Lục đạo được hình thành như thế nào?
Do “Ngã” và “Ngã Sở” biến hiện.
Sơ Quả Tu Đà Hoàn đã trừ bỏ Ngã Sở, chứng đắc Vị Bất Thoái.
Tuy chẳng vượt thoát luân hồi, đảm bảo chẳng đọa trong ba ác đạo, vì sao?
Các Ngài đã trừ bỏ Ngã Sở, ngã tham, ngã sân, ngã si, ngã mạn đều chẳng có, đã bỏ hết; nhưng chưa trừ bỏ Ngã !
Do Tu Đà Hoàn chẳng có tham, sân, si, mạn, nên gọi là thánh nhân.
Đắc quả A La Hán, Ngã Chấp liền phá trừ, không chỉ chẳng có Ngã Sở, mà Ngã cũng trừ bỏ, bèn vượt thoát tam giới, chẳng còn luân hồi.
Tu Đà Hoàn vẫn còn luân hồi, qua lại trong cõi trời và nhân gian bảy lần, tức là bảy lần luân hồi, sẽ chứng quả A La Hán, bèn vượt thoát.
Nay chúng ta chẳng bỏ “Ngã Sở Hữu” được ! Đáng sợ quá ! Người thế gian quả thật khó thể buông xuống, vì sao ? Chẳng liễu giải chân tướng sự thật.
Ví như hiện thời chúng tôi bảo quý vị bố thí, quý vị đem tất cả tài vật bố thí, sẽ nghĩ: “Ngày mai làm thế nào để có cơm ăn?”
Vì nghĩ đến ngày mai ta vẫn phải ăn cơm, ta có bố thí thì cũng phải chừa tiền lại để có cơm ăn ngày mai, vẫn chẳng thể bỏ sạch sành sanh. Nay chúng ta đang tu tập để bỏ Ngã Sở, chỉ có thể bỏ được một hai phần trăm Ngã Sở mà thôi !
Có thể bỏ đến mười phần trăm, hoặc hai mươi phần trăm, sẽ rất lỗi lạc !
Đó là nguyên nhân vì sao người tu hành suốt cả một đời mà chẳng thể thành tựu, chẳng dứt khoát, chẳng trừ sạch. Tu hành kiểu đó làm sao có thể thành tựu cho được ?
Vì thế, muốn có thành tựu, thật sự phải có “đảm thức” (can đảm và hiểu biết). Chữ Thức trong Đảm Thức quan trọng lắm, quý vị phải có nhận thức, sau đó, quý vị mới có lòng can đảm, mới nhanh chóng trừ bỏ.
Để kiến lập đảm thức, tôi cảm thấy tốt nhất là đọc Liễu Phàm Tứ Huấn. Liễu Phàm Tứ Huấn đọc một hai lần vô dụng, chẳng thể sanh ra hiệu quả. Trước kia, tôi khuyên lơn khích lệ các đồng tu, đọc Liễu Phàm Tứ Huấn từ đầu đến cuối chẳng ngừng, mỗi ngày tối thiểu niệm hai ba lượt. Quý vị niệm đến ba trăm lượt, sẽ thay đổi quan niệm.
Đọc một hai lần thì do tập khí của quý vị quá nặng, ấn tượng rất mỏng manh, yếu ớt, chẳng sanh ra hiệu quả; ba trăm lần, cho đến ba ngàn lần, trong đầu nẩy sanh tác dụng, sau đấy, quý vị mới dám xả. Vì sao dám xả ?
Biết “một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng định trước”, ta đều bỏ hết, ngày mai tự nhiên sẽ có cơm ăn, cơm từ đâu ra ? Chẳng biết ! Ngày mai quý vị vẫn đương nhiên có cơm ăn, rất mầu nhiệm ! Nhưng mọi người chẳng dám tin tưởng điều này !
Tôi thưa cùng chư vị đồng tu: Thuở tôi vừa mới học Phật, lão cư sĩ Châu Kính Trụ tặng tôi một quyển Liễu Phàm Tứ Huấn. Tôi đọc xong, rất cảm động, cảm thấy rất có lý, liền bắt đầu bỏ, vẫn chưa phải là bỏ sạch ngay, mà là bỏ từ từ.
Chương Gia đại sư dạy tôi tu sáu năm, trong sáu năm, tôi bỏ sạch sành sanh, thứ gì cũng đều chẳng có. Khi đó, các bạn đồng nghiệp hỏi tôi:
“Nay anh chẳng có một đồng nào, lại muốn thôi việc, anh sống bằng cách nào ?”
Bạn bè thân thiết, cấp trên, đồng nghiệp đều lo lắng giùm tôi. Tôi thôi việc, là do tự mình bỏ việc, bỏ việc thì chẳng nhận được đồng nào, công ty chỉ phát một tháng tiền lương. Tôi rất vui vẻ nhận lấy, vì chỉ bằng lòng cho tôi thôi việc là được rồi, một đồng tôi cũng chẳng cần !
Khi ấy, đồng nghiệp và cấp trên, mọi người đóng góp chút tiền, tặng tôi hai ngàn đồng, tôi đem món tiền ấy đến Ấn Kinh Xứ của Châu lão cư sĩ để in kinh, thay họ làm việc thiện.
Vì chính họ chẳng chịu phát tâm in kinh, nên tôi dùng tên bọn họ để in kinh. Sau khi in xong, tặng mỗi người một quyển để làm kỷ niệm, tôi chẳng cần đến đồng nào !
Tôi nói với cấp trên và đồng nghiệp: “Nếu tôi có số đáng phải chết đói, nay quý vị trao ngân hàng Đài Loan cho tôi, tôi vẫn bị chết đói. Trong mạng tôi chẳng bị chết đói, thứ gì tôi cũng đều chẳng cần, ngày mai tự nhiên có cơm ăn”.
Họ nghe nói đều sững sờ, tôi còn có niềm tin như thế đó ! Do số tôi không chết đói, nên mãi cho đến hiện thời, chưa hề bị đói bữa nào, xác thực là như thế đấy !
Vì vậy, “đảm thức” hết sức trọng yếu, quý vị thật sự có nhận thức thì mới có đảm lượng (lòng can đảm).
H.T. TỊNH KHÔNG !