“Như Lai thanh tịnh bao la
Nên con cúi xuống để mà kính yêu
Từ bi tỏa khắp muôn chiều
Nên con yêu kính bao nhiêu cho vừa.
Sáng soi trí tuệ vô bờ
Nên con tuyệt đối tôn thờ kính thương
Lưu truyền công đức phi thường
Nuôi con khôn lớn trên đường tâm linh.”
Từ xưa tới nay, chỉ có đức Phật mới dạy về một lòng từ bi không còn giới hạn, phủ trùm muôn loài vạn vật, phủ trùm cả vũ trụ mênh mông, lan cả vào thế giới siêu hình mà mắt người không trông thấy được.
Trong một tiền thân, Phật làm vua nổi tiếng nhân từ thương dân. Vì thương dân quá nên Ngài bị nhược điểm là không dành nhiều khả năng cho việc xây dựng quân đội quốc phòng lớn mạnh. Do thám của nước láng giềng báo về cho vua của họ điều đó. Ông vua láng giềng chợt khởi tâm tham, bèn khởi binh qua để đánh chiếm. Bồ Tát (tiền thân Phật) suy nghĩ rằng vị vua láng giềng cũng rất giỏi trị dân, cũng thương dân và biết làm cho dân tình ổn định sung sướng. Đất nước của ông ta hình luật rõ ràng. Ông ta có cai trị dân mình thì dân cũng sướng chứ chẳng hại gì. Còn bây giờ mà đánh nhau thì máu sông xương núi khổ cho biết bao gia đình.
Nghĩ vậy Bồ Tát ra lệnh binh sĩ không được chống đỡ, phần Ngài trốn đi nơi khác. Vị vua kia vào tận Hoàng cung mà không gặp bất cứ sự phản kháng nào, sau đó sát nhập hai quốc gia thành một và cai trị ổn thỏa. Ông ta chỉ sợ Bồ Tát dấy binh chống lại nên ra lệnh truy nã Ngài.
Bồ Tát trốn trong rừng núi đến nỗi quần áo rách tả tơi. Một lần nơi bìa rừng ngài gặp một người Bà La Môn hỏi đường về kinh đô tìm vị vua cũ là Ngài để cầu xin giúp đỡ cho hoàn cảnh khổ sở cùng cực của ông.
Đến khi biết người trước mặt ông chính là vị vua nổi tiếng nhân từ thì ông khóc vì tuyệt vọng. Bồ Tát suy nghĩ một lát rồi bảo ông ta nên bắt Ngài đem nộp sẽ được trọng thưởng. Vì Ngài thuyết phục quá nên cuối cùng Bà La Môn đồng ý trói Ngài đem nộp. Vị vua mới mừng rỡ ban thưởng cho Bà La Môn xong hỏi vì lý do nào bắt được Ngài. Người Bà La Môn kể lại câu chuyện. Vị vua mới sững sờ kinh ngạc. Thật ra ông ta cũng là người tốt, chỉ vì còn tham thôi. Đến khi biết được lòng tốt phi thường của Bồ Tát, ông bị cảm hóa mạnh mẽ. Ông bèn kết tình anh em với Bồ Tát, trả lại quốc gia và sống hòa bình với nhau.
Trong nhiều kiếp Phật luôn luôn sống hoàn toàn vị tha như thế.
Chúng ta có tu tập lòng từ bi rồi sẽ thấy khó khăn như thế nào. Có khi chúng ta tu qua vài tháng rồi mà vẫn chưa thật sự thương yêu được những huynh đệ chung quanh mình. Đôi khi huynh đệ bị bệnh ốm mà ta vẫn thờ ơ quên lãng. Với người nào có duyên ở kiếp trước thì chúng ta dễ khởi lòng thương mến, còn ai không có duyên thì ta rất khó thương, chứ đừng nói đến thương yêu tất cả chúng sinh. Thật là huyễn hoặc. Sau này tu tiến hơn một chút, có lòng từ bi hơn một chút, ta nhìn lại những năm tháng hời hợt trước đó và sẽ thấy hối hận vì đã không đủ lòng thương yêu với những người gần gũi với mình, mà thời gian thì đã qua đi, không còn cơ hội để sống chung với nhau để có thể chuộc lại nữa.
Như vậy chúng ta mới cúi đầu kính phục Phật đã thương yêu chúng sinh một cách tràn đầy, dễ dàng và bao la như vậy.
Phật đã dạy nhiều về lòng từ bi như thế và nhiều vị Thánh đệ tử đã được an lành từ tâm hồn thương yêu như thế. Chúng ta hôm nay cũng sẽ nguyện lòng tu tập theo lòng từ bi Phật dạy.
Trích bài “Tâm Từ”, Bộ sách Tâm lý Đạo Đức – Thượng tọa Thích Chân Quang