Văn hóa xã hội

10 cách làm thiện – làm nhiều việc thiện không cần phải xả tiền tài vẫn làm được

10 cách làm thiện - làm nhiều việc thiện không cần phải xả tiền tài vẫn làm được
Phàm là người có tiền, có thế muốn làm công đức so với người bình thường dễ hơn nhiều. Song họ lại không chịu làm. Đó gọi là tự làm lỡ mình, đánh mất cơ hội tốt.
Còn người nghèo muốn làm phước thật là rất khó, song nếu họ làm được mới thật sự đáng quý.
Chúng ta sống ở đời, nếu gặp phải cơ duyên nên tùy sức tùy phận giúp đỡ người khác. Có điều cứu giúp mọi người cũng không phải là việc dễ dàng, và cách thức lại rất nhiều. Nay lược nêu ra mười điều:
1. GIÚP NGƯỜI LÀM THIỆN
Khi thấy người có lòng lành, ta phải khuyến khích, giúp đỡ khiến cho tâm lành của họ ngày càng tăng trưởng. Người khác làm việc lành, sức không đủ, làm không thành, ta phải trợ giúp khiến việc lành đó thành tựu. Đó là tùy hỷ khuyến trợ việc thiện.
2. CÓ LÒNG THƯƠNG YÊU KÍNH TRỌNG
Chúng ta phải có lòng thương yêu kính trọng không những là người học vấn, tuổi tác, vai vế lớn hơn mình, mà ngay cả người nhỏ tuổi, vai vế thấp, nghèo hèn, mình cũng phải bình đẳng quý trọng.
3. THÀNH TỰU CHO NGƯỜI
Ví như có một người định làm một việc tốt, song chưa quyết định, thì ta phải khuyên họ nên hết lòng hết sức làm. Lúc người khác làm việc lành, nếu gặp chướng ngại, không thể thành công, thì ta nên tìm cách chỉ dẫn họ, khích lệ họ khiến thành công, mà không được sinh tâm ganh tỵ đi phá hoại họ.
4. KHUYÊN NGƯỜI LÀM THIỆN
Gặp người làm việc ác, phải nói nhân quả cho họ nghe, làm ác nhất định gặp ác báo. Gặp người không chịu làm việc thiện, hay chỉ làm những việc thiện nhỏ nhoi, thì ta phải khuyên họ, khiến biết được làm việc thiện quyết định có quả báo tốt đẹp, nên không những phải hoan hỉ làm, mà còn phải hết sức làm.
5. CỨU NGƯỜI KHI NGUY CẤP
Người ta thường thích trên gấm thêm hoa, song lại thiếu tinh thần biếu than mùa tuyết lạnh. Đây là nói người khá giả quyền thế thì lắm người xu phụ, còn kẻ nghèo hèn lại không ai quan tâm. Cho nên, khi chúng ta gặp người đang lúc nguy hiểm khó khăn, khẩn cấp nhất mà kịp thời giúp đỡ, ra tiền ra sức đưa họ vượt khỏi cảnh khó, có thể nói là công đức vô lượng. Song phải cẩn thận đừng để khởi tâm ngạo mạn.
6. LÀM VIỆC LỢI ÍCH LỚN
Việc lợi ích lớn, cần người có năng lực lớn mới làm được. Người có năng lực lớn, cũng nên làm việc lợi ích lớn cho nhân quần xã hội.
Ví dụ như: Làm hệ thống thủy lợi, cứu giúp khu thiên tai hỏa hoạn. Song có khi không cần phải có năng lực lớn cũng làm được việc lợi ích lớn. Như chỉ cần thấy bờ đê có lỗ mọi nhỏ, nghĩ đến bờ đê có thể vì lỗ mọi này mà đưa đến vỡ lở, làm rất nhiều sinh mạng và tài sản bị đe dọa, nên phát tâm lấp lại. Đây tuy là việc làm nhỏ song lợi ích lại rất lớn.
7. XẢ TÀI SẢN LÀM VIỆC PHƯỚC
Tục ngữ nói: Người ta vì tham tiền tài mà chết. Người đời lòng luôn yêu tiếc tiền bạc, tài sản. Tiền của càng nhiều càng tốt, có ai lại bỏ của cải ra giúp cho người khác? Cho nên, có thể bỏ tiền bạc ra cứu giúp người khác, đối với người bình thường đã là việc rất khó, đối với người nghèo cùng còn khó và đáng quý hơn nhiều. Nếu nói theo nhân quả, có xả mới có được, không biết xả bỏ sẽ không được. Làm một phần thiện, thì được một phần phước báo. Cho nên không phải e ngại rằng, mình xả tài vật ra cứu người, sẽ khiến cho đời sống của mình trở nên bần cùng.
8. HỘ TRÌ CHÁNH PHÁP
Pháp đây là chỉ pháp tắc chân lý, đạo lý làm người. Bất cứ đạo lý gì chúng ta cũng phải suy gẫm xem nó có hợp với chánh đạo hay không? Có làm hại cho thế đạo nhân tâm hay không? Nếu là tà giáo có hại, nhất định phải cấm chỉ. Còn như là Phật pháp chánh tri kiến, khuyến hóa chỉ đạo lòng người trở về nẻo chánh quang minh, xây dựng phong tục tốt đẹp cho xã hội, thì ta phải hết lòng hộ trì. Nếu có ai phá hoại, ta cũng phải dũng cảm đứng ra bảo vệ chân lý, không để chánh pháp suy tàn.
9. KÍNH TRỌNG BẬC TÔN TRƯỞNG
Phàm là người học vấn sâu, kiến thức rộng, vai vế lớn, tuổi tác cao hay có chức vị đều là bậc tôn trưởng. Chúng ta phải kính trọng, không được coi thường hay vô lễ.
10. YÊU TIẾC SINH MỆNH CỦA CHÚNG SINH
Phàm là loài có sinh mạng, không luận trùng kiến, chúng đều có tri giác, biết đau khổ, tham sống sợ chết. Cho nên chúng ta phải yêu thương, sao lại có thể tàn sát để ăn? Có người bảo: “Những con vật này sinh ra để cho con người ăn”. Nói như vậy không đúng. Đây chẳng qua là lời của kẻ tham ăn bịa đặt ra.
(VIÊN LIỄU PHÀM)
A Mi Đà Phật 🙏
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *