Có rất nhiều gia đình tuy gọi là theo đạo Bụt nhưng không hề tập nếp sống tỉnh thức của đạo Bụt. họ chỉ biết cầu Bụt những lúc họ lâm vào tình trạng nguy khốn. Và họ chỉ đến chùa những lúc cần làm lễ cầu siêu cho những người vừa mạng vong. Vì vậy cho nên đã có nhiều chùa tìm phương cách tự túc kinh tế ở công việc lo tang lễ, cúng giỗ và cất tro và giữ mộ cho người chết. Đạo Bụt từ chỗ lo cho sự giải thoát của người sống đã dần dần biến thành đạo lo cho sự giải thoát của người chết.
Phương cách duy nhất để làm sống dậy đạo Bụt là thực tập đạo tỉnh thức trong đời sống hằng ngày. Và ta bắt đầu là sống dậy tiếng chuông chùa, dù tiếng chuông chùa vẫn còn mỗi ngày vang vọng.
Hãy tập nghe tiếng chuông như nghe tiếng gọi của Bụt. Trong các khóa tu mà tôi hướng dẫn trong mấy năm qua cho người Âu Châu và người Bắc Mỹ Châu, các thiền sinh đều được thực tập nghe chuông. Trong suốt khóa tu, mỗi nửa giờ lại có một tiếng chuông. Vị tri chung cũng biết theo dõi hơi thở, nhiếp niệm và thầm đọc bài kệ thỉnh chuông trước khi thỉnh một tiếng chuông. Chỉ một tiếng chuông thôi. Tiếng chuông đó được gọi là chuông chánh niệm. Tất cả những người dự khóa tu mỗi khi nghe tiếng chuông đều phải ngưng mọi sự nói năng và suy tư, theo dõi hơi thở, nhiếp niệm và đọc bài kệ nghe chuông, dù họ đang làm gì đi nữa. Người đang giảng giải Phật Pháp cũng phải im lặng mà thực tập. Nếu vị tri chung là người có chánh niệm vững vàng thì tất cả đại chúng đều được lợi lạc. Có khi chưa tới giờ thỉnh chuông chánh niệm mà thấy tinh thần chánh niệm của đại chúng hơi bị lung lay thì vị ấy liền đi thỉnh chuông để thiết lập lại sự vững vàng của chánh niệm.
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
– Thích Nhất Hạnh –