Đức Phật

Ấn Quang Đại Sư là Hóa Thân Đại Thế Chí Bồ Tát

Ấn Quang Đại Sư khai thị

Ấn Quang Đại sư tức tổ thứ 13 của Tịnh Độ. Người là bậc long tượng trong thế kỷ này. Về Giáo thì thông cả Tam tạng, về Luật thì giới hạnh sáng rỡ, về Thiền thì thấu triệt tâm tông, về Tịnh thì tự hành hóa tha. Đúng là bậc Thiện tri thức của mọi người, đáng là đấng Đại đạo sư của mọi giới. Lời khai thị của Đại sư là khuôn vàng cho hàng Phật tử cùng noi, lời giảng dạy của Đại sư là thước ngọc cho nhơn thế cùng bước.

Tôi lần đầu đọc Gia Ngôn Lục của Ngài cũng mừng rơi nước mắt. Thương mình mà cũng thương pháp giới chúng sanh: Vô lượng kiếp đến nay trôi lăn trong sanh tử luân hồi cũng bởi chẳng biết đến Phật pháp mà hành trì! Vô lượng kiếp nên nay trầm luân trong sanh tử, xuống lên trong sáu cõi chẳng biết ngày ra. Vô lượng vô biên đức Phật đã xuất thế, vô lượng vô biên chúng sanh do đó mà được độ thoát… Ta do ác nghiệp nào mà ngày nay vẫn mang thân phàm phu trong cõi đời ngũ trược?! Nguyện bạn đọc hữu duyên xin một lần hãy đọc Gia Ngôn Lục hoặc Văn Sao của Ngài, lợi lạc vô cùng!

Mục lục

Ấn Quang Đại Sư – Hóa Thân của đức Đại Thế Chí Bồ Tát

Vì sao Ấn Quang Đại sư lại được hậu thế tôn xưng là Hóa Thân của đức Đại Thế Chí Bồ Tát? Ta hãy xem Tuyên Hóa Thượng Nhân kể về Ngài: “…Tôi nhớ tới chuyện của Ngài Ấn Quang đại sư, Ngài ngồi niệm Phật rồi thị tịch tại núi Linh Nham ở Tô Châu, khi hỏa thiêu thì dùng gỗ chiên đàn để thiêu di thể. Lúc đó, người tham dự chẳng biết là bao nhiêu. Từ trên núi xuống dưới chân núi khoảng ba dặm, mà đầy rẫy mọi người đều đến đưa đám.

Sau khi thiêu xong thì lượm được rất nhiều xá lợi năm màu. Ngài Ấn Quang chẳng những dụng công tu hành, mà còn tinh thông kinh điển. Ngài tu ở trên núi Phổ Ðà mười tám năm. Trong thời gian đó, Ngài chuyên tâm duyệt đọc Ðại Tạng Kinh.

Khi duyệt đọc thì ngồi ngay thẳng, cung kính cầm quyển kinh. Khi vào nhà cầu thời cởi y áo giày dép, thay đổi áo khác giày khác để vào. Trở ra thì mặc vào lại. Vì cung kính như thế, cho nên đã khai ngộ. Sau khi khai ngộ thì chuyên môn niệm ‘’Nam Mô A Di Ðà Phật,’’ sáu chữ hồng danh. Về sau thành lập đạo tràng ở trên núi Linh Nham ở Tô Châu, đề xướng pháp môn niệm Phật, pháp môn này rất dễ tu trì.

Ấn Quang Đại sư: Chúng sanh vô duyên, Đại Bồ Tát cũng vô phương cứu độ

Ngài Ấn Quang về mặt học vấn và đạo đức đều là thượng thừa, chẳng hổ là một bậc cao Tăng. Ðáng tiếc giọng nói quá nặng (người ở Xiểm Tây Cáp Dương), một số người chẳng hiểu lời của Ngài nói. Cho nên, Ngài rất ít giảng kinh thuyết pháp. Song, Ngài dùng văn tự để tuyên dương Phật pháp. Do đó, có câu : ‘’Lời nói khuyên người một thời, Sách vở khuyên người trăm đời.’’ Do đó, lưu lại văn sao của Ngài Ấn Quang, người sau được ích lợi không ít.

Một năm nọ, Ngài Ấn Quang đến Nam Kinh giảng kinh, cũng có thể người tin Phật rất ít, mấy ngày đầu còn có người nghe kinh, về sau dần dần giảm bớt. Cuối cùng chỉ còn một người ngồi ở đó nghe. Ngài Ấn Quang từ pháp tòa nhìn xuống đạo tràng rộng lớn, mà chỉ có một người nghe kinh, tâm nghĩ: “Một người nghe kinh cũng phải giảng kinh”.

Sau khi giảng xong, rời khỏi pháp toà đến trước người đó bèn hỏi: Cư sĩ! Ông có hiểu tôi giảng kinh chăng?

Người đó đáp: Tôi chẳng hiểu Ngài giảng cái gì?

Ngài Ấn Quang trả lời: Nếu ông không hiểu, sao lại đến nghe kinh?

Người đó đáp: Tôi là người quản lý ở đây, đợi khi thầy giảng xong, thì tôi thu xếp bàn ghế lại.

Từ đó, Ngài Ấn Quang phát nguyện, chẳng giảng kinh ở Nam Kinh nữa.

Ấn Quang Đại sư: Huyền tích Hóa Thân Bồ Tát

Một năm nọ, Ngài Ấn Quang đến Thượng Hải giảng Kinh A Di Ðà, có đăng tin tức trên báo, khiến cho người có duyên đến nghe kinh gieo trồng căn lành, tích tụ công đức. Lần pháp hội đó, rất long trọng trang nghiêm, rất nhiều người đến nghe kinh đều là tín đồ kiền thành.

Ðương thời, có một nữ cư sĩ (chẳng phải là Phật tử) ở trong mộng thấy có người mặc áo giáp màu vàng, bảo với cô ta rằng: “Con hãy đến Thượng Hải để nghe Bồ Tát Ðại Thế Chí giảng Kinh A Di Ðà.” Cô ta nhớ rất rõ ràng. Ngày thứ hai sáng sớm xem báo, thì thấy tin tức họ cung thỉnh Ngài Ấn Quang giảng Kinh A Di Ðà.

Ấn Quang Đại SưẤn Quang Đại Sư

*

Cô ta vì tâm hiếu kỳ, mà đến chỗ đó để cầu kiến Ngài Ấn Quang. Khi thấy Ngài Ấn Quang thì tự động đảnh lễ, bèn nói với Ngài Ấn Quang rằng: “Con chẳng phải là Phật giáo đồ, vì đêm hôm qua con nằm mộng thấy có người bảo con đến chỗ này nghe Bồ Tát Ðại Thế Chí giảng Kinh A Di Ðà. Xin hỏi Ngài, có Phải Ngài là Bồ Tát Ðại Thế Chí?”

Lúc đó, Ngài Ấn Quang dơ tay thị ý: “Việc này, con biết, ta biết, đừng nói cho ai biết.”

Vị nữ cư sĩ đó, bèn quy y Tam Bảo, cuối cùng vẫn giữ tin này bí mật, chẳng thố lộ với bất cứ ai.

Ba năm sau, khi Ngài Ấn Quang viên tịch trên núi Linh Nham, thì vị cư sĩ này, mới tuyên bố cảnh giới này ở trước công chúng. Lúc đó, mọi người mới biết Ngài Ấn Quang là hóa thân của Bồ Tát Ðại Thế Chí, Bồ Tát thừa nguyện trở lại. Ðời sau, tôn xưng là Tổ Sư thứ mười ba của Liên Tông. Tuy nhiên, đệ tử quy y với Ngài khắp thiên hạ, nhưng chẳng có đệ tử truyền pháp. Tại sao? Vì Ngài thệ nguyện chẳng lập chùa, chẳng thu đệ tử xuất gia.”

Tiểu Sử của Ấn Quang Đại sư

Theo Tịnh Độ Tập Yếu: “Ấn Quang Ðại Sư, húy Thánh Lượng, biệt hiệu Thường Tàm. Người khoảng cuối nhà Thanh sang kỷ nguyên Dân Quốc, con nhà họ Triệu ở Thiểm Tây. Thuở bé ngài học Nho, lớn lên lấy việc duy trì đạo Khổng làm trách nhiệm, nên theo thuyết của Hàn Dũ, Âu Dương Tu bài bác Phật pháp.

Ngài từng bị đau mắt khi sanh ra vừa sáu tháng, sau tuy lành bệnh nhưng mục lực đã suy kém. Mắt vừa hơi đỏ thì chỉ nhìn thấy cảnh vật lờ mờ. Khi bị bệnh, tự xét biết lỗi lầm, liền cải hối tâm niệm trước. Niên hiệu Quang Chữ thứ bảy đời Thanh, vừa sang hai mươi mốt tuổi, căn lành thành thục, ngài xuất gia với Ðạo Thuần Hòa Thượng tại chùa Liên Hoa Ðộng ở núi Chung Nam.

Tại đây, Sư chuyên cần nghiên cứu kinh điển, hiểu sâu thông suốt pháp môn Tịnh độ, nhiếp hóa hết thảy các căn cơ. Ngài tự gánh lấy trách nhiệm hoằng dương Phật pháp phổ độ quần sanh. Sư đi du hóa khắp nơi, có lúc ở Chung Nam, Hồng Loa, Phổ Đà… Ít lâu sau, lại được duyên thọ Ðại Giới nơi chùa Song Khê, huyện Hưng An với luật sư Ấn Hải Ðịnh. Lúc thọ giới Cụ túc, vì Ngài cẩn thận và viết chữ khéo nên được cử làm chức thư ký.

*

Do viết chữ quá nhiều, đôi mắt lại phát đỏ như huyết. Lúc trước nhân khi phơi kinh được xem bộ Long Thơ Tịnh Ðộ, biết rõ công đức niệm Phật, nên kỳ thọ giới này. Ban đêm sau khi chúng an nghỉ, ngài vẫn ngồi niệm Phật. Ban ngày cho đến lúc viết chữ, tâm cũng không rời Phật. Nhờ đó tuy đôi mắt phát đỏ, vẫn có thể gắng gượng biên chép. Khi giới đàn vừa mãn, bệnh đau mắt cũng được lành. Do đây, ngài biết công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn! Và nhân duyên này cũng là đầu mối khiến ngài quy hướng Tịnh Ðộ và khuyên người niệm Phật.

Từ đó, Ðại Sư tiến bước trên đường tu học trải qua các danh lam: Tư Phước Tự, Long Tuyền Tự, Viên Quảng Tự và sau cùng đến chùa Pháp Võ ở Phổ Ðà Sơn. Năm Dân Quốc thứ mười chín, Sư đến Tô Châu sáng lập đạo tràng Tịnh Độ Linh Nham. Vì thấy chư Tăng có người không như pháp, nên Sư phát nguyện: Không trụ trì chùa viện, không thu đồ chúng, không hóa duyên, cũng không mở hội niệm Phật. Thường ngày, Sư không giao tiếp với hàng cư sĩ hay quan quyền; không cười hay nói, không phô trương công việc; không trước tác kinh sách hay sám hối công đức, mà chí khí Sư vẫn cao, hạnh vẫn tinh khiết.

