Thiền sư Thích Thanh Từ, Văn hóa xã hội

Vô sư trí

Vô sư trí
Chúng ta học Phật là tìm sự giác ngộ. Giác ngộ ngay nơi bản thân mình trước, rồi mới tới những thứ bên ngoài. Vì trong nhà Phật gọi thân này là Chánh báo, còn cảnh và thế giới mình đang sống là Y báo. Chánh báo là chủ, Y báo là bạn. Nếu hiểu Chánh báo tường tận thì thấy Y báo rõ ràng. Cho nên Phật học khác với khoa học ở chỗ khoa học tìm bên ngoài. Phật học quay vô trong, xoay lại mình. Xoay lại mình đến khi giác ngộ rồi sẽ thấy những thứ bên ngoài. Giác ngộ tức biết rõ, biết đúng như thật mọi sự xung quanh nên gọi là có trí tuệ.
Nhưng trí tuệ trong nhà Phật không phải là trí tuệ thường, mà bao gồm hai phần, trí tuệ hữu sư và trí tuệ vô sư. Chúng ta đi học, nhờ thầy bạn mà mình hiểu được nhiều điều trong cuộc đời gọi là trí tuệ hữu sư. Còn trí tuệ vô sư là trí tuệ do mình tự phát ra từ tâm thanh tịnh như Đức Phật nhờ thiền định mà được giác ngộ vậy. Ngài bảo “Ta học đạo không thầy”, không thầy mà sáng, đó là trí tuệ vô sư.
Làm sao đạt được trí tuệ vô sư? Khi tâm lặng lẽ sáng suốt thì chúng ta thấy được những điều trước kia mình chưa thấy, biết được những điều trước kia mình chưa biết. Cái thấy biết đó là thấy biết của trí vô sư. Tất cả chúng ta điều có trí vô sư. Vì trí vô sư chính là Phật tánh của tất cả chúng sanh. Mình có Phật tánh sẵn nhưng vì quên nên không thấy. Đức Phật biết quay trở lại mình bằng cách thiền định để lóng lặng thân tâm. Từ tâm lóng lặng trong sáng đó phát ra trí vô sư.
Nếu chúng ta để ý một chút sẽ mừng rằng mình có trí vô sư. Như một quyển kinh, một lời giảng lúc mới đọc mới nghe, ta không hiểu gì hết. Nhưng từ từ tâm hồn yên tĩnh, đem ra đọc lại ta chợt hiểu ngay. Như vậy, cái hiểu ấy do ai dạy? Đó là một phần nhỏ của trí vô sư hiện ra. Cũng như các nhà bác học, khi nghiên cứu một chương trình nào thì đặt hết tâm trí vào đó, đến lúc vấn đề nghiên cứu bừng sáng, gọi là phát minh.
Như vậy, ai cũng có trí vô sư mà không chịu nhận, không chịu tạo điều kiện cho nó phát ra, nên có mà như không. Vì vậy Phật nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Đó là Ngài xác nhận rằng tất cả chúng ta đều có sẵn trí vô sư. Đã sẵn có trí vô sư thì chúng ta có thể giác ngộ được. Đức Phật giác ngộ trước, chúng ta khéo tu sẽ giác ngộ sau, nên Như Lai nói Ngài là Phật đã thành, còn chúng ta là Phật sẽ thành.
Như vậy trí hữu sư là do học mà được, còn trí vô sư do tu mà được. Đức Phật nhập định được giác ngộ, ngày nay chúng ta tu tâm được an định cũng sẽ giác ngộ. Hiện giờ tâm chúng ta đang lăng xăng lộn xộn nên không thấy, không biết trí vô sư. Khi nào tâm yên tĩnh, trong sáng thì trí vô sư sẽ hiện ra.
Trong nhà thiền thường ví dụ: Như có một khạp nước, ta múc nước dưới hồ đổ vào. Ban đầu nước đục, chúng ta nhìn vào khạp không thấy mặt mình hiện trong đó. Nhưng nếu lóng trong từ từ, đến khi nước thật trong, ta đứng bên khạp nhìn sẽ thấy mặt mình. Chẳng những mặt chúng ta hiện ra, mà tất cả cảnh đối diện với mặt nước cũng đều hiện ra trong khạp. Khi cặn bã, đất cát hòa tan trong nước khiến nó đục, nếu ta để cho nó lặng yên, cặn bã lóng xuống thì nước sẽ trong.
Như vậy từ nước đục thành nước trong là tại chúng ta đổi nước củ thay nước mới hay cũng chỉ bao nhiêu nước đó thôi?. Thật ra nước trong đã có sẵn trong nước đục nên khéo lóng thì nước đục thành nước trong. Chúng ta hiện giờ tâm không sáng, mờ đục là vì vọng tưởng lẫn lộn che khuất. Ngày nào ta lọc được những vọng tưởng đó lặng yên, gọi là định, thì trí sáng sẽ hiện ra. Nó sẵn rồi, chứ không phải chưa có, chỉ vì cái này che khuất nên cái kia không hiện được.
Nên nói tới trí vô sư là nói tới trí do tu, do thiền định mà được, chứ không phải do học mà được. Trí hữu sư thì do học mà được. Hai bên rõ ràng như vậy. Trí hữu sư học tới đâu biết tới đó, còn trí vô sư khi phát ra thì đối với tất cả những gì trước đây ta không biết, bây giờ biết hết, biết một cách rõ ràng không cần tìm kiếm. Đó là điểm đặc biệt của trí vô sư.
Chúng ta tu theo Phật thì phải khéo ứng dụng như Ngài, nhất định sẽ có trí tuệ sáng suốt. Phật được một trăm phần trăm thì ít ra mình cũng được mười phần trăm. Như vậy mới gọi là tu theo Phật. Nhưng gần đây Phật tử ít chịu trở về với trí tuệ của mình mà chỉ muốn xin Phật. Nếu gặp thuận tốt, đúng sở nguyện thì khen Phật linh quá. Còn không được như ý thì “Thôi, Phật không linh” hoặc “Phật không thương mình” rồi lơ là, lười không muốn đi chùa nữa. Đó là sai lầm mà Phật tử hiện giờ mắc phải rất nhiều.
Trích “ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO GIÁC NGỘ”
HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *