Thầy nói:
– Thiền không cần giải nghĩa, thiền là quay lại tìm hiểu con người mình đúng như thật. Trước hết phải biết rõ thân này. Thân này thật không? Thân này do duyên hợp, nói thực tế là do bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp thành. Chất cứng là đất, chất ướt là nước, động là gió, ấm là lửa. Bốn thứ đó bên trong, muốn cho nó tồn tại lâu dài phải nhờ bốn thứ bên ngoài: hít vô là mượn không khí trời đất, thở ra là trả; rồi ăn uống vô, trả ra… Tất cả cái đó mượn rồi trả, nếu mượn không trả được thì chết. Như vậy mạng sống này là thật hay giả? Nếu thật ắt không phải mượn, nếu đã mượn tức không phải thật. Vậy biết khái quát thân này là vay mượn.
– Đó là biết về thân. Còn về tâm, người thế gian nhận cái suy nghĩ phân biệt, khôn dại, phải quấy là tâm. Bởi nghĩ chúng là tâm mình, chấp cái suy nghĩ của mình là đúng nên ai nghĩ khác cho là sai hoặc ai đồng ý với mình thì thích, ai phản đối liền giận. Nhưng cái nghĩ có phải là mình chưa? Mình nghĩ hơn thua phải quấy cả trăm thứ, cái nào là mình? Chẳng lẽ mình là trăm thứ đó?
Thầy hỏi:
– Theo con nghĩ, mình là một hay là nhiều?
– Mình là một.
– Như vậy khi nghĩ cả trăm thứ thì mình ra sao? Cái nghĩ có phải là mình không?
– Không phải!
– Lại có khi mình đang ngồi chơi, không nghĩ gì cả, nếu cái nghĩ là mình thì khi không nghĩ không có mình sao? Như vậy, một là khi không suy nghĩ thì cái biết hiện tiền, vì mình hay nghĩ lăng xăng nên cái biết hiện tiền đó bị mờ đi. Hai là các suy nghĩ lăng xăng khi có khi không, còn mình lúc nào cũng hiện hữu, nên cái gì chợt có chợt không, không phải là mình. Thứ ba, nếu cái đang nghĩ là mình, khi quay lại tìm coi nó ở đâu, liền mất tiêu không còn tăm tích. Như vậy nó không có thật, không phải là mình. Qua ba điều trên xác định cái suy nghĩ không phải thật là mình.
– Cái gì là mình thật? Thí dụ cái gương, nếu có bóng người hay vật trong gương, chúng ta lo nhìn bóng quên gương. Khi bóng người, vật không có thì gương hiện tiền. Vì cả trăm thứ bóng che mờ nên mình không nhớ mặt gương, bao giờ những cái bóng sạch hết thì mặt gương hiện tiền. Cũng như vậy, cái suy nghĩ lăng xăng không phải thật mình, nhưng vì mải mê theo những cái bóng đó nên quên mất mình. Làm sao cho mọi suy nghĩ dừng lặng, cái thật liền hiện tiền. Như vậy thiền là gì? Thiền là dừng hết những thứ lăng xăng để lòng yên tịnh, nhận ra cái chân thật hiện tiền.
Vậy thiền là trở về cái chân thật của chính mình. Có ba chặng:
- Thứ nhất: biết thân giả tạm này không phải là mình.
- Thứ hai: biết cái suy nghĩ không phải là mình.
- Thứ ba: cái chân thật hiện tiền.
Không chấp vào hai cái giả trên thì cái thật hiện tiền. Như vậy, nói chung người tu Phật, nói riêng người tu thiền cốt nhận chân được lẽ thật về con người. Biết rõ mình, biết mình là cái gì, đó là biết cái chân thật. Nếu chúng ta không biết mình mà biết tất cả thứ bên ngoài thì cái biết đó trở thành vô nghĩa trên con đường tìm cầu giác ngộ.
( Trích trong “Phụng Hoàng Cảnh Sách 3” – Sư Ông Trúc Lâm Giảng Giải )