Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Buổi sáng thức dậy rửa mặt, mặt cần phải rửa sao? Các bạn nói mặt cần phải rửa hay không?

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – HT Tịnh Không
Nhân duyên lần này vô cùng đặc biệt thù thắng, chỗ giảng kinh cũng rất hy hữu, Phật ở tại cung trời Đao Lợi chứ không phải ở chỗ khác. Ở cung trời Đao Lợi, “Phật” là chủ thành tựu, người chủ giảng trong pháp hội này, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chữ “tại” này hay vô cùng, đặc biệt là nói từ trên sự tướng. Nói “tại”, đây cũng đều là lời chân thật! Người thế gian chúng ta có rất nhiều sự hiểu lầm, [nhiều khi có] một quan niệm sai lầm cả đời chính mình cũng không thấy ra được.
Chúng ta đưa ra vài thí dụ đơn giản để giải thích, buổi sáng thức dậy rửa mặt, mặt cần phải rửa sao? Các bạn nói mặt cần phải rửa hay không? Nói “rửa mặt” là sai rồi, rửa đi những vết dơ trên mặt chứ chẳng phải rửa mặt. [Cũng như nói] giặt quần áo, quần áo cần giặt không? Cũng chỉ giặt những bụi bẩn trên quần áo. Các bạn nghĩ kĩ thử xem chúng ta có bao nhiêu quan niệm sai lầm. Lau bảng đen trong phòng học, bảng đen cần phải lau ư? Lau là lau bụi phấn trên bảng đen chứ đâu phải là lau bảng đen, bảng đen chỉ cần lau một cái thì sơn đen tróc mất, đâu còn gọi là bảng đen nữa.
Thế mới biết trong đời sống hằng ngày chư vị nghĩ xem có bao nhiêu quan niệm sai lầm, sai quá chừng, ai cũng sai nhưng cứ tưởng rằng là đúng. Đến khi đức Phật nói sự thật cho chúng ta, nghe xong đều cảm thấy kỳ lạ. Chữ “tại” này là lời nói chân thật, nếu nói bạn “trụ” là không đúng, bạn làm sao “trụ”? Hôm nay dọn lại đây, ngày mai dọn tới chỗ kia, đâu có “trụ”, chỉ nói thân thể lúc bấy giờ ở “tại” đâu, nói như vậy mới đúng. Thế nên mới nói “Phật tại”. Thật ra chúng ta cũng “tại”, hôm nay “tại” Singapore, hiện nay “tại” Tịnh Tông Học Hội, tối nay “tại” Cư Sĩ Lâm, đều là “tại”.
“Trụ” là ở đó chẳng động; thì gọi là “trụ” thường di động thì gọi là “tại”. Chữ “trụ” trong Phật pháp là gì? Là Tâm an trụ. Bạn “trụ” trong cung điện lầu các, Phật ở nơi đây gọi cung điện lầu các là từ bi, tâm an trụ trong từ bi, tâm an trụ trong chánh giác, đó gọi là “trụ”, vĩnh viễn không rời khỏi thì gọi là “trụ”. Thân luôn luôn di động thì gọi là “tại”, cho nên từ trên sự tướng thì gọi là “tại”.
Lần này Phật ở đâu? Tại “Đao Lợi thiên”, tầng trời thứ hai trong Dục Giới. Người thế gian biết có trời, biết có thiên thần, đối với thiên thần cũng rất cung kính, xưng Ngài là Thượng Đế, người Trung Quốc xưng Ngài là Ngọc Hoàng Đại Đế, đại khái đều là Đao Lợi thiên chủ. Họ không biết bên ngoài cõi trời còn có cõi trời khác, họ không biết được. Phật nói với chúng ta thế giới Sa Bà có hai mươi tám tầng trời, số lượng trong mỗi tầng cũng vô lượng vô biên, từ dưới lên trên có hai mươi tám tầng, hai mươi tám tầng chia thành Tam Giới: Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới.
Gọi là Dục Giới bởi vì vẫn còn tham muốn ăn uống, nam nữ, vẫn chưa đoạn dứt thứ này nhưng càng lên cao thì nó càng mỏng dần. Đến Sắc Giới thì dục vọng này không còn nữa, chúng ta thường nói “tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ”, người cõi trời sắc giới hết thảy đều không còn nữa. Người cõi Sắc Giới không cần phải ăn uống, cũng không cần phải ngủ nghỉ, vĩnh viễn là tỉnh thức; không cần phải ăn uống, dùng thiền duyệt làm thức ăn; họ không cần ăn uống nhưng họ vẫn còn sắc thân, có sắc tướng.
Đến Vô Sắc Giới là cõi phàm phu cao cấp nhất trong lục đạo, ngay cả thân thể này họ cũng không cần nữa. Trước khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, Trung Quốc cổ đại xuất hiện một người có đại trí tuệ, là Lão Tử. Lão Tử nói: “Tôi có niềm ưu tư to lớn vì tôi có cái thân này” Tôi có âu lo lớn lao, đó là gì? Vì có thân này, thân thể là sự phiền lụy, là sự phiền phức. Ngài có sự giác ngộ như vậy, có thể Lão Tử đã sanh lên cõi trời Vô Sắc Giới, bởi vì Ngài chán ghét cái thân thể này, chán ghét những sắc tướng này.
Ở cõi Vô Sắc Giới thì sắc tướng không còn nữa. Một số người chúng ta thường nói đến “Linh Giới” có lẽ là nói về trời Vô Sắc Giới; trong cõi ấy là tự tại nhất, ngay cả sắc tướng cũng không có. Đây là cách phân chia thành tam giới, hai mươi tám tầng trời, đây là một phạm vi trong sự giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, rộng lớn như vậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *