Hollywood có một bộ phim nói về một người giám đốc trại tù. Trước khi tiếp quản vị trí đó, ông đã giả dạng làm tù nhân vào sống mấy ngày trong trại để biết rõ nội tình. Và ông phát hiện ra là tù nhân ở đây bị đối xử như súc vật, các cai tù, giám thị hành hạ bóc lột, ngược đãi tù nhân, coi họ không ra gì nhưng không ai dám đứng lên phản ứng. Vì tù nhân không có tiếng nói, cộng đồng loài người thì ghê sợ xa lánh, quan chức không ai bênh vực, nên họ phải sống vô cùng khổ sở, đúng nghĩa địa ngục trần gian. Sau mấy ngày sống trong tù, ông mới trình ra tờ giấy chứng minh mình chính là giám đốc trại tù mới. Từ đó ông bắt đầu cải cách lại, nâng cao đời sống và thương yêu tù nhân.
Nhưng việc làm của ông đã đụng chạm tới quyền lợi của những người cai tù trước kia vốn đã quen với việc bóc lột tù nhân. Ông đụng chạm tới giới đấu thầu cung cấp thức ăn cho nhà tù và ông cũng đụng chạm tới những quyền lợi khác của các quan chức bên ngoài, thậm chí ảnh hưởng tới thống đốc của bang đó.
Ông tuyên bố là ông sẽ ăn cơm chung với tù nhân, tới bữa ăn, ông cũng đi xuống nhà bếp mà tù nhân ăn và cũng lấy một phần y như vậy để buộc nhà bếp không được cắt xén bớt khẩu phần ăn của tù nhân. Ông đã thực hiện cải cách dữ dội và kết quả cuối cùng là các quan chức trên cao thông đồng đuổi ông đi, không cho làm giám đốc nữa.
Các tù nhân rất thương ông, họ xúc động vì những việc làm của ông. Nhờ những dấu ấn và tư tưởng của ông để lại, hai năm sau, các tù nhân đã mạnh mẽ đấu tranh để đạt được một sự cải cách lớn. Chuyện phim cũng dài dòng nhưng nội dung tổng quát là như vậy.
Trong phim có một cảnh ông tranh cãi với những viên chức cấp cao, những người này cho rằng kẻ phạm tội giết người, trộm cắp, cướp bóc,… không đáng được đối xử tốt, còn ông nói: “Nhưng họ vẫn là con người”. Qua đây, chúng ta nhận ra một tâm lý chung là “chúng ta hay khinh thường những người lầm lỗi”. Chỉ có tâm của Bồ tát mới có thể không ghét người lầm lỗi và tìm cách để cảm hóa, giúp đỡ họ mà thôi.
Cho nên khi tụng bài kinh Bát Nhã, chúng ta phải hiểu ẩn ý thâm sâu của Bồ tát muốn gửi gắm trong bài kinh không đơn giản chỉ là không phân biệt dơ sạch, sang hèn mà cao cả hơn nữa là lòng từ bi của Bồ tát thương yêu cả những chúng sinh lầm lỗi. Đây mới là giá trị vĩ đại, cao quý của bốn chữ “bất cấu bất tịnh”.
Và như vậy chúng ta cũng phải bắt chước Bồ tát, từ đây về sau đối với những người lầm lỗi, hãy khởi lên lòng thương họ và lúc nào cũng mong muốn cho họ đừng lầm lỗi nữa. Chính cái tâm thương yêu, không muốn người khác lầm lỗi nữa là cái tâm của Thánh, sẽ giúp cho chúng ta đạt được công đức vô lượng. Mỗi khi nghe thấy lầm lỗi của ai, hãy cố gắng khởi lên trong lòng mình tâm nguyện: “Con nguyện thương yêu người này và mong cho người này đừng lầm lỗi nữa”.
Trích sách “Bát Nhã tâm kinh” (tập 02, trang 36 – 37 – 38) – TT. Thích Chân Quang.