Về đường con cái, có người chỉ biết là do mình tạo ra mà không biết rằng sự quyết định còn do mệnh trời; lại có người chỉ biết rằng sự quyết định do mệnh trời mà không biết rằng cũng do chính mình tạo ra.
Thế nào là sự quyết định do nơi mệnh trời? Ở đời có những người thê thiếp đầy nhà mà không con,lại có những người chỉ duy nhất một vợ nhưng con cái đông đúc, rất thường thấy như vậy. Lại [trong số những người không con], có người tìm cầu đủ mọi phương thuốc nhưng đều vô hiệu, lại có người chưa dùng hết một thang thuốc đã sớm có con; có người thử qua trăm phương ngàn cách cũng không tác dụng gì, nhưng có người chỉ tạm chung chăn gối lại sinh con. Những trường hợp như thế đều do trời quyết định, chẳng phải do ý người.
Thế nào là do chính mình tạo ra? Nói chung, nếu phải chịu cảnh không con nối dõi, đó thường không phải do nghiệp vừa tạo ra trong đời này, mà là nghiệp quả chiêu cảm từ đời trước. Trời cao sáng suốt, có lẽ nào chỉ riêng ghét bỏ một mình ta? Ấy chỉ là chuyện làm ác ắt phải gặp ác, làm lành tất nhiên được hưởng quả lành đó thôi. Ví như đeo chuông vào cổ cọp, ai buộc vào được ắt phải chính người ấy mới có khả năng gỡ ra được. Lại cũng như trong đầm lạnh chứa nước, nước ấy có thể đông lại thành băng, băng ấy có thể tan ra thành nước. Đó gọi là [thiện ác tốt xấu đều] do chính mình tạo ra, không phải do trời.
Người khéo biết cách cầu con, thường là trong chỗ không cầu mà được, trong chỗ thường làm phương tiện giúp người mà được, trong chỗ tu tập lòng từ bi, bình đẳng đối với tất cả chúng sinh mà được. Hiện nay đã thấy người xưa đạt được những kết quả như thế, sao không noi theo đó mà làm?
Dưới đây là một câu chuyện GIỮ LÒNG NHÂN NGHĨA TRƯỚC SẮC DỤC được Trời ban con Trai.
Mã Phong ôngtrước đây đến tuổi trung niên vẫn chưa có con, cưới được một người thiếp hết sức xinh đẹp. Mỗi khi chải tóc, nhìn thấy ông liền tránh mặt đi. Ông gạn hỏi, cô nói: “Cha tôi chết trong lúc đang làm quan, hài cốt vẫn chưa đưa về quê được, chính vì thế gia đình mới phải bán tôi làm thiếp cho ngài [để có tiền đưa hài cốt cha về quê]. Tôi vẫn chưa hết thời gian khóc tang cha, dùng lụa trắng búi tóc. Vì thế mỗi khi [chải tóc] thấy ngài thì tránh đi, [không muốn cho ngài biết].”
Ông nghe chuyện như thế hết sức cảm động, liền ngay trong ngày ấy đưa cô gái trở về với người mẹ, chẳng những không đòi lại số tiền trước đây mà còn giúp thêm lộ phí cho họ đi đường. Hai mẹ con cùng khóc mà từ biệt ông.
Đêm ấy, Mã Phong ông nằm mộng thấy một vị thần đến bảo ông rằng: “Trời ban cho ông một đứa con trai, phúc lành từ nay thường đến, như dòng nước chảy mãi không dứt.”
Qua năm sau, quả nhiên ông sinh được một đứa con trai, [nhớ lại điềm mộng cũ,] liền đặt tên con là Mã Quyên, [vì chữ quyên (涓) có nghĩa là dòng nước]. Về sau, Mã Quyên thi đỗ Trạng nguyên.
LỜI BÀNỞ Nhạc Châu, người cha của Phùng Trạng nguyên trước đây cũng vì không con nên bỏ tiền cưới thiếp, gặp người thiếp là con nhà đang lúc hoạn nạn khốn cùng, liền trả cho về nhà. Không bao lâu vợ ông liền có thai. Người trong làng khi ấy có nhiều người đều nằm mộng nghe thấy tiếng trống nhạc đưa đón Trạng nguyên.
So với câu chuyện của Mã Phong ông cũng tương đồng.
[ An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Tham Dục ]