Nhân dịp quí Phật tử Hà Nội đến thăm, tôi có ít lời nhắc nhở để quí vị nhớ tinh tấn tu hành. Hôm nay tôi nói về đề tài Ý nghĩa chữ tu. Có Phật tử biết rõ ý nghĩa chữ tu, nhưng cũng có vị chưa biết rõ tu là gì. Tôi sẽ giải thích chữ Tu cho tất cả hiểu. Chữ Tu có nghĩa cụ thể nhất là “sửa đổi”.
Chúng ta sửa đổi những tật xấu dở trở thành hay tốt, gọi là tu. Tại sao phải sửa? Bởi vì mọi người đều có tâm lành, tâm tốt nhưng cũng không tránh khỏi một hai điều dở xấu. Vì vậy muốn được hoàn thiện chúng ta phải tu. Chúng ta biết đó là điểm xấu dở của mình, nhưng bỏ một lần hết không? Hết cái này lại sanh cái khác, cho nên chúng ta phải tu hoài, tu cả đời.
Phật gọi ba thứ độc tham, sân, si là thói xấu nguy hiểm nhất của con người. Tại sao ba thứ đó lại độc? Bởi vì ai vướng phải nó đều khổ và làm khổ luôn cho những người chung quanh. Vì vậy Phật hỏi các thầy Tỳ-kheo:
– Nếu trong thất của các ông có ba con rắn độc chui vào, các ông ngủ yên được không?
Các thầy thưa:
– Bạch Thế Tôn, chúng con ngủ không yên.
Phật hỏi:
– Làm sao các ông ngủ mới yên?
Các thầy thưa:
– Muốn ngủ yên chúng con phải đuổi ba con rắn độc ra khỏi thất.
Ba con rắn độc đó là tham, sân, si. Nếu chúng còn ở trong lòng thì các thầy ngủ không yên? Nhưng đối với chúng ta dường như mình không biết sợ nó, nên rắn độc mặc rắn độc, ta ngủ vẫn ngon như thường! Lẽ ra có rắn độc ta lo sợ, cố gắng đuổi nó ra khỏi nhà mình, đằng này chúng ta để nó nằm yên đó mà vẫn ngủ ngon. Ðến khi bất ngờ nó cắn một cái thì nguy hiểm rồi.
Như ta đang an vui bình tĩnh, bất thần có ai nói một câu trái tai, ta liền nổi nóng lên. Một khi nổi nóng thì tất cả những gì xấu dở mình đều trút hết lên đầu người ta. Họ cũng vậy, bị xúc phạm đâu nhịn, thế là hai bên ẩu đả nhau. Từ nóng nảy mà ta phải chuốc họa vào thân, có khi ảnh hưởng đến cả gia đình nữa.
Vì vậy còn tham, còn sân, còn si thì chúng ta còn khổ. Phật tử tu là để hết khổ hay còn khổ? Người nào cũng muốn hết khổ, vậy có nên giữ tham sân si không? Quí vị ưng đuổi hay không ưng đuổi nó? Nếu tham sân si còn, chúng ta phải lập thệ nguyện trước Phật rằng con sẽ dẹp sạch tham sân si. Ngày nay chưa hết thì ngày mai, ngày mai chưa hết thì ngày kia, dẹp đến khi nào hết mới thôi. Quyết tâm như vậy nhất định có ngày ta sẽ dẹp sạch chúng.
Có khi chúng ta nổi sân rất vô lý. Ví dụ đang vui vẻ, bất chợt nghe ai nói “chị ngu như con bò”, ta nổi sân lên liền. Người ta nói mình ngu như con bò mà mình có như con bò chưa? Nếu nổi sân lên chẳng khác nào ta nhận mình ngu rồi. Bây giờ nếu nghe nói “chị ngu như con bò”, mình cười trả lời: “Người xưa nói càng học càng thấy dốt, vậy tôi không ngu sao được?” Như vậy là hết chuyện, có gì phải nổi nóng, phải tức giận chứ. Vừa mới nghe nói “ngu như con bò” là nổi nóng liền, rồi làm dữ với người ta, đó là tự nhận mình làm bò rồi. Tất cả lời nói vốn không có giá trị thật. Vậy mà chúng ta vội nóng giận để tạo khổ cho nhau. Nếu biết lời nói không đúng, ta sẽ không khổ tí nào hết.
