HT Tuyên Hóa, Lời dạy của đức phật

Một câu Niệm Phật, tuy đơn giản như vậy nhưng không phải dễ dàng

Người niệm Phật

Niệm Phật một câu, tuy đơn giản như vậy nhưng không phải dễ dàng. Chớ tưởng rằng bất cứ ai cũng có thể Niệm Phật được. Nếu người có nghiệp chướng nặng nề thì muốn Niệm Phật, niệm cũng chẳng ra. A Di Đà Phật. _()_

Quý Phật tử từng xem hát, có lẽ cũng biết về một tấn tuồng tên Phong Ma Tảo Tần. Nội dung vở tuồng nói về Ðịa Tạng Vương Bồ Tát muốn giáo hóa Thừa Tướng Tần Cối ở nước Nam Tống.
Thuở xưa Tần Cối rất hiếu thảo với cha mẹ. Vì hiếu thảo với cha mẹ nên ông tạo được một ít công đức. Do đó đời này ông được giàu sang. Nhưng được giàu sang rồi ông không biết tiếp tục tạo căn lành như trước để vun bồi quả tốt cho tương lai và, ông ta đã tạo rất nhiều tội lỗi.
Có lẽ vào một đời nào đó trong quá khứ, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát có quan hệ bạn bè với Tần Cối, cho nên Ngài nghĩ rằng người này nên được cứu độ. Nguyện lực của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát rất lớn. Ngài bèn phát tâm độ ông Tần Cối này.
Ngài độ ông Tần Cối bằng cách nào? Ngài hóa thân làm một vị Tỳ Khưu, viết chữ “Phật” trong lòng bàn tay rồi đến đưa cho Tần Cối xem. Chỉ cần Tần Cối nhận ra chữ này và nói đó là chữ Phật, thì tất cả tội lỗi mà Tần Cối đã tạo từ trước Ngài sẽ giúp được xá miễn. Ðịa Tạng Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo này để độ Tần Cối. Nhưng khi Tần Cối gặp Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, ông chẳng sanh tâm cung kính. Vì ông không sanh tâm cung kính nên Ðịa Tạng Vương Bồ Tát dùng đại oai thần lực, lấy phất trần phủi một cái khiến ông tự động quỳ xuống, muốn đứng dậy cũng chẳng được. Ðịa Tạng Vương Bồ Tát chìa tay ra và hỏi ông rằng: “Ông hãy xem chữ gì trong lòng bàn tay tôi.”
Tần Cối liếc qua rồi nói: “Tôi đậu Trạng Nguyên, nay làm Tể Tướng, văn tự các nước tôi đều thông, văn tự các nước mang đến xứ này đều qua tay tôi duyệt, hà huống chỉ có một chữ trong lòng bàn tay Ngài? Ngài cho rằng tôi không biết chữ đó hay sao? “Biết thì tôi biết đấy, nhưng tôi không muốn đọc cho Ngài nghe!”
Quý Phật tử nghĩ xem! Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đầy lòng từ bi, muốn ông Tần Cối chỉ đọc một chữ “Phật” mà thôi. Ông ta biết chữ “Phật” đó nhưng chẳng thốt ra tiếng được, lại còn nói: “Tôi biết nhưng tôi không đọc cho Ngài nghe.” Kết quả nghiệp chướng của y chẳng được tiêu trừ mà lại còn bị đọa địa ngục. Câu chuyện này đủ chứng minh niệm Phật chẳng phải là việc dễ dàng.
Giả sử cái tâm chúng sanh của mình “ức Phật niệm Phật”, nhớ Phật niệm Phật. Tâm luôn tưởng nhớ Phật, miệng luôn niệm Phật, thì hiện tiền và trong tương lai nhất định sẽ được thấy Phật. Mình nhớ Phật, niệm Phật, hễ chuyên nhất tất sẽ có linh ứng, tâm phân tán thời linh ứng khó hiển hiện. Tâm niệm được chuyên nhất, niệm Phật một cách khẩn thiết, chí thành, đến nỗi nước chảy cũng là niệm Phật, gió thổi cũng là niệm Phật, niệm cho đến độ mọi âm thanh chung quanh đều là “A Di Ðà Phật,” như vậy mới gọi là “Nhớ Phật niệm Phật”.
HT Tuyên Hóa (Trích bài giảng từ Chương Ðại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông)

Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *