Nói thật ra, trọn chẳng phải là lúc bình thường quý vị không có vọng niệm nhiều như thế. Lúc bình thường vọng niệm cũng nhiều ngần ấy, nhưng quý vị không cảm nhận được. Một phen lắng lòng chú ý, mới phát hiện vọng niệm nhiều dường ấy. Làm như thế nào? Quý vị đừng sợ! Từ xưa đến nay, ngay cả lúc Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, tuyệt đại đa số các đồ đệ của Ngài giống hệt như chúng ta, chẳng có sai biệt gì; nhưng quý vị phải cảnh giác: Hãy mặc kệ vọng niệm, đừng quan tâm đến chúng. Quý vị càng quan tâm, vọng niệm càng nhiều; càng cố ngăn dứt, càng chẳng được! Biện pháp tốt nhất là xoay chuyển sức chú ý. Ví như chúng ta niệm Phật, toàn bộ tinh thần tập trung nơi Phật hiệu, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, ta chỉ chú ý sao cho Phật hiệu không gián đoạn, vọng niệm sẽ mất, [vọng niệm] nhiều cũng được, ít cũng được, thiện niệm cũng được, ác niệm cũng được, nhất loạt không quan tâm đến nó. Quý vị mặc kệ vọng niệm, nó sẽ tự nhiên ít đi!
Toàn bộ tinh thần chuyên chú nơi một câu Phật hiệu, câu Phật hiệu sẽ hữu lực. Có sức gì vậy? Có sức mạnh diệt vọng niệm. Có rất nhiều người chẳng biết phương pháp này; vọng niệm vừa khởi, kẻ ấy không dám niệm Phật nữa. Kẻ ấy nói: “Khi tôi không niệm Phật thì chẳng có vọng niệm. Khi vừa mới niệm Phật, vọng niệm càng nhiều”. Để cho vọng niệm diệt mất Phật hiệu, vậy là hỏng bét rồi! Chẳng thể được! Lầm lẫn to lớn! Do vậy, đồng tu gặp phải tình hình ấy đừng sợ hãi, nhất định phải dùng Phật hiệu để diệt vọng niệm, ngàn vạn phần đừng để vọng niệm diệt Phật hiệu, [nếu để vọng niệm diệt mất Phật hiệu thì] không có cách nào hết!
Phương pháp này chính là dùng sức chú ý để dốc toàn bộ tinh thần nơi Phật hiệu, đó gọi là công phu.
Vọng niệm của quý vị ngày một giảm thiểu, quý vị niệm Phật có tiến bộ, cảnh giới hết sức tốt đẹp. Khi nào niệm đến mức vọng niệm không còn nữa, đó chính là công phu thành phiến. Tuy chẳng có vọng niệm, nhưng hoàn toàn chưa đoạn phiền não, thì gọi là công phu thành phiến.Vọng niệm không có, mà phiền não cũng đoạn, quý vị đã đắc nhất tâm bất loạn.
(Trích A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA -tập 50-phần 25)
Ân Sư Đại Lão Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không.
Xin thường niệm :A DI ĐÀ PHẬT