Người đệ tử Phật phải luôn cố gắng giữ lời hứa. Vì nếu thất hứa, chúng ta sẽ làm mất uy tín với người khác. Mất uy tín có nghĩa là mất tư cách, làm mất niềm tin của mọi người. Vì khi đã hứa mà không thực hiện, người ta sẽ nghĩ rằng chúng ta là người không có quyết tâm, không có ý chí, và đạo đức cũng có vấn đề. Người không có đạo đức, không có tư cách chắc chắn không được người khác tin. Điều này ảnh hưởng đến danh dự chung của đạo Phật. Nếu gặp những Phật tử thuần thành, họ hiểu “y pháp bất y nhân” nên không dựa vào cá nhân một người tu mà đánh giá cả đạo Phật. Họ sẽ hiểu cá nhân có thể sai lầm nhưng đạo tuyệt đối không bao giờ sai. Nhưng với những người không có niềm tin vững chắc vào đạo, chỉ đánh giá đạo dựa vào những người tu theo đạo đó, nếu chúng ta cứ hứa suông mà không thực hiện thì họ sẽ không tin vào đạo. Vì vậy, việc giữ lời hứa cho mình kỳ thực là giữ danh dự cho đạo, giữ được niềm tin của người khác đối với đạo. Đó là việc nhỏ nhưng công đức rất lớn.
Mặt khác, giữ được lời hứa còn làm tăng sức mạnh tinh thần, làm lớn thêm uy đức, khiến lời nói của chúng ta có sức mạnh vô hình có thể thuyết phục người khác vì đằng sau việc giữ lời hứa là một quyết tâm lớn. Thử quan sát một vài người xung quanh, chúng ta sẽ thấy được điều này. Nếu người nào nói điều gì, làm điều đó, sau một thời gian, người ấy sẽ trở nên phương phi, rắn rỏi, mạnh mẽ. Người hứa mà làm được phải là người có quyết tâm rất lớn. Sự quyết tâm ấy cứ thôi thúc ngấm ngầm trong lòng họ và dần dần biến thành năng lực tinh thần mạnh mẽ. Năng lực tinh thần đó phát ra bên ngoài, hiện lên trên khuôn mặt khiến họ trở nên phương phi, có uy đức và có tinh thần mạnh mẽ, vững vàng. Nhìn vào những người có khuôn mặt như vậy, tự nhiên chúng ta cũng cảm thấy nể phục. Đó là công đức được tạo thành do quyết tâm giữ lời hứa, thực hiện lời hứa. Ngược lại, người nào cứ “nói để mà nói”, nói mà không cần thực hiện, chỉ vài năm sau khuôn mặt sẽ xuống sắc, xuống tinh thần, trở thành người yếu đuối, tầm thường. Nhìn những người như vậy, ít ai tỏ ra kính trọng. Tất nhiên, không phải người ta không kính trọng vì biết người đó hay thất hứa mà do họ không còn năng lực tinh thần, không còn uy đức để người khác cảm mến.
Thật ra, giữ lời hứa là một việc rất khó khăn. Vì từ lúc hứa đến lúc thực hiện có nhiều việc xảy ra dễ làm chúng ta quên hoặc đổi ý. Nhiều người đã mắc phải điều này. Có khi hứa rồi nhưng vì nhiều việc quá nên chúng ta quên bẵng đi. Đến khi được nhắc lại, chúng ta mới giật mình nhớ ra và cảm thấy mình có lỗi. Cũng có trường hợp không phải quên nhưng vì một lý do nào đó cảm thấy không thực hiện được nên chúng ta thay đổi ý định, rút lại lời hứa. Ví dụ, một lần nọ, thấy người bạn gặp khó khăn đang cần vốn làm ăn, trong lúc cao hứng, chúng ta hứa sẽ giúp họ số tiền ba triệu đồng để mở quán bán hàng tạp hóa. Nhưng khi về nhà, nghĩ lại thấy số tiền đó lớn quá, lại bị những người trong gia đình nói ra, nói vào nên chúng ta đã thay đổi ý định, không giúp nữa. Đó là trường hợp thất hứa do ngoại cảnh tác động, do không giữ được lập trường. Khi đã hứa giúp người khác, chúng ta phải chấp nhận sự thiệt thòi. Trong trường hợp sự vị kỷ lớn hơn vị tha, nếu không có quyết tâm chúng ta sẽ không giữ được lời hứa.
Trong đạo Phật, việc giữ lời hứa có khả năng hỗ trợ thiền định. Vì chính quyết tâm giữ gìn, thực hiện những lời hứa tốt đẹp sẽ tạo thành sức mạnh tinh thần, tạo thành sức mạnh nhiếp tâm trong Thiền định. Chúng ta đã biết, việc nhiếp tâm trong Thiền định đòi hỏi sức mạnh tinh thần rất lớn. Những người có tinh thần yếu đuối không thể nhiếp tâm vào định. Như vậy, trong nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh tinh thần cho con người, giữ lời hứa cũng là một trong những yếu tố quan trọng.
Nguồn: Trang THIỀN TÔN PHẬT QUANG