Trong quyển “Con người siêu việt” Ngài Milarepa có nói: “Vì sợ chết tôi đi vào trong núi, liên tục trầm tư về tính chất bất định của giờ chết. Bỗng bắt gặp thành trì bất tử vô tận của tâm bản nhiên. Bây giờ tất cả nỗi sợ hãi đều tan biến, và trong sanh tử mở cái thấy trí tuệ vô sanh”. Ngài sợ chết nên tìm cách giải quyết cái chết, bằng việc đi vào núi tu hành, trầm tư liên tục về giờ chết bất định. Ngẫm xét về cái chết khi nó đến với bản thân. Cuối cùng, Ngài giác ngộ, bắt gặp thành trì bất tử vô tận là tâm bản nhiên, chân tâm sẵn có của chúng ta, nhận được cái tâm bản nhiên, cái này không chết, tất cả nỗi sợ chết đều tan biến.
Ngay trong sanh tử mở được trí tuệ vô sanh, thấy rõ mình không phải là cái chết này. Khi sống được với tâm bản nhiên rồi, cái chết đến thì chúng ta an ổn, vì đã có phao. Đó là kinh nghiệm. Ngài nhắc nhở chúng ta niệm về cái chết để vượt lên cái chết, mở sáng trí tuệ, không phải niệm về cái chết để mà chán đời.
Nhiều người ở thế gian, nghe học Phật nói gì cũng sanh tử vô thường, làm con người ta chán đời, không còn muốn làm gì cả. Cho nên, nhiều người phê bình đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế, đó là chưa hiểu đúng về đạo Phật. Còn ở đây, đức Phật dạy rất rõ, Ngài chỉ cho chúng ta nhận định cái nào thật, cái nào giả để không lầm cái giả, trở về sống với cái thật. Niệm về cái chết, là để vượt lên cái chết, đó là con đường mỗi người con Phật phải đi. Muốn vậy, mỗi người phải có kinh nghiệm tu hành, nghĩa là phải quán chiếu trong từng tâm niệm của mình, giải quyết ngay trong từng tâm niệm để sáng tỏ được tâm bản nhiên. Nhận được tâm bản nhiên, là hết còn lo sợ chết, giúp tăng thêm kinh nghiệm hành thiền.
Đây là một trong những kinh nghiệm tinh yếu hành thiền của Phật giáo Tây Tạng.
Có bốn điểm chúng ta phải luôn quán chiếu, nhớ kỹ để rút thêm kinh nghiệm tu hành:
1- “Khi một niệm quá khứ đã chấm dứt, mà niệm vị lai chưa sanh, trong khoảng hở giữa hai niệm, có phải là có một ý thức về thực tại, mới mẻ nguyên sơ, không bị thay đổi bởi một mảy may khái niệm nào, thuần là một sự tỉnh giác nguyên vẹn hay không? Đấy! Tâm bản nhiên là thế đấy”. Nghĩa là khi niệm trước diệt, niệm sau chưa sanh, liền có khoảng hở. Bây giờ chúng ta phải khéo thấy, làm sao nhảy vào khoảng hở đó, là chúng ta làm chủ được niệm, thì tâm bản nhiên ngay chỗ đó, chơn tâm nằm ngay chỗ đó.
2- “Tuy nhiên, nó không ở mãi trong trạng thái như vậy, bởi vì một niệm khác lại khởi lên. Đấy chính là ánh sáng chiếu ra của tâm bản nhiên”. Chúng ta tu chưa được miên mật liên tục, nên một niệm khác khởi lên, phải khéo soi trở lại đừng theo nó.
3- “Nhưng nếu bạn không nhận ra niệm ấy, đúng như bản chất của nó ngay khi nó khởi, thì nó sẽ trở thành một ý tưởng khác như trước, đây gọi là “dây chuyền vọng tưởng” và là nguồn gốc của sanh tử”. Nghĩa là ngay niệm sau khởi lên, không nhận rõ đúng ngay bản chất của nó, thì thành ra ý tưởng khác. Có niệm tưởng mới xen vào là thành ý tưởng khác dẫn đi trong sanh diệt nên gọi là “dây chuyền vọng tưởng” là niệm này tiếp nối niệm kia. Niệm trước diệt niệm sau chưa sanh thì có khoảng hở, phải nhảy vào khoảng hở đó. Nếu nhảy chưa được, chưa kéo dài được thì niệm sau sẽ sanh khởi nữa. Khi niệm sau sanh khởi, nhận rõ bản chất của nó, nếu không nó thành ra ý tưởng mới và lại tiếp tục sanh khởi mãi. Như vậy là niệm niệm tiếp tục sanh diệt không gì khác, con đường đó gọi là nguồn gốc sanh tử.
4- “Nếu bạn có thể nhận chân được bản chất thật sự của ý tưởng (vọng tưởng), ngay khi nó khởi lên, thì cứ để yên đừng theo đuổi thêm. Bất cứ ý tưởng nào khởi lên, đều tự động tan vào khoảng bao la của tâm bản nhiên, và bạn được giải thoát”. Tức là ý tưởng khởi lên, chúng ta không theo nó thì nó sẽ tan, lỗi là tại chúng ta theo nó, nên bị nó dẫn. Do đó, chúng ta cần phải khéo tỉnh giác, thấy sâu vào lẽ thật ngay thân tâm của mình, đó là mở mắt trí tuệ, vượt lên sanh tử, chính ngay trong sanh tử là vô sanh. Vậy thân này chết nhưng ánh sáng đó không chết, tâm bản nhiên không chết, đó là con đường vượt qua sanh tử. Vì vậy, khi chúng ta niệm về cái chết là để vượt qua cái chết, cần phải nhớ như vậy.
TÓM KẾT
Tóm lại, cái gì có sanh thì có tử, từ thân chúng ta cho đến cảnh vật bên ngoài, phải nhớ chắc chắn như sau:
1- Thân chúng ta có sanh thì có tử, tâm có sanh thì có diệt, còn tâm không sanh thì không diệt. Đó là hai lẽ thật rõ ràng, nhận rõ để không lầm, cần phải nhận ra cái tâm không sanh không diệt đó để vươn lên.
2- Có sanh thì có tử là lẽ thường nhiên, không ai tránh khỏi, không phải của riêng ai. Vậy thì cái chết đến với chúng ta cũng không lấy làm lạ, vì đây là cái chết của tất cả, đừng nhớ cái này là của riêng mình để bớt sợ.
3- Thân này có sanh thì có tử, tức là không phải là ta, không phải của ta. Nhớ như vậy khi mất nó thì kệ nó, không dính dáng gì tới cái bản lai diện mục của chính mình. Thiền sư Pháp Loa khi sắp tịch nói bài kệ:
Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn,
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng,
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.
Tuy bỏ cái này nhưng bên kia trăng gió rộng thênh thang, có gì phải lo sợ! Vua Trần Thái Tông trong những ngày cuối cuộc đời, vua có bệnh quốc sư Đại Đăng vào thăm hỏi: “Bệ hạ bệnh chăng?”. Vua đáp: “Tứ đại là bệnh, cái này xưa nay sanh tử không can hệ, mà dính kẹt trong bệnh hoạn sao?”. Rồi mấy hôm sau, khi sắp mất, vua Thánh Tông muốn nhờ hai vị quốc sư Phù Vân và Đại Đăng đến nói pháp xuất thế cho Ngài nghe. Thái Tông gằn giọng bảo: “Đến trong đây bớt một mảy tơ dường trên thịt khoét thương tích, thêm một mảy tơ như trong mắt để bụi. Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ sư thoái thân có phần. Dù Phù Vân nói huyền, Đại Đăng thuyết diệu đều là lời thừa, có ích gì đối với cái này”. Nói xong Ngài lặng lẽ ra đi, thọ 60 tuổi.
Chúng ta thấy khi nhà vua bệnh được quốc sư Đại Đăng đến thăm bệnh, mà Ngài vẫn xác định “Tứ đại bệnh còn cái ấy đâu có bệnh, cái ấy đâu có dính dáng gì trong bệnh hoạn”. Để thấy là nhà vua hằng sống được trong đó, nên mới an nhiên trả lời như vậy. Rồi khi vua cha sắp mất, Thánh Tông nhờ hai vị quốc sư đến trợ niệm giúp vua cha, nhưng vua cha không cần vì Ngài đủ sức làm chủ lấy bản thân, nên nói: “Đến trong đây bớt một mảy tơ thì dường như trên thịt khoét thành thương tích, thêm một mảy tơ như trong mắt có bụi”. Nghĩa là trong đó không cần thêm bớt gì nữa, như vậy là như vậy, thêm hay bớt chỉ là tạo thêm thương tích mà thôi. “Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ sư thoái thân có phần”, tức là chỗ ba đời chư Phật nhìn nhau không có kẻ hở cho ông dòm vào, cũng là chỗ chư Tổ phải lùi lại, ông làm sao bám. Vì thế hai vị quốc sư có bàn huyền nói diệu gì, thì cũng không dính dáng, chỉ như lời nói bên ngoài, lời dư thừa thôi. Nói xong rồi thì vua lặng lẽ ra đi.