Ngày xưa, đức Phật đi giáo hóa ở vùng theo đạo Bà-la-môn. Sau khi nghe pháp của Ngài, dân chúng bỏ đạo Bà-la-môn qui y Phật. Các thầy Bà-la-môn tức lắm. Hôm sau Phật đi khất thực, một thầy Bà-la-môn chạy theo sau lưng kêu tên Phật chửi. Ông chửi hoài mà Phật vẫn đi ung dung thản nhiên, không quan tâm gì hết. Phật càng lặng thinh ông càng tức. Cuối cùng ông chạy đến đón đường Phật hỏi:
– Cù-đàm, Ngài có điếc không?
Phật nói:
– Không.
– Không điếc, tại sao tôi chửi Ngài không trả lời?
Phật bảo:
– Này Bà-la-môn, nếu ở nhà ông có giỗ mời người thân tới dự. Khi họ ra về, ông đem quà tặng nhưng họ không nhận thì quà đó thuộc về ai?
– Họ không nhận thì quà đó thuộc về tôi chớ về ai?
Phật nói:
– Cũng vậy, ông chửi ta nhưng ta không nhận thì lời lẽ đó thuộc về ai?
Quí Phật tử chịu nhận hay không nhận? Chúng ta vừa nghe thoang thoáng thôi là nhảy ra nhận liền cho nên mới khổ. Ðức Phật bị kêu đích danh mà Ngài không nhận. Nếu ngày xưa Phật nhận rồi cự lộn với Bà-la-môn thì ngày nay chúng ta có lạy Ngài không? Sở dĩ chúng ta lạy Phật mỗi đêm vì Ngài đã thắng được tham sân si. Sự việc lẽ ra phải giận mà Ngài không giận. Còn chúng ta tu chưa ai động tới đã lo giận trước rồi. Ðộng tới liền giận, hóa ra ta là gì? Thánh Hiền hay La-sát đây?
Tu là để tiến lên Hiền Thánh, chớ không phải tu để đọa xuống thành yêu quái. Vậy tại sao chúng ta không chịu bỏ nóng giận. Bởi con người quá si mê chấp những lời nói vô nghĩa là thật, chấp thân này thật nên quay cuồng trong đảo điên. Người nói bậy đã sai, ta cự với họ có thành sai không? Cũng sai luôn. Người tỉnh sáng nghe lời sai lời bậy, biết rõ thì đâu có buồn giận. Vì vậy người tu phải là người tỉnh sáng, lúc nào cũng dùng trí tuệ, không để bị gạt lừa, đó mới gọi là tu.
Thí dụ ta tới bệnh viện tâm thần thăm bệnh nhân trong đó. Thấy mình họ liền kêu chửi, lúc đó chúng ta xử trí thế nào? Nên cự lại hay lặng lẽ đi với lòng thương xót. Nếu ta cự lại với người bệnh tâm thần hóa ra mình cũng bị tâm thần rồi. Người không biết phải quấy, hay chửi mắng, hay la hét là bệnh tâm thần, đáng thương hơn đáng giận. Nghĩ như vậy ta đâu có giận họ, đó là ta sáng suốt bình tĩnh.
Cũng thế, gặp bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta biết dùng trí tuệ để giản trạch, phân biệt, đó là ta biết tu. Nếu không dùng trí tuệ giản trạch, ta sẽ cuồng loạn như người bệnh tâm thần. Cho nên người tu khác người không tu ở chỗ một bên ôm ấp bực bội, nóng nảy khiến tâm phát sanh cuồng loạn, còn một bên tỉnh táo sáng suốt, tâm cởi mở hỉ xả nên giải quyết mọi việc êm đẹp.
Ôm ấp nóng giận cũng giống như chứa cục lửa than trong lòng vậy. Nó đốt mỗi ngày khiến mình càng khô héo, chớ có tốt đẹp đâu. Có việc gì xảy ra liền bỏ qua cho khỏe, ôm ấp giận hờn làm chi cho khổ thân. Ôm ấp hoài khi nhắm mắt đem theo những hình ảnh ấy, đời sau gặp lại nữa. Phật dạy đời này ta thương yêu ai nhiều hay thù giận ai nhiều, khi chết sẽ gặp lại những người đó. Tại sao? Bởi vì trong tâm ta luôn nhớ đến hai hạng người này, chớ đâu có nhớ những người bình thường. Vì vậy muốn đời sau không khổ thì bây giờ bỏ hết, đừng giận, đừng thù ai. Ðược vậy hiện đời vui vẻ mà đời sau cũng nhẹ nhàng thanh tịnh, vì không tích lũy đau khổ trong lòng, lại khỏi cái khổ oán thù gặp lại.
