Người thế gian thường nói: “Sanh chẳng đem đến, chết chẳng mang theo”, vì chúng ta chưa chết nên vẫn còn muốn giữ chặt. Thật ra mỗi người chúng ta, mỗi buổi tối đều phải chết một lần. Khi ngủ say, cái thân này có bị khiêng đi, chúng ta đều chẳng biết, huống chi còn muốn giữ lấy vàng, bạc, châu báu! Thế gian không có một thứ chi là của mình, vì thế, không có một thứ chi có được, bao gồm cả thân thể chính mình đều không có được. Ngay cả thân thể còn không có được, huống chi vật ngoài thân.
Do vậy chúng ta phải giác ngộ, nhất định phải mở rộng tầm nhìn, phải nhìn thấu, khi chúng ta thật sự buông xuống sẽ được đại tự tại, đó mới hạnh phúc khoái lạc thật sự. Vì thế ! Buông xuống là lẽ đương nhiên, phải buông xuống, vì sao? Chẳng thể có được thứ gì. Nếu đã là thứ gì cũng đều không thể được, vì sao không chịu buông xuống ? Nếu có được, dù ta không buông xuống đi nữa, Phật cũng vẫn gật đầu, vẫn tán thành, nhưng dù chúng ta có nghĩ tưởng như thế nào đi nữa, tất cả đều là không, đều chẳng thể được, đều là trống rỗng!
Vì thế! Phật dạy chúng ta buông xuống, tuyệt đối là đúng đắn. Vì sao Ngài dạy chúng ta buông xuống? Vì thật sự chúng ta không thể nào có được. Do vậy ! Người mê hoặc rất tội nghiệp: “Tâm nhọc nhằn, thân khổ sở”. Những thứ chúng ta không thể có lại muốn có cho được, cho nên mới khổ, thân lẫn tâm đều khổ. Nếu không buông xuống, dù hết thảy chư Phật có dạy chúng ta thì vẫn như: “Gãi ngứa ngoài giày”. Không dễ gì thấu hiểu được. Chúng ta buông xuống một phần sẽ thấu hiểu một phần, chúng ta buông xuống hai phần sẽ thấu hiểu hai phần, buông xuống càng nhiều, thấu hiểu càng nhiều hơn nữa. Vì thế ! Nhất định phải từ buông xuống mới thấy được hiệu quả, đấy gọi là Phật Pháp chân chính.
Ví như chúng ta đọc trọn khắp Tam Tạng mười hai bộ Kinh, đọc đến thuộc lòng, có thể đọc làu làu từ phần cuối đến phần đầu, nhưng không thể buông xuống thì vẫn vô dụng, sự hiểu biết về Phật Pháp của chúng ta chỉ là văn tự ngoài da. Thật ra, có hiểu rõ văn tự hay không? Vẫn là chẳng hiểu văn tự! Cần phải thật sự đích thân chứng đến cảnh giới, sau đó, xem văn tự trong các Kinh do Đức Phật đã giảng, chúng ta mới thật sự hiểu được.
Đây chính là chỗ khó khăn trong Phật Pháp. Chỗ khó khăn này cũng chính là chỗ dễ dàng của Phật Pháp, vì Phật Pháp là Pháp môn Bất Nhị, khó và dễ không hai. Vì sao nói là khó ? Không buông xuống sẽ khó. Học hơn mấy trăm năm, đọc thuộc Tam Tạng mười hai bộ Kinh, nhưng chẳng lãnh hội, không hiểu, không phải là khó hay sao? Tại sao nói là dễ? Buông xuống sẽ dễ dàng, đã thật sự buông xuống, dẫu chưa đọc một bộ Kinh nào, như Lục Tổ Huệ Năng đại sư chưa từng đọc một bộ Kinh nào, nhưng Kinh gì Ngài cũng đều hiểu hết, nên nói là dễ. Do vậy khó hay dễ là ở chỗ nào ? Chỉ là chịu buông xuống hay không mà thôi.
Nhìn Thấu Là Trí Huệ Chân Thật:
Chủ Giảng : HT Thượng Tịnh Hạ Không.