Trong nhà thiền, các Thiền sư thường dạy tâm bình thường là đạo. Hỏi đạo là gì? Tâm bình thường. Sinh hoạt đạo lý hằng ngày như thế nào? Đừng để tâm vọng động. Sống trong cái bình thường trong cái hiện tại, trong sự vận hành liên tục của các pháp mà không bị đắm trước, sáng suốt tỉnh táo, đó là sống đạo. Người sống được như vậy là người có niềm tin vững chắc. Chúng ta cứ tưởng đạo là cái gì ở trên trời trên mây, chỉ có các ông Thánh mới làm nổi, còn mình vô phần. Do đó ta tự đánh mất cái quý giá nhất của mình. Đạo thật ra ở sát một bên ta, nhưng vì nó quá gần nên mình không thấy, không nhận ra. Như tôi ngồi đây có thể nhìn xa tận ngoài vườn tới mấy chục mét, nhưng cái lỗ mũi trước mắt tôi lại không thấy. Bởi vì nó gần quá, thường quá nên mình đâu có quan tâm.
Phật nói cũng thế, tánh Phật nằm sẵn trong mỗi chúng ta mà mình lại không nhận ra, cứ chạy ngược chạy xuôi, lên non lên núi, tìm thầy tìm tổ ban cho. Đã sai lầm như vậy thì biết đến bao giờ mới nhận được. Cho nên người tu phải tỉnh táo, xoay lại mình đừng phóng ra ngoài nữa, thì mới không mất mình. Nhà thiền nói phản quan tự kỷ, nghĩa là xoay lại xem xét lấy mình. Tu là làm những việc rất bình thường nhưng trong tinh thần tỉnh táo sáng suốt, chứ không mê lầm cố chấp. Bởi thế có khi tôi nói tu rất dễ. Vì ta vẫn làm việc bình thường thôi, chỉ đừng chạy theo các duyên là đủ. Vậy mà mấy ai làm được? Bởi vì mình khinh thường cái hiện hữu gần kề cho nên không quan tâm đến nó, thành ra cuối cùng mất đi.
Ví dụ theo thời khóa, buổi sáng mình ngồi thiền, ăn cơm, làm việc, nghỉ trưa. Chiều học hoặc ngồi thiền, tụng kinh, ngồi thiền rồi nghỉ tối. Rất là bình thường, không khó khăn gì. Nhưng nếu ta không vững niềm tin thì tới giờ tụng kinh mình bận việc, có khách, tới giờ ngồi thiền thấy đau lưng mệt mỏi, thay vì ngồi thiền mình lại nằm thiền. Tới giờ ăn, nói ăn không nổi. Thế là mình làm xáo trộn đi cái bình thường. Cho nên người giữ vững, đều đặn những chuyện bình thường, tới giờ ăn cứ ăn, tới giờ nghỉ cứ nghỉ, đó là người biết hành đạo và gần với đạo. Thế thì đâu có khó khăn gì, phải không? Tại mình bất thường nên mới thấy khó khăn. Vì vậy Tổ Tăng Xán nói: “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”, nghĩa là chỗ tột cùng của đạo không khó, chỉ ngại vì người hay chọn lựa mà thôi.
Những việc cơ bản bắt đầu từ thời bé thơ, mình bước đi chập chững, mẹ mình cũng chỉ hướng dẫn thôi chứ đâu có đi thế mình được, rủi ro có vấp ngã thì mình cũng tự đứng dậy. Đó là chuyện bình thường. Cũng thế, việc tu hành đừng trông mong có một thần lực nào luôn bên cạnh, chờ mình té là đỡ. Đừng mong như vậy, mà bằng trí tuệ, bằng đôi tay đôi chân của mình, ta tự đứng dậy. Chỉ có cách đó là bảo đảm nhất.
Trong kinh Phật dạy: “Lòng tin là gốc đạo, là mẹ của các công đức, làm tăng trưởng tất cả các pháp lành, diệt trừ tất cả các nghi hoặc, thị hiện mở bày đạo vô thượng”. Lòng tin là gốc của đạo, là mẹ của tất cả các công đức, như tôi đã nói, làm việc gì mà không vững niềm tin thì chẳng tới đâu hết. Như Phật tử đi chùa nghe pháp, thờ Phật, ăn chay mấy năm rồi nhưng không hiểu biết chính xác gì về đạo. Hôm nào đó nghe người ta nói ăn chay coi chừng bị ung thư, liền hoảng sợ bỏ cuộc. Mình quyết định bỏ cuộc chớp nhoáng như vậy là đã mất mấy năm công phu rồi. Đó là do niềm tin đã bị lung lay. Thế gian vô thường, ta công phu chưa được bao nhiêu mà đã bỏ cuộc thì tu hành không biết đến bao giờ mới xong. Thời giờ qua rồi, không trở lại, việc tu tập nếu không có lòng tin vững chắc thì công đức làm sao có được? Nên kinh nói: “Lòng tin là gốc của đạo, là mẹ của tất cả các công đức”, mất lòng tin là mất tất cả.
Pháp của Phật dạy tuy nhiều, nhưng chỉ cần nắm vững một pháp thôi cũng đủ cho chúng ta tu rồi. Như Thiền sư Pháp Thường ở núi Đại Mai chỉ tin một câu “Tức tâm tức Phật” của Mã Tổ thôi, mà Ngài hoàn thành đại sự, giác ngộ giải thoát ngay trong hiện đời. Nếu quyết tâm mà làm thì đảm bảo hiện tại không có gì lay chuyển ta nổi. Ví dụ như ta đang tu thiền, nhưng nghe nói tu thiền điên, ta vẫn bình thường. Tại sao mình bình thường? Vì chính mình đang tu thiền đây nhưng có điên đâu. Người tu chân chánh giữ được mức bình thường là người có niềm tin kiên cố, không gì lay chuyển nổi. Vui không quá vui, buồn không quá buồn, ăn không quá no, ngủ không quá nhiều, không nói nhiều, nghĩ nhiều, đi nhiều. Nói nhiều thì tản thần, đi nhiều thì mỏi chân, nghĩ nhiều thì loạn động.
Thường phản quan tự kỷ, soi xét lại mình. Cách tu này, đối với Phật giáo Việt Nam nhất là thời Trần rất được thịnh hành. Phản quan tự kỷ, tức là nhìn lại mình, không bị động, không chạy ra bên ngoài. Xoay lại mình để làm gì? Để thấy cái dở thì giảm lại, bỏ đi. Như bớt nói một chút, bớt dính dáng việc chung quanh một chút, mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng ngay. Nói tóm lại là tự soi lại mình để làm chủ ba nghiệp, đừng phạm lỗi lầm. Như vậy thì không gây tạo nhân khổ, chắc chắc không chuốc quả khổ, rốt ráo được an vui.
Trích “TIN MÌNH ĐỂ TU”
Hòa Thượng Thích Nhật Quang