóm rủ nhau xúm lại bàn luận về trăng. Hôm nay trăng méo hay tròn, trăng đi về hướng nào, rồi bàn tán hỏi nhau: “Nè cậu, nếu đứng bên Việt Nam nhìn lên mặt trăng sẽ thấy hình ảnh của chị Hằng, chú Cuội. Còn bên Trung Quốc sẽ thấy con thỏ, lạ chưa?”. Rồi mấy đứa túm lại: “Đâu đâu, nhìn thấy chưa, chưa thấy, thấy rồi”… tiếng cười bật lên. Ánh trăng đã mang đến niềm vui từ lúc nào mà không ai hay.
Tuy theo cái nhìn của khoa học, trăng chỉ là một khối đất đá vô hồn, vô cảm, không có sự sống. Nhưng từ hàng triệu năm qua, khi nhìn thấy ánh trăng đẹp đẽ từ góc trời lên dần, tỏa xuống lòng người ánh sáng mát dịu, đã có biết bao nhiêu người gửi lên ánh trăng những lời thề nguyện, hẹn ước… Và thế là biết bao bài nhạc, bài thơ về trăng xuất hiện. Từ một ánh trăng chung, mỗi người lại bày tỏ biết bao nỗi niềm riêng của mình.
Cái chung – cái riêng tưởng chừng như chỉ là điều gì đó hết sức bình thường trong cuộc sống này. Nhưng đến khi nghe được bài “Ánh trăng chung” của Sư Phụ, con mới nhận ra rằng cái chung – cái riêng này lại chứa đựng bao nhiêu đạo lý để suy ngẫm.
Ta cứ tưởng cái gì của chung thì sẽ được mọi người cùng vun đắp, nhưng thực tế thì ngược lại, cái gì của chung càng thì ít được quan tâm, để ý. Ai cũng nghĩ: “Mình không làm sẽ có người khác làm”. Và khi phải lo cho cái chung nhiều thì người ta dễ cảm thấy cực khổ, còn vun vén được nhiều cho cá nhân thì người ta mới cảm thấy hạnh phúc, vì thế con người trở nên tham lam và muốn sở hữu cho thật nhiều. Nhưng ít ai biết được rằng, phía sau sự cực khổ lo cho cái chung ấy là niềm vui, niềm hạnh phúc mà luật nhân quả công bằng sẽ đem lại xứng đáng. Ấy vậy mà cái chung – cái riêng là thước đo đạo đức của con người. Việc giành cái chung thành cái riêng đã gây ra nhiều thảm họa cho nhân loại.
Bên cạnh đó, khi giữ cho mình quan điểm sống riêng, con người bỗng trở thành xa cách và thù ghét nhau. Cái gì của mình thì bảo vệ, bênh vực; cái gì của người khác thì chống đối, thù hận. Chiến tranh sinh ra cũng bởi lẽ mỗi người giữ một cái riêng biệt. Nếu biết rằng có một cái chung rất đẹp thì con người không nỡ thù ghét nhau. Cái chung kết nối con người với nhau làm ta hạnh phúc. Do đó, đi tìm cái chung cũng là tìm hạnh phúc cho nhân loại. Trên thế giới này cần có một đạo lý chung cho cả loài người, cả chúng sinh và cho tất cả vũ trụ mà con người phải có bổn phận tìm cho ra, vì nếu không thì khoảng cách con người sẽ chia xa, sẽ quay lưng hận thù, ghen ghét, chiến tranh.
Ánh trăng như nhắc nhở loài người còn có một cái chung rất đẹp. Trong đêm vắng, khi ngước nhìn lên bầu trời thấy ánh trăng đang soi tỏ xuống trần gian, ta hiểu rằng cùng lúc đó biết bao con người cũng đang cùng ta ngắm trăng. Nếu ta cùng ngắm ánh trăng lung linh, huyền ảo, đẹp đẽ thì cớ gì ta xa cách nhau?
Nhờ bài “Ánh trăng chung” của Sư Phụ mà từ đó chúng con biết thêm những điều chung cao thượng, đẹp đẽ và thiêng liêng. Từ những điều bình dị, giản đơn và thân thuộc là đồng ruộng, nương dâu đến làng quê hay đô thị phồn hoa, đều là chung. Mọi điều trên cuộc đời đều vô thường, nay có mai mất chẳng biết trước, nhưng tình người là còn đó, tình yêu thương, tình nghĩa, sự tử tế còn ở lại. Mà ánh trăng cứ lặng lẽ, kiên nhẫn cho ta gửi gắm. Ánh trăng chung thật đáng quý và đáng trân trọng!
Để bớt cái riêng, chúng con được Sư Phụ dạy phương pháp Thiền định. Thiền định mang lại lợi ích vô cùng to lớn. Ngồi thiền giúp tâm mình lắng xuống, bớt xao động. Khi tâm lắng xuống rồi, mình biết yêu thương, biết cảm thông, chia sẻ với mọi người, bớt ích kỉ, biết sống vì người hơn, nhìn thấy lỗi lầm của mình nhiều hơn mà bớt đi những cái riêng tư cá nhân, hướng đến cái chung.
Bài pháp thoại “Ánh trăng chung” như một lời nhắn gửi, đánh thức tâm hồn đầy ngây dại của chúng con. Nào giờ từ trước đến nay chúng con chỉ biết ngắm trăng, cảm nhận trăng đẹp lung linh, huyền ảo mà không biết rằng đây là “ánh trăng chung”, nơi mà chúng con phải gửi gắm những điều chung cao thượng, phải từ bỏ những cái riêng tư cá nhân mà tập nhìn mọi điều hướng tới cái chung đại đồng.
Trung thu sắp gần kề, ánh trăng vẫn lặng lẽ, kiên nhẫn chờ đợi như nhắc nhở cả thế giới hãy cùng nhau nhìn về một hướng, hướng của sự yêu thương, hướng của sự hy sinh vì người, chỉ bởi vì ta thật sự yêu thương con người, thương yêu lẽ phải, thương yêu những giá trị cao cả, tốt đẹp của cuộc sống. Để rồi mai này thế giới sẽ cùng lắng tâm trong thiền định, cùng nắm tay nhau xây dựng đạo tình đoàn kết mà sống yêu thương nhau nhiều hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *