Kinh Phật ví dụ một Trưởng giả có tất cả bốn bà vợ.
Người thứ nhất rất trung thành với ông, thế mà suốt ngày ông không nghĩ tới.
Người vợ thứ hai được ông lưu ý chút ít.
Người vợ thứ ba được ông nhắc nhở liền miệng.
Người vợ thứ tư thì ông ở đâu bà có mặt ở nơi đó, Không rời một gang tấc.
Một hôm ông đau nặng sắp chết, hỏi cả bốn người vợ:
– Tôi sắp chết, trong bốn bà có ai nguyện chết theo tôi không ?
Vợ thứ tư lên tiếng trước:
– Bình thường ông ở đâu thì có mặt tôi ở đó, bây giờ ông chết tôi xin đưa ông tới cửa.
Vợ thứ ba lên tiếng tiếp:
– Bình thường tôi được ông lưu ý nhắc nhở liền miệng, bây giờ ông chết tôi xin đưa ông tới cổng.
Vợ thứ hai nói:
– Bình thường tôi cũng được ông nhắc nhở, bây giờ ông chết tôi xin đưa ông tới mộ.
Vợ thứ nhất nói:
– Bình thường tuy ông không nghĩ tới, nhưng bây giờ ông chết, tôi nguyện chết theo ông.
Qúy vị thấy ông Trưởng giả quá bất công và bội bạc, người thương mình, trung thành với mình thì lơ là không nghĩ đến, người thương ít thì luôn luôn theo dõi không rời… ông Trưởng giả bất công bội bạc này Phật dụ cho mỗi người chúng ta.
**** Người vợ thứ tư Phật dụ cho tiền bạc, chúng ta ở nhà, hay đi đâu đều có tiền trong túi không thể thiếu nó. Nhưng khi chúng ta chết thì nó nằm trong tủ hoặc ở nơi rương thuộc phạm vi trong nhà, vì vậy mà nói đưa tới cửa.
**** Người vợ thứ ba dụ cho của cải sự nghiệp nhà cửa, nó nằm ở trong phạm vi vòng rào nhà, nên nói đưa tới cổng.
**** Người vợ thứ hai dụ cho công danh chức tước khi đưa quan tài người chết tới huyệt thì đọc điếu văn kể công trạng rồi mới hạ huyệt chôn cất, nên nói đưa tới mộ.
**** Người vợ thứ nhất dụ cho nghiệp lành hay nghiệp dữ theo mình như hình với bóng, có mình ở đâu thì có nó ở đó không rời nhau, nên mới tình nguyện chết theo.
Tác động của thân khẩu ý lặp tới lặp lui nhiều lần gọi là nghiệp.
Người dậy học hằng ngày thì gọi là nghề giáo hay nghiệp giáo. Người cùng làm một việc thì gọi là bạn đồng nghiệp. Có người là có nghiệp. Người nghiệp không rời nhau.
Giả sử như ông thầy giáo đi đường có mang theo một số tiền của, bất thần ông bị tai nạn, bao nhiêu tiền ông mang theo bị mất hết.
Nhưng nghiệp dạy học vẫn còn không mất, về nhà vẫn đến trường dạy học trò. Như vậy, tiền của và sự sản là cái ngoài mình nên bị mất dễ dàng không thể giữ được mãi mãi.
Còn nghiệp là cái không ngoài mình nên chẳng bao giờ mất.
Thế mà trong cuộc sống hằng ngày mọi người đều nghĩ làm sao cho có tiền, làm sao cho có của, nếu có tiền có của rồi thì muốn có địa vị danh vọng.
Trong ba thứ đó nghĩ tới tiền nhiều nhất, rồi tới của cải danh vọng.
Khi chết, thì tiền của từ giã mình trước nhất, tức là khi chết nó ở lại chứ không theo mình.
Trong đời này không ai là (người) không chết, hoặc chết sớm hoặc chết muộn, khi chết thì không ai đem được tiền của theo, chỉ có nghiệp lành hay nghiệp dữ theo mà thôi.
Thế nên, nếu là người Phật tử khôn ngoan sáng suốt, dù có làm ra nhiều tiền của mà làm ác thì nhất định không làm, vì khi chết không cứu được tội khổ mà phải để lại tất cả, chỉ có một mình mình chịu quả báo khổ đau.
Nghĩ và nói ác mà đem lại lợi lộc cho mình thì cũng không nói.
Như thế không bị tiền tài sai sử tạo nghiệp ác.
Ngày nay không gây tạo tội lỗi, không bị người chê trách, mai kia chết đi cũng nhẹ nhàng thảnh thơi.
Ca dao có câu:
Bởi chừng kiếp trước khéo tu,
Ngày nay con cái võng dù nghênh ngang.
Do kiếp trước khéo tu nên ngày nay con cháu mới sang trọng, Nếu hiện tại không chịu tu thì con cháu về sau khổ.
Để thấy chúng ta tu là tạo cho cuộc sống hiện tại an vui, ngày mai lại càng an vui tốt đẹp hơn.
Vậy, biết tu là thường nhớ tới nghiệp, để tránh nghiệp ác làm nghiệp lành, hơn là nhớ tới tiền của vật chất.
Tuy trong cuộc sống, chúng ta phải làm ra tiền mới sống được, nhưng phải làm cho công bằng lương thiện, mình an vui, người không khổ, hiện tại mình hạnh phúc, mai sau cũng an lành.
Vậy, tu không phải là mong cầu cái gì cao siêu huyền bí, mà ngay trong thực tế thường làm lợi mình lợi người một cách cụ thể, không mơ hồ viễn vông.
Đạo Phật chủ trương tu là để giải thoát, song nói giải thoát có vẻ xa vời quá!
Nhưng nếu thực tế thân chúng ta không làm ác là giải thoát được cái khổ nghiệp ác của thân.
Vì nếu cướp của giết người thì bị cái khổ đánh đập tù tội, bây giờ không tạo nghiệp ác ấy thì thân được lành mạnh tự do, đó là giải thoát nghiệp ác của thân.
Nếu miệng không nói lời hung dữ ác độc thì giải thoát được nghiệp ác của miệng, ý không nghĩ ác thì giải thoát được tâm niệm xấu xa buồn ghét người khác.
Tuy không hoàn toàn giải thoát nhưng có giải thoát từng phần; tu ít thì giải thoát ít, tu nhiều thì giải thoát nhiều, có tu là có bớt khổ.
Chẳng những bớt khổ trong đời này mà trong đời sau còn được an vui nữa.
Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trích trong : TU PHẢI LÀ HIỀN.