Mười công đức của Kinh Pháp Hoa dưới đây là kết quả của Bồ tát ở Tam thừa, chỉ bằng Bồ tát Sơ phát tâm ở Viên thừa.
1 – Công đức thứ nhất: Chuyển phiền não thành Bồ đề.
Khi hành giả thọ trì kinh, tâm duyên được với kinh và Phật, công đức lành sanh ra. Những sự ngăn che của phàm phu tự tan biến, sáu căn trở thành thanh tịnh. Tất cả phiền não trước kia tác hại hành giả bao nhiêu, nay đều chuyển thành phương tiện tốt để hành đạo.
Trước đó, khi nói pháp Tứ đế ở thành Ba la nại, Phật dạy phải đoạn trừ phiền não; vì đối với tâm lượng chán nản mệt mỏi của chúng hội bấy giờ, phiền não là chướng ngại. Ngược lại, nay tuy Bồ tát bị cách ấm, mang thân phàm phu mà cảm được kinh hay niệm danh hiệu Phật, tất cả nghiệp xấu trở thành tánh Bồ đề, ác hóa thiện. Ví như hoa sen hút bùn nhơ chuyển ra hương sen thơm ngát.
Nương công đức kinh và thần lực của chư Phật, hành giả chuyển đổi toàn bộ con người, nhữngtâm trược ác, tham lam, ganh ghét, sân hận, si mê không còn tác dụng nữa và đổi thành tâm đại bi, nhẫn nhục, trí tuệ. Tuy nhiên, nếu hành giả khởi niệm đắc được pháp này, tức thìcông đức cũng tự động tiêu tan theo vọng niệm điên đảo.
Sử dụng được công đức bất khả tư nghì thứ nhất, hành giả có khả năng hành đạo như Bồ tát Sơ địa. Chẳng những không qua giai đoạn tiệm tu của hàng Thanh văn, mà còn bỏ luôn được bốn mươi giai đoạn của Bồ tát từ Thập Tín đến Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi hướng để đi thẳng vào Bồ tát Thập Địa. Đạt được công đức thứ nhất, tự nhiên công đức thứ hai sanh ra.
2 – Công đức thứ hai: Tu một pháp thông tất cả pháp.
Theo ngài Trí Giả, từ Phật giới quan sát tất cả pháp Phật dạy xuống đến tận cùng chín loài thế giới khác đều không chướng ngại. Khởi đầu, Phật nói pháp Tứ đế cho năm anh em Kiều Trần Như và các ông tiếp nhận được dễ dàng. Pháp này là tư nghì sanh diệt Tứ đế, không phải là pháp chân thật; vì có thể tu và hiểu bằng tri thức phàm phu.
Từ pháp sanh diệt lần tu lên, tâm niệm chúng hội đổi thay từng giai đoạn và nhận được nghĩa lý khác nhau. Quả vị cũng theo đó mà lớn dần, đắc được pháp Noãn, pháp Đảnh, pháp Nhẫn, quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Đến giai đoạn này, chúng hội đã bước sang bất tư nghì sanh diệt Tứ đế, vượt ngoài sự hiểu biết của loài người.
Khi đạt đến quả vị A la hán, chúng hội vượt qua ranh giới sanh diệt môn, vào cảnh giới bất tư nghì bất sanh bất diệt Tứ đế. Hành giả hoàn toàn tự tại, nói pháp không chướng ngại. Cũng những ngôn ngữ ban đầu này mà nay giải đáp được vô số bài toán của thế gian. Đó là con đường hành đạo thông thường của mọi người.
Tuy nhiên, hành giả Pháp Hoa không theo phương hướng này, hành giả đốt giai đoạn vượt bỏ thời gian bốn mươi năm theo Phật, nghe pháp, để đạt đến tiền Pháp Hoa. Hành giả dùng tâm hoàn toàn thanh tịnh, vô nhiễm trước mọi phiền não trần lao, tu một pháp thông được tất cả pháp. Ở giai đoạn này, hành giả vẫn làm công việc bên ngoài thấy tầm thường như lạy Phật, tụng kinh; nhưng tạo được lực dụng bất khả tư nghì, tự nhiên thông được tam thiên đại thiên thế giới.
