Khổ đau và hạnh phúc tương tức với nhau. Chúng ta có thể nhận diện được hạnh phúc dễ dàng hơn nhờ vào nền tảng khổ đau trong quá khứ. Ví dụ như ta thấy rõ hơn những chữ trắng nếu nó nằm trên nền đen. Nếu ta đã từng đói ta mới thấm thía được niềm hạnh phúc khi có ăn. Nếu ta đã từng khổ đau vì chiến tranh ta mới cảm nhận được giá trị lớn lao của hòa bình. Nếu không, ta sẽ không trân quý hòa bình, ta chỉ muốn đánh giặc thôi. Thành ra, kinh nghiệm của ta về khổ đau trong chiến tranh sẽ giúp ta tìm nhiều cách để gìn giữ hòa bình. Vì thế nếu có một chút khổ đau cũng là điều hữu ích, nhờ vào nền tảng khổ đau ấy mà ta nhận diện được hạnh phúc.
Phần đông chúng ta ai cũng có khuynh hướng thâm sâu là tìm kiếm khoái lạc và trốn tránh khổ đau. Điều này có gốc rễ sâu xa từ một phần trong tàng thức của ta, gọi là mạt-na thức (tiếng Phạn là manas). Mạt-na chỉ muốn tìm kiếm sự hưởng thụ và lẩn tránh khổ đau. Vì bị vô minh che lấp nên mạt-na không thấy được những hiểm nguy của sự tìm kiếm dục lạc ấy. Như con cá đã được báo trước là hãy coi chừng những miếng mồi ngon vì bên trong có thể có lưỡi câu móc họng, nhưng nó vẫn không cưỡng được sự cuốn hút của miếng mồi. Mạt-na không nhận thấy được hiểm nguy của sự tìm kiếm dục lạc, và cũng không nhận thấy rằng khổ đau cũng có ý nghĩa của nó. Khổ đau một chút cũng tốt, bởi vì khổ đau giúp cho ta chế tác hiểu biết và thương yêu.
Bởi vì mạt-na không thấy được những hiểm nguy của dục lạc, cũng như không biết đến cái lợi lạc của bài học khổ đau nên chúng ta phải chuyển tải vào tàng thức cái thấy (hay tuệ giác) mà ta có được trong khi thiền tập. Bởi vì suy tư trên bề mặt ý thức thôi thì chưa đủ để đem lại một sự chuyển hóa tận gốc. Cái mà ý thức có thể làm là quán chiếu để đạt tới cái thấy sâu sắc và chuyển tải cái thấy đó xuống tàng thức.
Cái thấy đầu tiên cần được nhấn mạnh là thấy rằng sự tìm kiếm dục lạc rất nguy hiểm và trốn tránh khổ đau không phải là điều hay, bởi vì khổ đau cũng có cái lợi lạc của nó. Nếu ta chánh niệm, nếu ta đủ can đảm để trở về với chính ta và ôm ấp nỗi khổ trong lòng thì ta sẽ học được nhiều lắm và ta có thể chuyển hóa khổ đau. Nếu ta luôn tìm cách trốn chạy khổ đau thì ta sẽ không có cơ hội chuyển hóa. Bởi vậy cho nên Bụt dạy ta, trước hết là chấp nhận sự thật thứ nhất, sự thật là mình đang có khổ đau. Sau đó là nhìn sâu vào khổ đau để có thể tìm ra sự thật thứ hai là nguyên nhân đưa ta đến cái khổ đó. Đó là cách duy nhất để cho sự thật thứ tư, con đường hành trì để chuyển hóa khổ đau, đưa tới hạnh phúc có thể hiển lộ được. Vì thế ta nên nhấn mạnh đến vai trò của khổ đau. Nếu ta quá sợ khổ đau thì chúng ta không có cơ hội có được những khám phá ấy.
Nguồn trích từ lời hoà thượng Thích Nhất Hạnh
Cúi đầu xin mười phương Phật Pháp Tăng chứng minh cho phần phước này có được xin nguyện sẽ là nhân duyên cho con và tất cả chúng sanh đời đời được sống trong hiểu và thương!