Đến bệnh si. Si mê là điều rất nguy hiểm. Bởi si mê nên chúng ta chấp những cái không thật cho là thật, tưởng tượng những điều không đúng chân lý, không đúng với lẽ thật. Vì si mê nên sanh ra tham, vì si mê nên sanh ra nóng giận. Nên nói si mê là nguy hiểm nhất. Vậy dùng thuốc gì để trị bệnh si mê?
Phật dạy dùng trí tuệ để trị bệnh si mê.
Si mê là bóng tối mà trí tuệ là ngọn đèn, là ánh sáng. Có đèn thì không tối, còn tối là không có đèn. Kẻ si mê thì không có trí tuệ, người có trí tuệ thì hết si mê. Do si mê nên có những bệnh như ngã ái, ngã mạn…
Ngã ái là gì? Là thương là quý thân này.
Ngã mạn là gì? Là cho mình hơn thiên hạ, mình trên hết.
Bởi thấy hơn nên khinh người này, chê người kia. Như vậy từ si mê thấy thân này là quý, là thiệt nên thương nó, đó là ngã ái. Thấy thân mình là quan trọng, là cao hơn người nên sanh ngã mạn.
Người si mê sanh ngã ái, ngã mạn phải dùng thuốc gì để trị? Mỗi tối, chúng ta từ cư sĩ cho đến xuất gia đều tụng Bát-nhã hết phải không? Bây giờ tôi chỉ nhắc lại một câu thôi: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Chiếu kiến ngũ uẩn giai không là sao? Là soi thấy thân năm uẩn này không thiệt, nhờ soi thấy thân năm uẩn không thiệt nên qua hết khổ nạn.
Chúng ta tụng kinh Bát-nhã bao nhiêu năm rồi, có chiếu kiến ngũ uẩn hay là đọc trả bài cho Phật? Phật dạy phải soi thấy năm uẩn này không thiệt. Đã không thiệt thì còn gì yêu mến nó, còn gì quý trọng nó. Nhưng vì chúng ta tụng mà không chịu chiếu, không chịu soi nên tụng hoài mà cái ngã vẫn y nguyên, không mất chút nào hết. Năm uẩn có chia ra làm hai: một là vật chất, hai là tinh thần.
– Vật chất: Sắc uẩn do đất, nước, gió, lửa, bốn chất hợp thành nên không thiệt, nó là giả dối.
– Tinh thần: Thọ uẩn là những cảm giác, khổ, vui hoặc không khổ không vui…
Những cảm giác ấy có một chút rồi qua, đâu còn hoài nên nói không thiệt. Tưởng uẩn, là những bóng dáng tưởng tượng, không có thiệt. Hành uẩn là những suy tư, suy tư là một dòng sinh diệt.
Thức uẩn là ý thức phân biệt sanh diệt liên tục, nên cũng không thiệt. Xét kỹ ngũ uẩn về hai mặt tinh thần và vật chất đều là duyên hợp, hư giả không thiệt. Biết rõ nó không thiệt, tánh nó là không thì khổ nạn nào cũng qua. Phật dạy kỹ quá, bắt đọc mỗi đêm mà khổ nạn nào chúng ta cũng cứ chịu chứ qua không nổi. Nếu thấy thân này không thiệt, năm uẩn không thiệt thì giả sử có ai chửi, mình có quan trọng không? Thân đã không thiệt thì lời chửi có thiệt đâu, có nghĩa gì đâu mà buồn. Thấy rõ như vậy thì ngã ái, ngã mạn theo đó nó hết. Đó là tu Bát-nhã, là trí tuệ.
Bát-nhã có chia ra ba phần: một là Văn tự Bát-nhã, hai là Quán chiếu Bát-nhã, ba là Thật tướng Bát-nhã.
Ngài Thái Hư (Trung Quốc) dùng một ví dụ rất hay về ba thứ Bát-nhã này. Ngài nói như có người cần qua sông, họ bước xuống thuyền, được ngồi trên thuyền, đó là Văn tự Bát-nhã. Xuống thuyền rồi thì quay chèo, cầm dầm bơi, đó là Quán chiếu Bát-nhã. Bơi cho thuyền cập bến sang sông rồi mình lên bờ, đó là Thật tướng Bát-nhã.
Như vậy chúng ta đang tu là tu Bát-nhã nào? Văn tự Bát-nhã. Nhưng xuống thuyền rồi, cứ ngồi yên đó không chịu bơi chèo gì hết, thì chừng nào mới qua tới bên kia sông? Nên biết chúng ta tu chưa đúng với những gì Phật dạy. Chiếu kiến là quán, quán rồi mới đi tới Thật tướng.
Nếu chúng ta không chịu quán, chẳng khác nào xuống thuyền muốn qua sông, mà không chịu bơi chèo, cứ ngồi ì đó hoài thì bao lâu mới qua được bờ bên kia? Chắc tới thuyền mục cũng không qua được. Cứ dùng văn tự cho đó là đủ, không chịu quán chiếu. Bởi không quán chiếu nên không thể tiến lên, không dẹp được phiền não. Vì vậy tu mười năm, hai mươi năm mà phiền não vẫn y nguyên. Đó là lỗi lầm lâu nay chúng ta mắc phải.
Do quán chiếu, soi rọi thấy thân này tạm bợ, hư giả nên chúng ta không ái nó. Không ái nó thì không ngã mạn.
Như vậy tu là để diệt trừ bệnh cho mình. Muốn trừ bệnh thì phải dùng thuốc. Nếu được toa thuốc mà mình không mua thuốc uống thì cái toa cũng trở thành vô nghĩa.
Phật dạy phải quán chiếu để thấy rõ năm uẩn không thiệt mà mình cứ đọc cho Phật nghe hoài thì chừng nào mới hết bệnh? Tu như vậy thì chừng nào mới thành Phật?
(Trích Hoa Vô Ưu 3 – HT.Thích Thanh Từ)