Hành giả thông suốt pháp Phật và căn tánh hành nghiệp của chúng sanh. Vì vậy, một câu, một chữ trong kinh giảng thành vô số nghĩa, nói một ngày, một tháng, một năm cũng không hết. Tất cả chúng sanh đến, hành giả biết chúng muốn gì, làm gì, tu pháp gì và tùy theo căn cơ mà chỉ dạy cho họ được lợi ích. Trường hợp điển hình ở Nhật có ông Ikeda sử dụng được công đức này. Ông mồ côi cha mẹ, làm nghề bán báo, được Nhật Đạt Thượng Nhân dạy niệm Đề kinh, bất thần ông mất tướng ngọng và trở thành Pháp sư nói giỏi hơn Thầy. Nhờ niệm Đề kinh, ông thông được tất cả pháp. Nương thần lực kinh, ông tự động giải đáp được tất cả vấn đề, không phải học.
Thành tựu công đức thứ hai, hành giả tuy còn mang thân phàm phu, nhưng làm việc như hàng Bồ tát Nhị địa.
3 – Công đức thứ ba: Hành giả còn phiền não vẫn được tự tại trong ba cõi.
Khi thông được tất cả pháp, hành giả qua lại ba cõi, xuống lên chín đường hoàn toàn không chướng ngại, không ô nhiễm. Mặc dù còn mang thân ngũ ấm, nhưng đã liên hệ được với chư Phật một cách tương tục, nên ra vào sanh tử tự do, từ Bồ tát giới đến địa ngục giới, tùy ý thay đổi sắc thân. Bấy giờ, hành giả đủ tư cách đảm nhiệm sứ mệnh mà Phật giao phó. Dù ở trong Nhà lửa vẫn an nhiên tự tại đưa mọi người về thế giới Cực Lạc. Đây là tư thế của Bồ tát ở Ta bà để trợ hóa cho Phật, tương đương với Bồ tát đệ Tam địa.
4 – Công đức thứ tư: Chưa độ mình mà có thể độ người.
Tuy còn thân phàm phu vẫn làm bạn được với Bồ tát mười phương. Cũng như trường hợp Huệ Tư Thiền sư lập giới đàn vô tướng để đưa Trí Giả đến thế giới chư Phật, tham dự vào Bồ tát học xứ, ngang hàng với Bồ tát hành đạo trong mười phương.
Dù chỉ mới phát tâm Bồ đề, hành giả cũng được coi là Pháp vương tử, cha là Phật, mẹ là kinh Pháp Hoa. Bồ Tát mới phát tâm được ví như hoàng tử, dù còn nằm nôi vẫn được thần dân kính nể và làm bạn với các con vua khác.
Ở vị trí đồng đẳng với Bồ tát mười phương, hành giả một mặt trụ thân nơi Ta bà, một mặt tham dự các Bồ tát học xứ, trau giồi trí tuệ. Vì vậy, tuy hành giả còn nhỏ nhưng nhận được Phật lực, Pháp lực, Bồ tát lực mười phương, tạo được lực dụng bất khả tư nghì, ngày đêm đều có Thiên long Bát bộ che chở, ác ma ngoại đạo không xâm hại được.
5 – Công đức thứ năm: Tuy còn phiền não mà làm việc như có thần thông.
Trì kinh Pháp Hoa đạt được bốn điều công đức nói trên, hành giả tuy còn phiền não, trông vào thực tầm thường, nhưng làm được việc phi thường. Đó là Bồ tát nội bí ngoại hiện, bề ngoài thị hiện thân phàm phu, Thanh văn, mà bên trong đầy đủ thần thông, độ được vô số chúng sanh. Việc làm của họ vượt ngoài sự thấy biết của phàm phu.
Họ hành đạo dưới dạng tâm chơn như, tác động cho người mà chính người này cũng không hay biết. Kinh ví họ như Long cung thái tử, mới sanh bảy ngày đã có thể làm mây nổi lên và mưa tuôn xuống. Hành giả ở giai đoạn này ngang với Bồ tát đệ Ngũ địa.
6 – Công đức thứ sáu: Tuy còn phàm phu mà làm cho người dứt phiền não.
Hành giả còn đủ phiền não ràng buộc, nhưng đã là bóng mát nương tựa cho chúng sanh. Những tâm hồn đau khổ tuyệt vọng đến độ có thể tan thân mất mạng, nếu đến với hành giả đều được bình ổn. Thậm chí chỉ nghe tên, hoặc chỉ nghĩ đến hành giả, cũng nhận được sự an lành.
Nương công đức kinh, hành giả trấn át được nghiệp lực chúng sanh, trong nhứt thời, ngang hàng với đệ Lục địa Bồ tát. Được công đức thứ sáu này, lời nói nào của hành giả cũng thành sự thật, mọi người nương theo tu hành đều đắc pháp, đắc quả. Kinh ví như hoàng tử còn nhỏ mà nhờ uy đức của vua cha nên cai trị được toàn dân. Hành giả cũng vậy, tuy còn ở địa vị phàm phu, nhưng nhận được Phật lực truyền vào, thay thế chư Phật giáo hóa chúng sanh, mọi việc làm đều là Phật sự.
7 – Công đức thứ bảy: Tự nhiên được Ba la mật và các thần thông.
Đồ chúng của Phật như ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề, v.v… theo Phật từ ban đầu, gia công tu hành ba mươi bảy Trợ đạo phẩm chứng Diệt đế Niết bàn.
Nay hành giả Pháp Hoa không tu ba mươi bảy phẩm Trợ đạo mà tự nhiên các Trợ đạo phẩm đều thành tựu. Thật vậy, hành giả không cần phải trải qua nhiều kiếp để tu pháp đoạn dục khử ái, chỉ nhứt tâm thọ trì kinh Pháp Hoa, thì tự động nhàm chán mọi đắm say dục lạc thế gian. Hoặc hành giả không tu Bát Chánh đạo, pháp này cũng tự thành tựu; vì trong một niệm tâm thanh tịnh tương ưng với kinh, thấy đúng như thực, không còn tà dại. Chẳng những ba mươi bảy phẩm Trợ đạo mà cả sáu pháp Ba la mật, hành giả cũng không tu, nhưng tự nhiên chứng được.
Tuy nhiên, đó không phải là thực chứng như hàng A la hán, Bồ tát đạt được. Hành giả nương vào công đức kinh và thần lực chư Phật có được những pháp bất khả tư nghì này. Ngược lại, chỉ khởi một niệm tăng thượng mạn, liền rớt trở lại thân phận hẩm hiu của phàm phu.
8 – Công đức thứ tám: Những người chống trái trở thành thuận hòa.
Hành giả có khả năng làm cho người phát tâm Bồ đề. Người đến với hành giả thực sự không phát tâm, nhưng nhờ nương công đức kinh, hành giả chuyển đổi được họ.
Bồ tát sơ tâm khởi một niệm thanh tịnh duyên với kinh, sẽ khơi dậy tâm Bồ đề cho ngườikhác; nhưng niệm sau không thanh tịnh, nênkhông trưởng dưỡng được Bồ đề tâm này một cách liên tục. Ngược lại, các vị Bồ tát lớn thanh tịnh miên viễn, công đức tròn đầy, bất cứ lúc nào nghĩ tưởngđến các ngài, chúng sanh đều được thanh tịnh.
9 – Công đức thứ chín: Túc nghiệp dứt, được nhạo thuyết biện tài, chứng được Đà la ni.
Đến giai đoạn này, những nghiệp còn lại nhứt thời đều tan hoại và hành giả được nhạo thuyết biện tài, chứng được Đà la ni, tương đương với Bồ tát Cửu địa. Bấy giờ hành giả thông suốt mọi vấn đề không cần phải học, như hai vợ chồng ông Okano ở Nhật được gọi là ông Hòa thượng, là một người thợ sửa radio tầm thường.
Khi ông phát tâm Bồ đề, nương công đức kinh tu tập, cuộc đời hai người hoàn toàn đổi mới. Từ một người thợ tầm thường, cả hai ông bà trở thành Pháp sư nổi tiếng, nhạo thuyết biện tài. Bất cứ người nào đến với ông bà cũng tìm được sự bình an cho tâm hồn. Vì độ cảm kinh và lòng từ bi của ông bà liên tục nên công đức sử dụng và phước báo không thay đổi.
Đắc được pháp này, tuy còn ở địa vị phàm phu, đã phân thân đi giáo hóa khắp thế giới, thậm chí dạy cả loài thú tu hành. Hành giả thuyết pháp, khuyên dạy dưới dạng con người thứ hai, nên chính hành giả cũng không biết. Vì vậy, mà từ loài người đến loài cầm thú cảm ơn giáo hóa, kéo đến quy ngưỡng.
10 – Công đức thứ mười: Phàm phu thân hành Bồ tát đạo.
Sử dụng được công đức thứ mười, hành giả tương đương với Bồ tát Đẳng giác, tuy còn ở chốn phàm phu đã phát được a tăng kỳ thệ nguyện. Tình thương của hành giả bằng với Quan Âm, phổ cập đến muôn loài mọi giới, nhứt thời đầy đủ mười hạnh nguyện của Phổ Hiền.
Nương công đức kinh, hành giả giáo hóa được khắp mười phương; nhưng một niệm vọng động khởi lên, liền rớt trở lại thế giới phàm phu. Tuy nhiên, hành giả vẫn nhận được công đức từ các thế giới kia gởi về, nghĩa là bị đọa mà vẫn tu được.
Mười công đức nói trên được Đức Phật xác định chỉ có Bồ tát nhân gian mới sử dụng được. Bồ tát nhân gian là Bồ tát vì thương chúng sanh trở lại cõi Ta bà để hóa độ. Các ngài thọ ngũ ấm thân, nên bên ngoài vẫn có phiền não trần lao như mọi người, còn bị nghiệp tập quán chi phối, nhưng bên trong hoàn toàn thanh tịnh. Khi thọ trì kinh, trong ngoài đều thanh tịnh, đương nhiên phá được bức màn vô minh thông từ trong ra ngoài và lúc trở lại tư thế phàm phu, các ngài vẫn thanh tịnh.
Vì vậy, Phật nói Bồ tát hiện vào Ta bà độ sanh có kinh bảo vệ, không sợ mất kiếp. Ngược lại, chúng phàm phu trong ngoài đều nhiễm ô, nghiệp chủng tử là nghiệp tội lỗi, chưa đối cảnh mà tâm ác đã hiện ra. Đây là chúng sanh phàm phu điên đảo vì năm món dục trôi lăn trong sanh tử, không thể sử dụng được phần công đức này.
Tóm lại, kinh Vô Lượng Nghĩa đánh dấu tổng kết bốn mươi năm thuyết pháp của Đức Phật và mở ra cánh cửa cho chúng Tam thừa đã hoàn tất quá trình tu giới, định, tuệ bước vào thế giới Pháp Hoa, nhận lãnh ấn chỉ của Phật, thay Ngài giáo hóa ở cõi Ta bà, làm lợi lạc cho chúng hữu tình.
(Trích Lược giải Kinh Pháp Hoa – HT.Thích Trí Quảng)