Đạo Phật có một giáo lý vô cùng đặc biệt, mà khi càng đi sâu vào tìm hiểu nó sẽ thấy càng chi tiết, phức tạp và hấp dẫn những người thông minh, đó chính là Luật Nhân Quả. Cũng giống như những người mê toán, khi giải được những bài toán từ đơn giản đến phức tạp rồi, họ cảm thấy yêu môn toán hơn. Còn những người đã say mê môn nhân quả rồi thì họ tự điều chỉnh cuộc sống của họ. Tuy nhiên, trong sự điều chỉnh đó cũng có những vất vả. Như việc ta muốn làm người tốt và để trở thành người tốt là một khoảng cách rất lớn. Thì cũng vậy, để hiểu được nhân quả rồi điều chỉnh bản thân để thành người tốt là cả một quá trình cực kỳ khó khăn, vất vả, mà ta gọi là tu.
Trường hợp ta đem việc tu tập này vào trong trại giam cho những người đã lầm lỗi, đã có những khiếm khuyết trong tâm hồn, để họ nhận thức lại và có ước muốn thay đổi tâm hồn mình là một việc rất bổ ích.
Bởi vì trong trại giam luôn có một “đại bàng” chuyên rỉ tai, tác động xấu, giáo dục ngược lại với luật pháp, làm cho những người bạn tù trở nên lì lợm, táo tợn hơn. Đến khi ra tù rồi, họ lại trở thành những người xã hội đen chuyên nghiệp và tiếp tục có những hành vi phạm pháp, gây nguy hiểm cho xã hội. Nhưng nếu song song với việc giáo dục đó, ta có bài học luật pháp kèm thêm đạo đức, đạo lý nhân quả, thì những lý lẽ mà ta truyền tải, cả người “đại bàng” và người tù bình thường cũng nghe được. Lúc đó, việc bị tác động bởi người “đại bàng” sẽ bớt bị ảnh hưởng hơn. Đó là cái hay của đạo lý nhân quả này.
Thêm nữa, khi đã tin hiểu luật nhân quả, các phạm nhân sẽ biết tự kiềm chế lấy mình. Họ sẽ biết tự tư duy, chọn lấy suy nghĩ, lời nói, hành động nào là thích hợp để hành xử. Một ví dụ đơn giản là nếu phạm nhân chỉ có ý nghĩ ghét giám thị trại giam, ghét những tù nhân khác, vì làm cho mình cảm thấy tù túng, khó chịu. Họ thương nhớ cái cảm giác mà ngày xưa họ làm đại ca, tung hoành khắp chốn, sai bảo cái gì là đàn em răm rắp nghe theo… Họ chỉ nuôi cái tâm đó thôi, mà không hề nói ra, không làm cái gì, nhưng quả báo vẫn xảy ra là tự nhiên ban giám thị nhìn thấy họ cứ thấy ác cảm, thấy người này đáng ngờ, không thương, và những tù nhân khác cũng không thấy thương người này. Còn người cũng chỉ trong ý nghĩ thôi, là biết ơn cuộc đời, biết ơn ban giám thị đã vất vả, tận tụy để cải hóa mình và bao nhiêu tù nhân khác, hoặc cám ơn những anh em đã chia sẻ ngọt bùi trong trại giam này… Họ chỉ nuôi trong tâm lòng biết ơn và thương yêu, chẳng nói ra, và cũng chưa biểu hiện điều gì, nhưng bỗng nhiên ban giám thị nhìn người này cứ thấy thương, mà không hiểu tại sao.
Chỉ trong ý nghĩ đã vậy, còn nếu người đó nói được thành lời, làm được thành hành động thì quả báo cực kỳ rõ ràng. Chẳng hạn, sống trong trại giam với nhau mà các tù nhân có tâm thương yêu bạn tù, rồi quan tâm đến sức khỏe anh em, như thấy có người hôm nay có vẻ yếu, họ đến hỏi han rồi báo trên đội mình, xin cho nghỉ lao động một ngày, rồi xin chăm sóc cho người đó… Hay họ biết cẩn thận từng lời ăn tiếng nói với nhau, không bao giờ nói một câu để làm cho người bạn mình tổn thương, chỉ nói những câu mà họ biết chắc chắn làm người kia ấm lòng. Ví dụ có người bực bội, nạt họ một câu: “Mày biết ông là ai không? Mày dám giỡn mặt ông hả?” Thay vì phản ứng mạnh lại như trước kia, giờ họ dịu lòng xuống, nói: “Thôi, anh đừng giận, em xin lỗi…”
Khi người này bày tỏ lòng thương yêu trước, thì tự nhiên người kia cũng phải dịu lòng. Và nhờ vậy, tình thương yêu của họ dần dần lây lan sang nhau. Phải có một người thương yêu, thì tự nhiên mới lây được tình thương yêu. Còn người nào cũng cứ thủ thế, đợi người ta phải thương mình, mình mới thương lại, thì vĩnh viễn trại giam cũng chỉ là địa ngục. Sẽ tốt đẹp biết bao khi ai cũng không chờ đợi để cho người khác thương mình rồi mình thương lại, mà mỗi người đều biết nguyện với quê hương, với đất nước, với Tổ tiên là: “Từ nay con sẽ là nguồn thương yêu trước, con sẽ thương yêu anh em của con trước…” Chỉ như vậy thôi, khi họ làm thành những hành động thực sự, nâng đỡ nhau từng chút trong trại giam, thì sẽ đem lại cho họ những quả báo cực kỳ tốt đẹp ở mai sau.
Trước đây, vì không được biết về luật nhân quả, họ chỉ sống theo xu hướng ích kỷ, hưởng thụ vốn có của mình. Mà khi đã ích kỷ thì bản thân chúng ta, ai cũng sẽ làm nhiều sai lầm, còn như họ là sai lầm nghiêm trọng dẫn đến phạm pháp. Khi chúng ta làm nhiều điều sai lầm, chúng ta chuốc lấy một loạt các quả báo kế tiếp là những bất hạnh, rủi ro sẽ đến với chúng ta và phẩm giá chúng ta biến mất, mọi người khinh bỉ chúng ta. Đây là công thức, là logic tuyệt đối đúng của luật nhân quả, chi phối tất cả mọi người trong cuộc sống này.
Nên bây giờ, việc mang giáo lý nhân quả vào trại giam, là giúp cho những phạm nhân tự thiết lập một logic mới cho cuộc đời họ, là giúp họ tạo một tương lai mới tươi sáng hơn trong tầm tay họ. Họ sẽ biết lật ngược vấn đề lại, sống một đời phụng sự, vị tha, hy sinh, san sẻ, chịu đựng, chấp nhận sự thiệt thòi về mình để đem niềm vui đến cho mọi người từng ngày, từng giờ. Khi có tâm vị tha rồi, bỗng nhiên họ sẽ ngạc nhiên khi thấy chung quanh mình mỗi người như là một đóa hoa xuất hiện giữa cuộc đời để họ ngắm nhìn, để họ yêu thương, trân trọng, chiêm ngưỡng, kính phục, nâng niu, chăm sóc. Cuộc sống bỗng trở nên đẹp lạ lùng, dù họ vất vả hơn lúc trước để chăm sóc mọi người. Khi còn sống trong trại giam, với người xung quanh mình toàn là phạm nhân, mà họ tập thương yêu, tập sống vị tha được, thì sau này khi bước ra cuộc đời, họ sẽ có cả một bầu trời, cả một rừng người để thương yêu, và họ sẽ làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời này. Khi ấy, họ sẽ nhận được quả báo xứng đáng, là hai logic kế tiếp sẽ xuất hiện: Hết may mắn này đến may mắn kia cứ đến với cuộc đời họ, và phẩm giá họ mỗi ngày một lớn lên, mọi người nhìn họ bỗng nhiên thương yêu, quý trọng hơn.
Vì vậy, nếu trong các trại giam có thể đem được luật nhân quả song song với luật pháp của nhà nước để giáo dục phạm nhân, thì đây là sự cải hóa cực kỳ hiệu quả. Khi trở về với cộng đồng, họ sẽ được mọi người nhanh chóng tin tưởng, thương yêu. Đồng thời, họ sẽ không bị sa ngã, trở lại con đường cũ, mà họ có cơ hội làm lại cuộc đời, xây dựng cho mình một tương lai mới tươi sáng hơn.
Nguồn: Thiền Tôn Phật Quang: