Tu là cốt để biết rõ mình. Muốn biết rõ mình phải “biết lỗi” mình. Tu mà không biết lỗi mình thì không bao giờ tu tiến được. Những lỗi hiện đời và lỗi từ vô thủy, biết bao lỗi, thế mà không biết, thì sao gọi là tu?
Dễ thay thấy lỗi người
Lỗi mình biết mới khó
Lỗi người ta phanh tìm
Như tìm thóc trong gạo.
Còn lỗi mình che đậy
Như kẻ gian giấu bài.
(Kinh Pháp Cú)
Dễ thấy lỗi người việc ấy không khó, chỉ cần nhìn sơ qua là mình thấy người đó có lỗi rồi. “Vạch lá tìm sâu, quét nhà ra rác” điều này quá rõ ràng. Thấy lỗi người không khó.
Thấy lỗi mình mới thật là khó. Vì thông thường mình vốn thương mình, thì có bao giờ mình chịu cho mình là xấu (có lỗi thì thành xấu), vậy nên có mấy người chịu trở lại tìm lỗi mình, mặt mình dính lọ thì có bao giờ mình thấy, nếu không có người chỉ, không biết xem gương.
Vậy đó mà với lỗi người thì ta phanh tìm không bỏ sót. Người ta có giấu mình cũng phải tìm bươi móc cho ra. Việc này giống như việc lượm thóc trong gạo, lượm từng hạt, lượm thật kỹ. Cái tật này gần như muôn đời ở một con người. Đó là gần như bản chất, một thứ bản chất xấu xa tồi bại. Nó được coi là rất trái với thánh đạo.
Ngược lại, với lỗi mình thì bưng bít, che đậy giống như người cờ gian bạc lận, giấu đi con bài của mình v.v… để phòng thủ thắng kẻ khác. Một sự giấu giếm thật khéo léo thật tinh vi.
Cái tật chúng sanh là như vậy. Mấy ai chịu gan dạ phơi bày lỗi mình.
Đức Phật đã nói như vậy, là trước chỉ cho con người thấy rõ sự lầm lẫn của mình, thấy rõ ngõ ngách của tâm hồn mình. Thấy rồi để mà khéo chừa đi. Là một Sa Môn, một người tu chớ có thấy lệch lạc như vậy. Mà lúc nào người Sa Môn cũng phải biết rõ lỗi của mình để phát lồ sám hối. Phát lồ tức là phơi bày lỗi lầm, không giấu giếm, mà đưa ra trình lên trước đại chúng, nhận khuyết, nhận lỗi cầu xin sám hối.
Ngài Huệ Năng đã dạy: Thường biết lỗi mình, chớ biết lỗi thế gian.
Tu là cốt để biết rõ mình. Muốn biết rõ mình phải “biết lỗi” mình. Tu mà không biết lỗi mình thì không bao giờ tu tiến được. Những lỗi hiện đời và lỗi từ vô thủy, biết bao lỗi, thế mà không biết, thì sao gọi là tu? Tu là sửa. Sửa là sửa lỗi. Sửa lỗi thành không còn lỗi nữa gọi là tu. Không như vậy, gọi tu là tu làm sao?
Vậy chớ có biết lỗi người. Phải thường biết lỗi mình. Được vậy trong tương quan cuộc sống mình không bị thiên hạ ghét. Mình không nói lỗi người thì ai ghét mình. Và trong việc tu hành, ngày càng tiêu được tội lỗi, nghiệp chướng vơi đi, tâm trí ngày càng sáng thêm. Niềm an vui ngày càng rộng mở. Cuộc sống ngay đó được hạnh phúc. Không cầu mà được.