Nhiều gia đình có con hiếu thảo thật đáng quí nhưng cha mẹ không thương, còn những đứa phá của thật dễ sợ lại rất thương. Ðó chính là oán thù gặp lại, phải trả cho xong. Vì vậy nhìn trong gia đình, ta biết mình gặp lại nhau do thương hay do oán hờn từ đời trước. Nếu bỏ được oán hờn thì gặp lại nhau bình thường, không quá thương cũng không quá ghét. Ít thương ít ghét thì ít khổ, nếu được hết thương hết ghét thì hết khổ luôn.
Thế mà nhiều Phật tử nói: “Mình nhịn thì bị người ta chê dại!” Nhịn là dại hay khôn? Người ta cuồng, mình tỉnh thì ta hơn họ chớ sao thua. Ðừng tưởng dùng ngôn ngữ không tốt chống đối nhau mới khôn, đó là lầm. Người không tốt ta nên im lặng để được tốt trọn vẹn, chớ cãi với nhau thì cả hai thành không tốt. Người khéo tu, biết được đạo lý, lúc nào cũng phải tránh những cái khổ đời này và đời sau, nên phải bớt giận hờn oán thù, đừng ôm ấp nó trong lòng. Lòng được thảnh thơi nhẹ nhàng, sống một cách an vui tự tại, dù là nghèo vẫn không khổ. Còn người ôm nhiều oán hờn dù của cải đầy tràn vẫn khổ sở như thường. Nên nhớ người biết tu không chỉ tạo duyên tốt trong hiện tại, mà còn tạo duyên tốt cho cả đời sau nữa.
Trên đường tu, ta đi được một bước là an lành một bước, đi hai bước là an lành hai bước. Tu là như thế, chớ không phải tu là cầu xin Phật Tổ ban cho mình sự an vui tự tại. Phật không chấp nhận điều ấy. Người biết tu thì việc làm mới có ý nghĩa, người không biết tu chẳng những việc làm không có ý nghĩa mà còn phạm tội nữa. Biết tu là an lạc một đời, không biết tu thì đau khổ mãi trong đời này và cả đời sau. Cho nên người Phật tử chân chánh cần phải hiểu đạo lý một cách đúng đắn, không nên hiểu sai lầm để đời tu của mình trở thành vô nghĩa.
Phật tử qui y Tam Bảo, thọ trì năm giới để tu. Ðó là điều thiết yếu. Nhiều vị tu mà không biết gì là gốc, gì là ngọn. Chúng ta tu sao cho bản thân mình được tốt đẹp, ảnh hưởng đến những người chung quanh cũng được tốt đẹp. Vì sao Phật dạy phải giữ giới không sát sanh? Ở đời ai cũng sợ chết. Mình đã sợ thì có nỡ làm cho người khác chết không? Ta trọng sanh mạng của mình thì cũng phải trọng sanh mạng của người, do đó không được sát sanh. Ta muốn sống thì cũng phải bảo vệ mạng sống của người khác. Ðó là lẽ công bằng.
Giới thứ hai, không được trộm cắp. Ai cũng biết tiền của là mạng mạch của sự sống. Nếu mất tiền của, sự sống không còn bình an nữa. Ai cũng thấy tiền của quan trọng như thế, nên bị xâm phạm thì nổi tức muốn trả thù. Nếu ta biết bảo vệ của cải cho mình thì cũng nhớ bảo vệ của cải cho người. Vì vậy không trộm cướp là một lẽ công bằng trong cộng đồng xã hội loài người.
Giới thứ ba, không được tà dâm tức bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trong gia đình, người chồng hoặc người vợ ngoại tình, gia đình đó tan nát, không còn hạnh phúc. Chúng ta muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình mình thì phải bảo vệ hạnh phúc gia đình của người. Do đó Phật cấm không được tà dâm. Ba giới này hết sức thiết yếu trong cuộc sống, giữ được ba giới này là tránh khổ cho mình cho người nhiều lắm rồi đó.
Giới thứ tư không được nói dối. Thường trong gia đình từ cha mẹ đến con cái, chồng hoặc vợ dối gạt nhau, không ai thật thà với ai hết thì làm sao tin nhau được. Không tin thì có thương yêu không? Có tin mới có thương, không tin thì không thương. Như vậy, muốn gia đình hòa vui, tin yêu nhau thì mọi người phải thật thà với nhau. Ðến ngoài xã hội cũng vậy, nếu chúng ta lừa gạt người này, dối trá người kia thì không ai tin mến mình cả. Chừng đó ta nói gì họ cũng không nghe. Thế là vô tình ta tự loại mình ra khỏi cộng đồng xã hội rồi, có khổ chưa? Bởi vậy nói dối rất nguy hại, trong gia đình mất tình thương yêu; ngoài xã hội ta trở thành kẻ cô độc. Cho nên Phật cấm không cho nói dối.
Giới thứ năm không được uống ruợu. Phật cấm không uống rượu mạnh, không uống say. Tại sao Phật lại cấm uống rượu, đâu có đánh đập ai, phiền lụy ai? Bởi vì người say rượu giống như kẻ điên mất hết trí khôn, tâm thể cuồng loạn. Cho nên Phật dạy rượu là nhân si mê, uống nhiều thì si mê nhiều, không uống thì tỉnh sáng. Uống rượu có hai điều hại. Thứ nhất là gieo hạt giống si mê, thứ hai là sanh bệnh hoạn. Ðó là hại gần, còn xa nữa thì con cháu sanh ra cũng bị si mê theo, vì ảnh hưởng di truyền của cha mẹ. Vì vậy Phật cấm không cho uống rượu.
Hiện tại chúng ta không say mà còn lầm lẫn, huống là uống say thì bao nhiêu lầm lẫn khác xảy đến. Không làm chủ được mình, không giản trạch phải quấy, lúc đó rất dễ tạo tội. Ngày nay còn có ba thứ độc hại hơn ruợu nữa là á phiện, xì ke, ma túy. Cho nên phải nói thêm, Phật tử không được uống rượu mạnh, uống say; không hút á phiện, xì ke, ma túy, đó là giới thứ năm. Tai hại của những thứ này nếu nói rộng ra thì sẽ làm xã hội băng hoại, con người gây vô số tội lỗi, chớ không phải thường.
Vì vậy bước đầu vào đạo, Phật dạy chúng ta phải giữ năm giới. Giữ năm giới là tu. Phật tử nào không phạm năm giới là người sống xứng đáng trong đạo cũng như đời. Do chúng ta biết giữ năm giới hiện đời bản thân mình tốt, mọi người chung quanh mến thương. Khi nhắm mắt biết chắc chắn sẽ trở lại làm người tốt, nên trong tâm không lo sợ hoảng hốt. Ðó là tu Nhân thừa Phật giáo.
Người không sát sanh đời sau sanh ra tuổi thọ dài. Không trộm cướp đời sau sanh ra có tài sản nhiều. Không tà dâm đời sau sanh ra đẹp đẽ trang nghiêm. Không nói dối đời sau sanh ra nói năng lưu loát, ai cũng quí cũng tin. Không uống rượu mạnh, không uống say; không hút á phiện, xì ke, ma túy đời sau sanh ra được trí tuệ minh mẫn. Như vậy, giữ được năm giới hiện đời sống hạnh phúc, đời sau càng hạnh phúc hơn.
Nên nói tới tu là điều cần thiết cho bản thân mình, cho gia đình và cho cả xã hội nữa. Chớ không phải tu là cầu những chuyện lạ lùng, huyền bí. Nếu một thôn, một xóm ai cũng giữ tròn năm giới thì thôn xóm đó có vui không? Không ai sợ bị ăn cắp, sợ người khác hại, sợ người khác phá gia cang của mình v.v. Ðó là chỗ hòa vui.
Vì vậy tu là biết được gốc của sự an vui. Những gì làm đau khổ chúng ta tránh, những gì tạo niềm an vui chúng ta làm thì cuộc đời tốt đẹp biết dường nào. Nếu không biết tu chúng ta cứ làm những điều xấu, rồi tự chuốc khổ cho mình cho người. Chính mình chủ nhân tạo ra mọi sướng khổ, chớ không phải thần thánh nào cả. Thế nhưng có người động tới liền xin thần thánh “tha cho con”. Thật buồn cười.
Chúng ta gieo nhân tốt mới hưởng được quả tốt, không gieo nhân mà đòi hưởng quả đó là chuyện viển vông. Không cần phải xin xỏ ai cả, chỉ khéo tạo nhân tốt để được quả tốt, đó là người sáng suốt thực tế. Phật bảo đó là người khéo tu, biết tu vậy.
Mong tất cả quí vị hiểu được ý nghĩa “chữ tu” cho thật đúng, khéo ứng dụng vào cuộc sống của mình, thì dù nghe ít vẫn lợi lạc nhiều. Bằng ngược lại nghe nhiều mà không khéo tu, cứ mặc tình tạo các nghiệp bất thiện thì chẳng những không được chút lợi lạc, mà phải chuốc quả khổ đau nữa.
Chúc quí vị cố gắng tu đạt được nhiều an lạc trong hiện đời và cho cả mai sau.
HT thiền sư Thích Thanh Từ giáo huấn