Đúng là làm chủ trong sanh tử. Làm vua bao nhiêu việc mà Ngài còn rảnh rang tu được, có sức tự chủ trong sanh tử, còn chúng ta thì sao? Việc chúng ta đâu có nhiều hơn ông vua! Chúng ta còn nhiều thời gian lắm, lại đổ thừa công việc bề bộn tu không được, vậy là sao?
Qua tấm gương của vua Trần Thái Tông, chúng ta phải hổ thẹn cho mình. Nhà vua có chỗ sống chân thật nên khi bỏ thân này không có lo sợ, còn chúng ta khi phải bỏ thân này thì sao? Đó là chỗ chúng ta phải luôn học, luôn nhớ để quán chiếu. Trong kinh Di Giáo, lời dạy sau cùng trước khi Phật nhập Niết Bàn là: “Đây là vật tội ác và đáng bỏ, giả gọi là thân, nó chìm đắm trong biển sanh già bệnh chết. Như thế có người trí nào trừ diệt được thân này, như giết bọn giặc cướp mà chẳng vui mừng”. Lời đức Phật dạy nhắc nhở chúng ta bỏ thân là trừ được giặc, là vui chớ không phải buồn. Đó là chỗ chúng ta học suốt đời đến khi nhắm mắt chưa chắc đã xong, nào phải chỉ học vài ba hôm rồi thôi. Phải luôn ghi nhớ để trừ tham luyến về tấm thân này, để ngày ra đi chúng ta được nhẹ nhàng tự tại.
Đây không phải là chuyện trên chữ nghĩa, mà là chỗ cần phải sống. Một bậc thầy của Tây Tạng đánh thức mọi người: “Bạn có bao giờ hiểu, thân chứng về sự vô thường hay chưa? Bạn đã thâm nhập nó trong từng ý tưởng, động tác, hơi thở, đến nổi cuộc đời bạn nhờ vậy đổi mới hay chưa?”. Nhắc mọi người chúng ta luôn luôn tự kiểm lại mình có thật sự hiểu, thân chứng về sự vô thường chưa? Phải thâm nhập trong từng ý tưởng, động tác, hơi thở, phải đi đứng, nằm ngồi, nói cười luôn nhớ về cái chết, thì cuộc đời chúng ta mới đổi mới được. Mỗi người phải tự hỏi mình hai câu sau:
1- Tôi có nhớ hay không rằng tôi cùng mọi người, mọi vật đang tiến dần đến cái chết, và vì thế phải đối xử với mọi chúng sanh bằng lòng bi mẫn?
2- Sự hiểu biết về chết và vô thường nơi tôi, có thực đã trở nên bén nhạy, cấp thiết đến độ tôi đang dành mọi giây phút còn lại của đời tôi để theo đuổi sự nghiệp giác ngộ hay không? Nếu bạn có thể trả lời: “có” ù cho cả hai câu hỏi ấy, thì bạn mới thật sự đã thâm nhập lý vô thường.
Qua hai câu hỏi này có nghĩa là chúng ta phải luôn luôn hỏi mình, có nhớ là chúng ta đang chết hay không? Mình và mọi người ai cũng đang chết, thông cảm cùng hoàn cảnh thì phải đối xử với nhau cho tốt đẹp. Và sự hiểu biết về chết và vô thường, có thật sự cấp thiết đến độ chúng ta dùng tất cả thời gian còn lại của đời mình, để dành cho sự nghiệp giác ngộ hay không? Nếu có thể trả lời: “có”ù cho cả hai câu hỏi, thì chúng ta mới thực thâm nhập lý vô thường, còn chưa là vẫn chưa thật hiểu vô thường.
Hiện nay, có người học Phật thường nói: “Tôi học “minh tâm kiến tánh”, còn nói “vô thường” là chuyện quá xưa, là chuyện của mấy người sơ cơ mới học”. Sự thật, ở đây người nào trả lời “có” trong hai câu hỏi này, mới thật sự hiểu lý vô thường. Chúng ta phải luôn nhớ như vậy, bài học này chúng ta phải học suốt đời, thì việc tu hành sẽ tăng tiến, mới đúng là thấy biết sáng suốt.
Trích “NIỆM VỀ CÁI CHẾT” – Giảng tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng – Đà Lạt – 2009
Hòa Thượng Thích Thông Phương