*

Tính đến cuối đời nhà Thanh, trong hơn ba mươi năm xuất gia, Ðại Sư trước sau mai danh ẩn tích. Ngài không thích cùng người tới lui giao tiếp để hôm sớm yên tu, cầu chứng Niệm Phật tam muội. Có những hôm, Sư đóng cửa tịnh thất để viết thư phúc đáp, trả lời những điều vấn nạn cho bốn chúng học Phật. Bằng ngôn ngữ tinh tế, ý nghĩa sâu xa. Sư đã để lại trăm vạn lời tốt đẹp cho hàng hậu học.

Nhờ vậy, ngày nay chúng ta có tác phẩm Ấn Quang Đại Sư Văn Sao hành thế. Lời văn và ý nghĩa biểu đạt chơn thành, dạy người sống theo luân thường đạo lý; Lấy tịnh tâm làm gốc, niệm Phật cầu sanh Tây phương làm mục đích. Mỗi mỗi lời đều hợp với ý Phật ý Tổ, khéo thích hợp tùy theo từng loại căn cơ; dù cho hạng sơ cơ đọc tụng cũng có thể thông hiểu. Pháp ngữ của Sư lưu truyền khắp nơi, ấn vào tâm khảm con người.

Cuối năm Dân Quốc thứ hai mươi chín, ngày 24 tháng 10, Ðại Sư dự biết kỳ vãng sanh. Ngài cho triệu tập chư Tăng và cư sĩ về chùa Linh Nham. Trong buổi hội đàm, Ngài suy cử Diệu Chơn Hòa Thượng kế nhiệm trụ trì, dặn dò các việc mai sau, và bảo: “Pháp môn Niệm Phật không có chi đặc biệt lạ kỳ. Chỉ cần khẩn thiết chí thành thì không ai chẳng được Phật tiếp dẫn”.

*

Qua ngày mùng 4 tháng 11, Ðại Sư cảm bệnh nhẹ, song vẫn tinh tấn niệm Phật. Niệm xong, bảo đem nước rửa tay, rồi đứng lên nói: “Phật A Di Ðà đã đến tiếp dẫn, tôi sắp đi đây. Ðại chúng phải tin nguyện niệm Phật cầu về Tây phương!”. Nói đoạn, bước lại ghế ngồi kiết già, chắp tay trì danh theo tiếng trợ niệm của đại chúng rồi an lành viên tịch.

Lúc ấy, Ðại Sư tăng lạp được sáu mươi, thế thọ tám mươi tuổi. Rằm tháng Hai năm sau, nhằm thánh tiết Phật nhập Niết Bàn, cũng vừa đúng kỳ Ðại Sư vãng sanh được một trăm ngày. Hàng đạo tục các nơi hội về Linh Nham trên hai ngàn người, sắp đặt lễ trà tỳ. Lúc ấy bầu trời hốt nhiên sáng tạnh trong trẻo. Khi Chân Ðạt Hòa Thượng cầm đuốc cử hỏa, khói bay lên trắng như tuyết, hiện ra ánh sáng năm sắc.

*

Hôm sau Diệu Chơn Hòa Thượng cùng đại chúng đến nơi khám nghiệm thì thấy: Xá lợi hiện ra nhiều hình dáng, đủ các màu, có thứ gồm ngũ sắc. Tất cả đều cứng như khoáng chất, gõ vào phát ra tiếng trong thanh. Ðại chúng lựa chia thành sáu phần:

1. Nha xỉ xá lợi: Gồm ba mươi hai cái răng.

2. Ngũ sắc xá lợi châu: Nhiều hạt tròn sáng.

3. Ngũ sắc tiểu xá lợi hoa: Hình như các đóa hoa nhỏ.

4. Ngũ sắc đại xá lợi hoa: Hình như những đóa hoa lớn.

5. Ngũ sắc huyết xá lợi: Do huyết nhục hóa thành.

6. Ngũ sắc xá lợi khối: Gồm những khối có nhiều hình dáng, màu sắc Tất cả đều để vào lồng kiếng, trân tàng tại bản sơn.”

(Ấn Quang Đại Sư là Hóa Thân Đại Thế Chí Bồ Tát)

Tuệ Tâm 2021.

Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *